Ngay sau Tết Nguyên đán, khí thế thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình rất khẩn trương; đội ngũ kỹ sư, công nhân thi đua lao động với quyết tâm cao ngay từ đầu năm để bảo đảm tiến độ đề ra.
Thi công nền đường đoạn qua địa phận xã Song An (Vũ Thư).
Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 256/QĐ-UBND, ngày 26/1/2022 với tổng chiều dài 8,4km, điểm đầu giao với Quốc lộ 10 tại Km59+950 (lý trình Quốc lộ 10) thuộc địa phận xã Tự Tân (Vũ Thư), điểm cuối tại nút giao với đường Chu Văn An, thuộc địa phận xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình). Tuyến đường được đầu tư xây dựng theo quy mô thiết kế đường phố chính đô thị chủ yếu; vận tốc thiết kế 80km/giờ; bề rộng mặt đường xe chạy 20,5m.
Với tinh thần có mặt bằng đến đâu thi công đến đó, nhất là những vị trí trọng yếu, hiện đơn vị thi công đang triển khai thi công các hạng mục của cầu Kiến Giang, cầu ngang S1 và phần nền đường tại các vị trí đã giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Vũ Thư. Đến nay, giá trị giải ngân cho dự án trên 196 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp đạt gần 130 tỷ đồng.
Với quyết tâm đưa công trình vào sử dụng theo đúng kế hoạch, liên danh nhà thầu thi công dự án Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long, Công ty Cổ phần 873 xây dựng công trình giao thông và Công ty Cổ phần Xây dựng cầu 75 đang tập trung tối đa nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ.
Kỹ sư Nguyễn Huy Sơn, chỉ huy trưởng thi công công trình, Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long cho biết: Xác định đây là công trình trọng điểm của tỉnh, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão, từ ngày mùng 8 tháng Giêng, nhà thầu đã triển khai ra quân đồng loạt trên toàn tuyến, tranh thủ thời tiết thuận lợi các mũi thi công tập trung huy động nhân lực, phương tiện thi công cả 3 ca để bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình.
Thời gian qua, thành phố Thái Bình và huyện Vũ Thư đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhanh chóng vào cuộc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng với tinh thần quyết tâm cao, bài bản, quyết liệt, thống nhất, đồng bộ, đúng quy định của pháp luật, cơ bản đã tạo được sự đồng thuận của người dân vùng dự án. Dự án qua địa bàn huyện Vũ Thư có chiều dài tuyến đường 6,15km, tổng diện tích đất quy hoạch trên 42ha, trong đó có 33,9ha đất nông nghiệp, 1,1ha đất ở, còn lại là đất công cộng; ảnh hưởng đến 930 hộ dân thuộc thị trấn Vũ Thư và các xã Hòa Bình, Tự Tân, Bách Thuận, Song An, Trung An đồng thời cần di dời hơn 900 ngôi mộ.
Bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Thời gian qua, huyện Vũ Thư đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các tuyến đường, các dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện trên địa bàn huyện nói chung, đường vành đai phía Nam nói riêng. Đặc biệt, với những vướng mắc về mặt bằng liên quan đến di dời các phần mộ thuộc phạm vi dự án, thời điểm cuối năm 2022 huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường tuyên truyền, vận động nên nhận được sự đồng thuận của người dân. Do đó, những vướng mắc mặt bằng trên tuyến đã cơ bản được giải quyết, kịp thời bàn giao mặt bằng sạch để thi công dự án đúng tiến độ.
Dự án xây dựng đường vành đai phía Nam có vai trò quan trọng nhằm kết nối với các tuyến đường nội đô thành phố Thái Bình, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn; tạo trục trung tâm cửa ngõ của thành phố, nối tỉnh Thái Bình với các địa phương trong cả nước; bảo đảm thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân; giảm bớt lưu lượng xe có tải trọng lớn đi qua trung tâm thành phố Thái Bình; thúc đẩy giao lưu kinh tế và trao đổi hàng hóa; khai thác tiềm năng, lợi thế của khu vực phía Nam thành phố Thái Bình và các vùng lân cận; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức để người dân hiểu được ý nghĩa của dự án, từ đó đồng thuận để dự án sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả./.