Dự án đường sắt tốc độ cao Hợp Phì-Phúc Châu dài 806km, bắt đầu tại Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến (đông nam Trung Quốc) đến Hợp Phì ở tỉnh An Huy (miền Trung Trung Quốc).
Đây là một phần quan trọng của tuyến đường sắt Bắc Kinh-Phúc Châu đã được Ủy ban Kế hoạch và Phát triển Nhà nước phê duyệt tháng 7 năm 2009 và dự án đã được Bộ Đường sắt công bố tháng 12 năm 2009.
Quá trình xây dựng đường sắt Hợp Phì-Phúc Châu bắt đầu vào tháng 4 năm 2010 và dự kiến hoàn thành tháng 3 năm 2014. Ước tính chi phí cho dự án là 109,8 tỷ NDT (16,9 tỷ $). Công ty Đường sắt tốc độ cao Trung Quốc (CRH) là nhà điều hành chính của các đoàn tàu tốc độ cao.
Bắt đầu từ Phúc Châu tuyến đường sắt chạy qua Nam Bình và Vũ Di Sơn tỉnh Phúc Kiến, Thượng Nhiêu và Vụ Nguyên tại tỉnh Giang Tây, và Hoàng Sơn, Kê Tây, Đồng Lăng và Sào Hồ ở tỉnh An Huy.
Sau khi hoàn thành, thời gian đi lại giữa Hợp Phì và Phúc Châu sẽ được giảm 4 giờ, và thời gian từ Bắc Kinh tới Hạ Môn sẽ được giảm 9 giờ.
Tuyến đường sắt Hợp Phì-Phúc Châu là một phần của mạng đường sắt quốc tế 4.800 km trong vùng kinh tế, nằm trong kế hoạch giai đoạn 2010-2015.
Đoàn tàu CRH1 tại ga Phúc Châu
Đây là tuyến đường sắt tốc độ cao thứ tư được thiết kế để chạy với tốc độ 250km/giờ trên hệ thống đường sắt tiêu chuẩn đã điện khí hóa. Ba tuyến đường sắt tốc độ cao trước là Bắc Kinh-Thiên Tân, Vũ Hán-Quảng Châu và Trịnh Châu-Tây An.
Theo thiết kế tuyến đường sắt này sẽ đi qua 170 cây cầu và 54 đường hầm. Tuyến đường cũng đi qua hai Di sản thế giới được Unesco công nhận là Hoàng Sơn và Vũ Di Sơn.
Với tổng chiều dài 806km, tuyến đường chạy qua tỉnh An Huy dài 343km, trong đó 80% chiều dài tuyến đường đi trên cầu và qua các hầm. Ước tính chi phí xây dựng là 26.45 tỷ NDT. Đây cũng là đoạn đi qua cầu Đông Lăng dài 52km qua sông Dương Tử là một cây cầu đường sắt dài nhất tuyến.
Khi hoàn thành, tuyến đường sắt tốc độ cao Hợp Phì-Phúc Châu cũng sẽ kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao Hạ Môn - Phúc Châu ở phía nam và đường sắt tốc độ cao Hợp Phì-Bạng Phụ ở phía bắc.
Tuyến Phúc Châu-Hạ Môn dài 274.9km đã được Trung Quốc đưa vào hoạt động từ tháng 4 năm 2010 với tốc độ thiết kế 250km/giờ. Sự hoạt động của tuyến này đã giảm thời gian đi lại giữa hai thành phố 1,5 giờ xuống còn 9,5 giờ.
Bên cạnh việc xây dựng các tuyến đường, vấn đề đầu máy toa xe cũng được Trung quốc hết sức quan tâm. Hiện tại, Công ty Đường sắt tốc độ cao Trung Quốc đã sản xuất được khá nhiều đoàn tàu tốc độ cao. Từ CRH1, đến nay công ty đã phát triển tới CRH5. Trong đó CRH1 được phát triển theo công nghệ của Bombardier. CRH2 được dựa trên mẫu Shinkansen E2 và CRH5 dựa trên mẫu ETR600 Pendolino Alstom. Tất cả ba mô hình đều có tốc độ tối đa 250km/giờ. CRH3 dựa theo Siemens Velaro và có tốc độ tối đa 350km/giờ.
Trong tháng 6 năm 2010, CRH đặt hàng 20 đoàn tàu CRH1, mỗi đoàn tàu có 8 toa, để thêm vào đội tàu hiện tại của mình. Các đoàn tàu theo công nghệ Bombardier này có thể chứa 670 hành khách.
Tuyến đường sắt Hợp Phì-Phúc Châu khi hoàn thành sẽ là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm điện khí hóa và các đoàn tàu sẽ chạy với tốc độ 250km/giờ.
Trong tương lai một tuyến đường đôi khí hóa, được thiết kế cho tốc độ 200 km / giờ, sẽ được xây dựng từ Cám Châu đến Long Nham (tỉnh Phúc Kiến) tạo thành tuyến đường sắt lớn nhất từ Côn Minh (tỉnh Vân Nam) đến Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến).
Việc cải tạo các tuyến đường sắt Nam Bình - Tam Minh-Long Nham sẽ tạo thành một phần quan trọng của Đường sắt Hàng Châu-Quảng Châu. Sau khi hoàn thành tuyến đường này sẽ trở thành con đường nhanh nhất từ bờ biển phía tây của eo biển Đài Loan tại châu thổ sông Trường Giang đến chây thổ sông Châu Giang.
Theo Rail magazine