Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư có trọng điểm của tỉnh Lào Cai, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối trên địa bàn ngày càng hoàn thiện, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn để thu hút đầu tư, đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế của các địa phương.
Đúng dịp kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa, Dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa, với điểm nhấn là công trình cầu Móng Sến - cầu cạn có trụ cao nhất Việt Nam - chính thức thông xe. Dự án hoàn thành giúp giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 4D, rút ngắn thời gian di chuyển giữa thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa, xóa bỏ các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Anh Hoàng Văn Chiến, một lái xe thường xuyên chạy tuyến Lào Cai - Sa Pa cho biết: Đi đường mới ngoài giảm thời gian đi lại, chi phí nhiên liệu cũng được tiết kiệm hơn, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cao, xây dựng nhiều cây cầu cạn vượt địa hình, hạn chế các khúc cua ngắn, góp phần đảm bảo an toàn cho phương tiện tham gia giao thông.
Anh Trần Tuấn Việt, chủ một doanh nghiệp lữ hành cho biết, tuyến đường mới được phân làn 1 chiều từ thị xã Sa Pa đến thành phố Lào Cai nên việc lưu thông rất an toàn, lái xe cũng bớt căng thẳng so với di chuyển 2 chiều trên Quốc lộ 4D.
Đối với thị xã Sa Pa, tuyến đường này còn được kỳ vọng mở ra những cơ hội mới thu hút đầu tư vào các khu vực còn nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch sau khi Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại huyện Văn Bàn, những ngày này, Dự án đường kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút IC16 được Bộ Giao thông vận tải triển khai cũng được đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuyến đường có tổng chiều dài 147 km, trong đó đoạn qua huyện Văn Bàn dài 68 km.
Sau khi hoàn thành sẽ tăng cường khả năng kết nối, giao thương giữa Lào Cai và Lai Châu với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, phát huy tối đa hiệu quả đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, góp phần thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Với riêng huyện Văn Bàn, ngoài việc giúp giao thương và đi lại thuận tiện, an toàn, tuyến đường còn như một hành lang phát triển kinh tế của huyện. Các xã của huyện Văn Bàn nơi tuyến đường đi qua, gồm: Tân Thượng, Sơn Thủy, Khánh Yên Thượng, thị trấn Khánh Yên, Làng Giàng, Hòa Mạc, Dương Quỳ, Thẳm Dương, Minh Lương và Nậm Xé với nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp khai khoáng, nông - lâm nghiệp, du lịch nhưng nhiều năm vấp phải rào cản về hạ tầng giao thông sẽ được tháo gỡ.
Cùng với 2 dự án trên, tỉnh đang triển khai 2 dự án giao thông quan trọng là xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc), thúc đẩy hình thành Khu hợp tác kinh tế giữa 2 tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), nhằm nâng cấp hạ tầng đường sắt cho tương đồng về khổ đường ray của 2 nước, tăng nhanh thời gian lưu thông hàng hóa xuất - nhập khẩu, giảm chi phí vận tải đường sắt, thúc đẩy phát triển vận tải hàng hóa và tăng thêm thị phần vận tải đường sắt, đồng thời nâng cao giá trị kim ngạch 2 chiều.
Cùng với đó, Dự án Cảng Hàng không Sa Pa cũng đang được tích cực triển khai các công việc cuối cùng để sớm khởi công. Cảng Hàng không Sa Pa được đầu tư và đưa vào hoạt động sẽ có sức lan tỏa rất lớn đối với tỉnh Lào Cai nói riêng, khu vực Tây Bắc và cả nước nói chung, từng bước góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông của tỉnh.
Theo Sở Giao thông vận tải - Xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được xác định là 1 trong 2 nội dung đột phá theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI.
Trong quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 1 trong 3 khâu đột phá là hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng số.
Để huy động nguồn lực đầu tư, sớm cụ thể hóa các nội dung này, Lào Cai đã đề xuất với Trung ương các giải pháp để giải quyết những khó khăn về nguồn vốn; đề xuất trung ương cho phân cấp, phân quyền cho địa phương trong công tác đầu tư, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để các địa phương chủ động cân đối nguồn lực, tham gia đầu tư.