Hà Nội: Vận tải hành khách công cộng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ

Thứ hai, 09/10/2023 14:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
9 tháng đầu năm 2023, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) ghi nhận sự trở lại mạnh mẽ với hơn 357,4 triệu lượt hành khách sử dụng. Loại hình vận tải này, không chỉ hướng tới đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân, mà còn góp phần nâng cao văn hoá giao thông.

Xu thế tất yếu

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội (HPTC), 9 tháng đầu năm nay, hệ thống tàu điện, xe buýt của Hà Nội vận chuyển hơn 357 triệu lượt khách. Con số này đã tăng 56,8% so với cùng kỳ và đạt 96,4% kế hoạch đề ra. 

Trong đó, tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông vận chuyển khoảng 7,7 triệu lượt hành khách với tổng doanh thu toàn ước đạt 55,1 tỷ đồng.

Ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm TGĐ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết: “Giai đoạn đầu, tàu điện vận hành trong giai đoạn giãn cách xã hội nên lượng khách đi hàng ngày chỉ khoảng 10.000 người. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, trong những ngày làm việc, lưu lượng khách 35.000 người/ngày".

Xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của người dân mỗi ngày.

Bên cạnh sự tăng trưởng của tàu điện, hệ thống xe buýt cũng đạt được những con số ấn tượng. Trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu toàn mạng lưới xe buýt ước đạt 410,2 tỷ đồng, với khoảng 5.451.201 lượt xe và 410,2 triệu hành khách. Lượng hành khách đã tăng 57,1% so với cùng kỳ 2022, đạt 94,7% kế hoạch. Riêng tuyến buýt nhanh BRT vận chuyển khoảng 3,4 triệu lượt khách.

Không dừng lại ở đó, trong năm 2023, lần đầu tiên xe đạp công cộng được đưa vào khai thác sử dụng tại Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Nam, đơn vị vận hành dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn TP Hà Nội cho biết: “Sau gần 9 ngày khai trương, trên địa bàn TP Hà Nội có 28.240 người đăng ký tài khoản sử dụng xe đạp công cộng. Hệ thống ghi nhận 17.024 chuyến đi hoàn thành, trung bình mỗi chuyến hơn 5km. Đây là tín hiệu tích cực với loại hình giao thông này”.

VTHKCC ngày càng được người dân ưa chuộng bởi sự thuận tiện khi di chuyển, giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Đồng thời, lựa chọn VTHKCC sẽ góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân, từ đó giảm ùn tắc giao thông và lượng khí thải gây hại đến môi trường.

Chất lượng dịch vụ của VTHKCC cũng được cải thiện đáng kể. Nhân viên tàu điện, xe buýt đều được tập huấn, nâng cao kỹ năng, hướng tới phục vụ hành khách chu đáo nhất.

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, hệ thống xe buýt Thủ đô đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Các xe cũ bị loại bỏ hoàn toàn, thay thế và bổ sung bằng các phương tiện đạt chất lượng. Nhà chờ xe buýt cũ, xuống cấp cũng được duy tu, sửa chữa và bổ sung để phục vụ hành khách tốt nhất.

Xây dựng văn hoá giao thông hiện đại

Theo ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm TGĐ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, tàu điện Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen đi lại và từng bước xây dựng văn hóa giao thông của Hà Nội theo hướng văn minh và hiện đại. “Chúng ta đã nhìn thấy những nét văn minh của văn hóa giao thông hiện đại”, ông Vũ Hồng Trường chia sẻ.

Trước đây, người dân đi ở cự ly ngắn thì thường sử dụng phương tiện cá nhân. Hiện nay, mọi người đã chấp nhận việc đi bộ xa hơn để sử dụng các loại hình VTHKCC. Đây cũng là một trong những đóng góp của người dân để giải quyết bài toán về ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, trong các đô thị lớn. 

Người dân lựa chọn xe đạp công cộng để di chuyển hàng ngày. 

Với bất kỳ một loại hình VTHKCC hiện đại nào áp dụng phong cách phục vụ văn minh, thì hành khách sẽ tự cảm nhận và thay đổi dần hành vi; từ đó, hình thành và xây dựng văn hoá giao thông. 

Nếu như giai đoạn đầu còn rất nhiều những hành vi như vứt rác bừa bãi, nói chuyện ồn ào, ăn uống trên tàu điện, xe buýt, không nhường chỗ cho người già, phụ nữ, … thì đến nay tất cả những hiện tượng này đã được dần thay đổi. 

Ông Vũ Hồng Trường nhấn mạnh: “Điều đáng mừng là văn hóa giao thông văn minh, hiện đại này không chỉ ở trong tuyến Cát Linh - Hà Đông mà đã lan tỏa sang các phương tiện giao thông công cộng khác của Hà Nội như xe buýt”. 

Anh Đào Duy Huy, người dân sinh sống ở Hà Đông chia sẻ: “Sau nhiều năm đi học và đi làm bằng xe buýt và mới đây là tàu điện, mình cảm thấy đây là loại hình giao thông rất phù hợp với thời đại, mang tính cộng đồng cao. So với những năm trước, mình thấy mọi người dần có ý thức hơn trong việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng".

Để phát huy tất cả các thế mạnh của VTHKCC, Hà Nội cần tiếp tục đẩy nhanh việc đầu tư, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông. Hệ thống đường sắt đô thị được hoàn thiện và kết nối với xe buýt, xe đạp công cộng sẽ thu hút nhiều người dân tham gia VTHKCC, giảm thiểu phương tiện cá nhân. 

Một điều đáng lưu ý nữa, để thu hút người dân sử dụng các loại hình VTHKCC là chất lượng dịch vụ. Các nhà chờ xe buýt, tàu điện cần đảm bảo số lượng và chất lượng cho người dân thuận tiện sử dụng. Bên cạnh đó, chất lượng phương tiện và thái độ, ứng xử của cán bộ, công nhân viên khi phục vụ khách hàng cũng cần cải thiện, nâng cao, hướng tới sự chuyên nghiệp, văn minh của văn hoá giao thông hiện đại./.

kimcuc

Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)