UBND TP Hà Nội vừa có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, rà soát đề xuất sửa chữa, thay mới hàng trăm cầu yếu.
Sau khi nhận được đề xuất giải pháp đầu tư xây dựng, sửa chữa và tăng cường công tác quản lý các công trình cầu tạm, cầu yếu trên địa bàn, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, rà soát nội dung đề xuất, kiến nghị của Sở GTVT.
Cầu yếu chậm sửa chữa, thay mới sẽ ảnh hưởng tới an toàn
của người tham gia giao thông.
Các cơ quan này cũng có trách nhiệm căn cứ nhu cầu thực tiễn đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa các cầu yếu trên địa bàn (nhóm 1 và nhóm 2), khả năng bố trí vốn của Thành phố, của các địa phương để xem xét, thống nhất đề xuất, báo cáo UBND Thành phố.
Phía Sở GTVT, UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý, UBND các quận, huyện, thị xã theo dõi, đánh giá, kiểm tra định kỳ theo quy định. Đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông; Hướng dẫn UBND các quận, huyện thị xã thực hiện kiểm tra, kiểm định cầu theo quy định, cắm biển đủ biển báo hiệu: tên cầu, tải trọng, hạn chế tải trọng xe qua cầu.
Theo thông tin của Sở GTVT Hà Nội, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội còn 144 cầu tạm, cầu yếu, cầu dân sinh đã xuống cấp chưa được đầu tư tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Trong đó, hiện có 55 công trình cầu do TP quản lý cần thiết phải đầu tư cải tạo, sửa chữa. Con số này được đưa ra sau quá trình rà soát, đánh giá trên cơ sở hồ sơ quản lý cầu, hồ sơ kiểm định, thử tải…
Điển hình như: Cầu Trắng (Giáp Bát, Hoàng Mai), cầu 72 II (Hoài Đức), cầu Kim Ngưu (Hai Bà Trưng), cầu Yên Sở (Hoài Đức), cầu Chiếc...
Đối với các cầu do quận, huyện, thị xã quản lý, UBND các địa phương cũng đã kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng và đề xuất đầu tư xây dựng mới, thay thế, cải tạo đối với 89 cầu.
Cụ thể các cầu yếu như: Cầu Văn Minh bắc qua kênh Bìm (Nam Tiến, Phú Xuyên), Cầu Kiều Đông (Phú Xuyên), cầu Gồ (Vân Côn, Hoài Đức), cầu qua sông Tây Ninh (Ứng Hoà)...