Hãng Đường sắt JR Tokai của Nhật Bản cho biết họ có kế hoạch bắt đầu một phần dịch vụ thương mại bằng tàu đệm từ trường MAGLEV (MAGnetic LEVitation) vào năm 2020, sớm hơn 7 năm so với dự kiến, đối với tuyến đường đầu tiên giữa Tokyo và Nagoya (được dự kiến khai thác thương mại từ năm 2027). Tuyến đường giữa Tokyo và Nagoya (42,8 km), có thể mở vào năm 2020 tương đương với tuyến được thử nghiệm giữa Kofu và Sagamihara, hiện đang được mở rộng để thực hiện các thử nghiệm.
Tàu MAGLEV bay lên trên mặt đất dưới tác động của lực điện từ. Chúng được phát triển để khắc phục ma sát giữa bánh xe và đường ray, và do đó, để đạt được tốc độ cao hơn nhiều. Hiện nay, ba tuyến đường sử dụng công nghệ này đã được vận hành trên thế giới. Trong đó có tuyến đường ở Thượng Hải dài 30 km. Hai tuyến khác là ở Nhật Bản, tuyến nối Nagoya và Linimo và ở Daejeon (Hàn Quốc).
Tại Nhật Bản, nghiên cứu trong lĩnh vực tàu cao tốc đã bắt đầu vào năm 1962. Nhật Bản giữ kỷ lục thế giới về tốc độ của hệ thống đường sắt (581 km/h kỷ lục năm 2003).
Hệ thống tàu cao tốc MAGLEV đắt hơn nhiều so với hệ thống tàu cao tốc thông thường, đặc biệt là liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tiêu thụ điện năng (theo tính toán của JR Tokai, các Maglev sẽ tiêu thụ điện nhiều gấp 3 lần so với các tàu điện N700, loại Shinkansen mới nhất ở Nhật Bản). Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục để giảm chi phí xây dựng và chi phí hoạt động. JR Tokai, phụ trách dự án, dường như quyết tâm mở một tuyến đường giữa Tokyo và Osaka vào năm 2045. JR Tokai đã công bố quyết định của mình trong năm 2007 là hoàn thành tuyến đường này với chi phí của mình (trừ các trạm trung gian được tài trợ bởi các cơ quan có liên quan). Chi phí cho tuyến đường này dự kiến là từ 8 đến 9 nghìn tỷ yên (khoảng 70 đến 80 tỷ euro). Do số tiền đầu tư lớn và rất rủi ro đối với công ty, nên JR Tokai đã quyết định xây dựng tuyến đường này theo 2 giai đoạn: mở tuyến đầu tiên giữa Tokyo và Nagoya vào năm 2027 nhằm hạn chế nợ và thu lợi nhuận để đầu tư tiếp cho giai đoạn 2.
Một khi được hoàn thành, tuyến tàu cao tốc giữa Tokyo và Osaka dự kiến sẽ có lượng chuyên chở lớn nhất thế giới, nó cũng giảm đáng kể thời gian di chuyển giữa hai địa điểm này (từ hơn 2 giờ xuống còn 67 phút), khiến nó rất cạnh tranh so với máy bay.
Tuyến đường tàu cao tốc phục vụ hành lang dài 500km giữa Tokyo và Osaka luôn được coi là huyết mạch của Nhật Bản vì khu vực này là trung tâm công nghiệp và kinh tế-xã hội của đất nước, tập trung gần một nửa dân số và 2/3 ngành công nghiệp Nhật Bản.
Vista