Hạ tầng giao thông đang được đầu tư rất lớn nhưng mới chỉ có một vài dự án thí điểm áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) nên chưa thể đánh giá hết được hiệu quả. Việc định hình thách thức và giải pháp để ứng dụng BIM hiệu quả hiện vô cùng cần thiết.
Việc áp dụng BIM cần có sự đồng bộ
Sáng nay (6/5) đã diễn ra Hội thảo trực tuyến với chủ đề: "Áp dụng BIM trong công trình hạ tầng giao thông - Thách thức và giải pháp". Hội thảo do Tạp chí Xây dựng phối hợp với Viện Kinh tế Xây dựng tổ chức.
Quá trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn thí điểm từ ngày 22/12/2016 khi Quyết định 2500 của Thủ tướng Chính phủ ban hành và có hiệu lực;
Giai đoạn khuyến khích áp dụng từ ngày 3/3/2021 khi Nghị định số 15/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành và có hiệu lực;
Giai đoạn bắt buộc áp dụng đối với công trình cấp 1 các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Thực hiện từ ngày 17/3/2023 khi Quyết định 258 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng được ban hành và có hiệu lực.
Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thái Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng cho biết, trong bối cảnh nguồn lực của xã hội đang đầu tư rất lớn cho lĩnh vực hạ tầng giao thông nhưng mới chỉ có một vài dự án thí điểm áp dụng nên chưa thể đánh giá hết được hiệu quả của việc áp dụng BIM.
Do đó, nhu cầu tìm hiểu về BIM trong lĩnh vực hạ tầng giao thông là vô cùng cần thiết để áp dụng BIM hiệu quả trong thiết kế, thi công và quản lý xây dựng các dự án hạ tầng giao thông theo yêu cầu bắt buộc của Thủ tướng Chính phủ.
Theo TS. Phan Hữu Duy Quốc - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Searefico E&C, việc áp dụng BIM cho công trình xây dựng ở Việt Nam được bắt đầu vào những năm 2014-2015, chủ yếu là ở các công ty xây dựng hoặc tư vấn liên quan đến mảng xây dựng dân dụng. Ở mảng hạ tầng, việc áp dụng BIM chậm hơn vài năm và chưa ở mức độ phổ biến như trong lĩnh vực xây dựng dân dụng.
TS. Phan Hữu Duy Quốc - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Searefico E&C
Do đó, ở thời điểm này, việc áp dụng BIM cho công trình hạ tầng có thể sẽ gặp khó khăn, vì chưa có sự đồng bộ và sẵn sàng của mọi thành phần liên quan trong chuỗi giá trị liên quan đến công trình hạ tầng, đặc biệt là chủ đầu tư, cơ quan thẩm định, phê duyệt thiết kế.
"Việc áp dụng BIM không phụ thuộc vào quyết tâm của một nhóm người, mà cần có sự động bộ. Vì vậy, chủ đầu tư có thể quyết định quy mô áp dụng BIM phù hợp với nguồn lực của chính chủ đầu tư cũng như nguồn lực của các bên liên quan", TS. Phan Hữu Duy Quốc cho hay.
Ông Tạ Ngọc Bình - Viện Kinh tế Xây dựng
Ông Tạ Ngọc Bình - Viện Kinh tế Xây dựng cho biết, mục tiêu của lộ trình áp dụng BIM đối với chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu là tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng; nâng cao chất lượng sản phẩm thiết kế; hỗ trợ xây dựng phương án tổ chức thi công, tổ chức và quản lý các nguồn lực trong quá trình xây dựng, kiểm soát chất lượng xây dựng; hỗ trợ qúa trình nghiệm thu, phục vụ cho giai đoạn quản lý, vận hành công trình.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, BIM là công cụ để hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu,…
PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch VARSI
Nhận định về những khó khăn, thách thức khi áp dụng BIM trong doanh nghiệp, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch VARSI chia sẻ, doanh nghiệp phải trang bị máy móc tiên tiến như trang bị máy quét Lidar, Scaner để dữ liệu ra pointcloud, trang bị phần mềm, trang bị máy tính cấu hình cao để thực hiện, từ đó làm tăng chi phí.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải đào tạo nhân sự biết sử dụng các phần mềm, sử dụng thiết bị công nghệ số; xây dựng quy trình làm việc BIM cho công ty nên phải có đội ngũ am hiểu về chuyên môn và các nghiệp vụ.
Quy định của Nhà nước chưa hoàn thiện cho các công tác BIM trong tính khối lượng từ mô hình 3D, chưa có đơn giá định mức cho BIM, vì vậy doanh nghiệp có thể phải cùng lúc hoàn thành hai bộ hồ sơ pháp lý của dự án.
PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch VARSI
Ông Noah Arles - Giám đốc Nhóm chuyên gia Kỹ thuật AEC ASEAN, Autodesk thuyết trình tại hội thảo
BIM giúp đưa ra những quyết định tốt nhất
Ông Noah Arles - Giám đốc Nhóm chuyên gia Kỹ thuật AEC ASEAN, Autodesk cho biết, dữ liệu được phát triển và cập nhật liên tục trong dự án áp dụng BIM sẽ giúp chủ đầu tư và các bên liên quan kiểm soát được tình trạng dự án và đưa ra những quyết định tốt nhất trong quá trình thực hiện.
Minh chứng cho nhận định này là 2 dự án điển hình: Trung tâm vận tải đa phương tiện ở Los Angeles (Mỹ) và cao tốc ở Nauy được đại diện của Autodesk chia sẻ tại hội thảo cho thấy, lợi ích của việc áp dụng BIM đã hỗ trợ quản lý chất lượng, hạn chế rủi ro, tăng tốc thời gian hoàn thành và đảm bảo ngân sách dự kiến trong việc thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Huy Bình - Giám đốc bộ phận iBIM Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam cho biết, ứng dụng BIM trong thiết kế và quản lý xây dựng cầu trong đô thị có thể giúp tăng cường hiệu quả trong quản lý, tối ưu hóa chi phí và thời gian thi công, đồng thời giảm thiểu sai sót trong quá trình thiết kế và xây dựng.
Việc sử dụng BIM có thể giúp thiết kế các công trình xây dựng
sao cho phù hợp với quy hoạch và môi trường xung quanh
Từ góc nhìn của tăng trưởng xanh trong GTVT, ứng dụng BIM có thể giúp giảm thiểu tác động của các công trình xây dựng đến môi trường và đô thị, giảm ùn tắc, giảm khí thải, đảm bảo an toàn cho công nhân cũng như người lưu thông trên đường.
Việc sử dụng BIM có thể giúp thiết kế các công trình xây dựng sao cho phù hợp với quy hoạch và môi trường xung quanh. BIM cũng giúp quản lý việc sử dụng tài nguyên và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, giảm lượng chất thải xây dựng sinh ra trong quá trình xây dựng và vận hành công trình.
Quyết định 258 ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng, bắt buộc áp dụng BIM thực hiện theo giai đoạn. Giai đoạn 1, thực hiện từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Giai đoạn 2, thực hiện từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Cũng tại Hội thảo, ông Lê Quang Thắng - Điều phối BIM công trình hạ tầng Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex IDC cho biết, đơn vị đã và đang áp dụng công nghệ BIM vào các khâu thiết kế, thi công, vận hành các công trình dân dụng và hạ tầng giao thông như là một thành tố quan trọng trong kế hoạch phát triển hệ sinh thái đa thành phần, tạo ra sự đột phá cho phát triển KT-XH tỉnh Bình Dương.
Nổi bật là việc áp dụng BIM cho các công trình thương mại dịch vụ, bệnh viện, trường học, văn phòng và dự án giao thông kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị, kết nối Bình Dương với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước như dự án mở rộng QL13, đường ĐT743, đường Mỹ Phước Tân Vạn, Mỹ Phước Bàu Bàng, cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Vành đai 3 trên cao, Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bình Dương,…
Ông Lê Quang Thắng khẳng định, việc áp dụng BIM tại Becamex IDC đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho chủ đầu tư. Cụ thể, trong giai đoạn thiết kế, việc tạo dựng mô hình 3D giúp chủ đầu tư có cái nhìn trực quan rõ ràng công trình hình thành trong tương lai, từ đó yêu cầu đơn vị tư vấn điều chỉnh thiết kế phù hợp một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Ngoài ra, môi trường dữ liệu chung (CDE) và công nghệ "scan to BIM" sử dụng máy quét 3D laser để tạo ra mô hình kỹ thuật số 3D dưới dạng dữ liệu đám mây điểm (point cloud) với độ chính xác cao về các vật thể trong thế giới thực, hỗ trợ quá trình thiết kế hiệu quả.
Trong giai đoạn thi công, mô hình BIM cung cấp khối lượng của dự án một cách chính xác, từ đó giúp chủ đầu tư kiểm soát được chi phí đầu tư xây dựng của dự án. Kết hợp với công nghệ AI so sánh, đối chiếu sản phẩm thi công thực tế với mô hình thiết kế giúp nâng cao chất lượng công trình, hạn chế phát sinh trong quá trình thi công, nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án.
Trong giai đoạn quản lý vận hành, sử dụng mô hình BIM làm cơ sở tạo ra bản sao kỹ thuật số (digital twins), từ đó tích hợp vào mô hình thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác quản lý hạ tầng giao thông nói riêng và tổng thể thành phố thông minh Bình Dương nói chung.