Thanh niên Quản lý bay với văn hóa an toàn hàng không

Thứ ba, 21/08/2018 11:33 GMT+7
Ngày 1/1/1914, hãng Hàng không thương mại đầu tiên chính thức ra đời với chuyến bay từ thành phố St Petersburg tới Tampa ở bang Florida, Mỹ. Với hơn 100 năm xây dựng và phát triển, ngành Hàng không thế giới đã chứng kiến nhiều tai nạn rất nghiêm trọng như quên quan sát đường cất hạ cánh dẫn đến sự cố va chạm tàu bay cất cánh và đang lăn tại bán đảo Tenerife năm 1977; hay sơ xuất chuyển đổi khối lượng giữa kilogram và pound khi nạp dầu cho tàu bay khiến tàu bay phải hạ cánh khẩn cấp và nhiều tai nạn khác dẫn đến thiệt hại nặng nề cả về vật chất và con người…

“Với ngành Hàng không, một tai nạn là quá nhiều”!

Ngày nay, với sự phát triển ngày càng nhanh của công nghệ kỹ thuật để tiếp tục giảm tối đa tỷ lệ các tai nạn thì yếu tố con người và nhận thức về văn hóa an toàn phải được nhận thức đúng và đầy đủ.

Xây dựng văn hóa an toàn không chỉ là tạo ra văn hóa và tiến hành thực hiện mà cần hòa trộn và gắn kết cùng thời gian. Được tập trung triển khai từ năm 2013, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã ban hành các kế hoạch nâng cao nhận thức văn hóa an toàn đến từng cán bộ, công nhân viên trong toàn Tổng công ty với mục tiêu là điều hành bay “An toàn – Điều hòa – Hiệu quả”, trong đó yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu.

Đoàn Thanh niên TCT Quản lý bay Việt Nam tham gia
“Ngày hội Văn hóa An toàn Hàng không” vào tháng 06/2018 tại Học viện Hàng không Việt Nam

Hiện nay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đang cung cấp 5 dịch vụ: Dịch vụ Quản lý không lưu, dịch vụ Thông tin dẫn đường giám sát, dịch vụ Thông báo tin tức Hàng không, dịch vụ Khí tượng Hàng không và dịch vụ Tìm kiếm cứu nạn Hàng không. Mỗi một CBCNV dù công tác trong lĩnh vực dịch vụ nào, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ trong toàn Tổng công ty luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn. Riêng đối với lực lượng Kiểm soát viên không lưu, trong từng huấn lệnh, chỉ thị bay cấp cho tổ lái đều phải được suy nghĩ và tính toán kĩ lưỡng, giảm thiểu sự trì hoãn, tốn kém xăng dầu cho các hãng hàng không; nhưng quan trọng hơn cả là đảm bảo an toàn cho từng chuyến bay trong vùng trách nhiệm của mình. Lực lượng phụ trách công tác kỹ thuật luôn phải  bảo đảm trang thiết bị để cung cung cấp các phương tiện tốt nhất cho KSVKL trong công tác điều hành bay.

Cùng với các ban chức năng, Đoàn Thanh niên Tổng công ty đã tham gia phối hợp tiến hành khảo sát văn hóa an toàn tới 1367 đối tượng (cả bằng hình thức khảo sát qua phiếu và trả lời phỏng vấn trực tiếp) dành cho cấp quản lý và lực lượng không lưu, kỹ thuật. Với mong muốn, Văn hóa An toàn Hàng không không chỉ dành cho khối không lưu hay kĩ thuật, mà cần được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã và đang tăng cường các biện phát nhằm phổ biến, tuyên truyền, truyền đạt tới từng người lao động thông tin về mục tiêu, tình trạng, các hoạt động cũng như sự kiện của mình và xây dựng những quy trình, phương thức cho phép liên kết giữa các cá nhân với nhau và với cấp quản lý.

 Là lực lượng xung kích đi đầu trong mọi hoạt động, Đoàn Thanh niên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã chủ động tham mưu cũng như đề ra các biện pháp hữu ích, gắn liền hoạt động đoàn với công tác an toàn, góp phần cùng đơn vị nâng cao nhận thức về Văn hóa an toàn, như:

Huấn luyện, phổ biến kiến thức về Quản lý an toàn và Văn hóa an toàn: Đoàn thanh niên tham mưu cùng đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện nâng cao kiến thức về Hệ thống Quản lý an toàn (SMS); đảm nhận vai trò tham gia huấn luyện cơ bản ban đầu về SMS cho cán bộ, nhân viên chưa được học và đặc biệt là các đoàn viên thanh niên mới được tuyển dụng vào đơn vị.

Tuyên truyền về Quản lý an toàn và Văn hóa an toàn: Đoàn thanh niên tổ chức nhiều hoạt động đoàn gắn liền với công tác tuyên truyền về an toàn, nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn cho Người lao động, đặc biệt là những đối tượng trực tiếp tham gia vào dây chuyền cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, qua nhiều hình thức khác nhau như: Thiết kế poster tuyên truyền, xây dựng tờ tin các giá trị về văn hóa an toàn, đưa nội dung vào các buổi sinh hoạt chi đoàn, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa an toàn…

Xây dựng chương trình Thông tin an toàn: Hỗ trợ các ban chuyên môn cấp thông tin mang tính thời sự về: Các chỉ số an toàn, các mối nguy hiểm, mức độ rủi ro; Kết luận cuộc họp của Ban chỉ đạo an toàn Tổng công ty và các Nhóm công tác an toàn SAG; Các phương thức quản lý an toàn mới đến các đoàn viên thanh niên và ngời lao động. Xây dựng các bảng tin an toàn (bảng tin điện tử) cung cấp các nội dung trên cũng như các nội dung phân tích, đánh giá các sự cố, bài học an toàn, các giải pháp giảm thiểu rủi ro.  

Tổ chức Ngày an toàn – Safety day: Phối hợp cùng chính quyền và công đoàn, tham gia tổ chức định kỳ hàng năm “Ngày An toàn – Safety Day”, gồm các nội dung phong phú như tổ chức các hoạt động mang tính giao lưu giữa các đơn vị và cá nhân trong Tổng công ty, giữa Tổng công ty với các đơn vị trong và ngoài ngành hàng không; biểu dương, đề xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân có đóng góp trong công tác bảo đảm an toàn và quản lý an toàn.

Đoàn viên TCT tuyên truyền về Văn hóa An toàn Hàng không
đến người tham dự Ngày hội Tuyên truyền vào tháng 06/2018

“An toàn Hàng không rất cần các bạn!”

Văn hóa an toàn Hàng không không chỉ là trách nhiệm của những người đang công tác trong ngành Quản lý bay hay ngành Hàng không, mà còn là trách nhiệm của tất cả các công dân, người dân. Mỗi người mà đi đầu là các đoàn viên thanh niên hãy tự giác tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn Hàng không thi tham gia vận chuyển bằng đường Hàng không; tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, bạn bè hiểu rõ, hiểu đúng về Văn hóa An toàn Hàng không. Và không chỉ trong ngành Hàng không, đoàn viên thanh niên hãy cùng nhau thực hiện văn hóa an toàn trong đời sống, trong lao động sản xuất và khi tham gia giao thông nói chung.

Lê Nam

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)