Cuộc họp được đồng tổ chức bởi Albania và Hoa Kỳ, đồng tài trợ bởi Ecuador và Estonia. Các diễn giả tại cuộc họp có Izumi Nakamitsu, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách giải trừ quân bị; Marietje Schaake, Giám đốc Chính sách Quốc tế, Trung tâm Chính sách Mạng Đại học Stanford; Moliehi Makumane, nhà nghiên cứu an ninh mạng tại Viện nghiên cứu giải trừ quân bị của LHQ. Cuộc họp có đại diện của 41 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Úc, Nhật Bản, Brazil, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, … Phái đoàn Việt Nam do Tham tán công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ làm trưởng đoàn.
Tham tán công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn
thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: vietnam.vn).
Các quốc gia tham gia cuộc họp này được phân bố rộng rãi về mặt địa lý, gồm cả các quốc gia phát triển và đang phát triển ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và Châu Phi, qua đó phản ánh quan điểm và lợi ích của mỗi bên. Tham luận của các nước bao quát nhiều chủ đề, bày tỏ quan điểm về các vấn đề khác nhau cùng quan tâm. Nội dung thảo luận tập trung vào: Tầm quan trọng của việc thúc đẩy sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) có trách nhiệm ở cấp quốc gia, vai trò của Hội đồng Bảo an LHQ trong vấn đề này và sự cần thiết phải tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân ở cấp quốc gia và quốc tế.
Về cơ bản, các quốc gia nhất quán về vấn đề thứ nhất và thứ ba, nhưng có một số khác biệt liên quan đến vai trò của Hội đồng Bảo an trong việc thúc đẩy hành vi của nhà nước có trách nhiệm trong sử dụng CNTT-TT. Các thảo luận tại cuộc họp này phản ánh ở một mức độ nhất định những tranh chấp và cuộc chơi trong lĩnh vực luật pháp quốc tế trên không gian mạng.
Vai trò của Hội đồng Bảo an trong vấn đề luật quốc tế trên không gian mạng
Khác với các cuộc họp chính thức của Hội đồng Bảo an, cuộc họp “công thức Arria” là cơ chế họp đặc biệt (đặt theo tên của đại sứ Venezuela Diego Arria, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bảo an), được triệu tập theo sáng kiến của một hoặc nhiều thành viên của Hội đồng Bảo an.
Bằng cách này, các thành viên của Hội đồng Bảo an có thể trực tiếp nghe ý kiến từ các cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng và có thể được sử dụng như một giải pháp thay thế khi Hội đồng không đồng ý tổ chức các cuộc họp chính thức. Cần phân biệt rằng các cuộc họp “công thức Arria” là một hình thức không chính thức của cuộc họp Hội đồng Bảo an và thường không có biên bản và không có văn bản kết luận. Điều này có nghĩa là các cuộc họp "công thức Arria" ít hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy sự phát triển của các quy tắc quốc tế trong không gian mạng.
Đây không phải là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an thảo luận về chủ đề không gian mạng theo cách này. Bỉ, Anh, Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã đề xuất tổ chức cuộc họp "công thức Arria" vào năm 2020, 2021 và 2022 để thảo luận các vấn đề liên quan. Điều này phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của Hội đồng Bảo an đối với các vấn đề không gian mạng.
Không phải tất cả các quốc gia đều đồng thuận khi thấy Hội đồng Bảo an tích cực về các vấn đề không gian mạng. Tại cuộc họp này, nhìn chung hầu hết các nước đều ủng hộ việc tham gia của Hội đồng Bảo an, nhưng các nước như Brazil lại bày tỏ quan ngại. Brazil cho rằng, sự tham gia quá mức của Hội đồng Bảo an có thể xung đột với các diễn đàn hiện có như Nhóm công tác mở của LHQ (OEWG), điều này sẽ chuyển hướng các nguồn lực hạn chế của LHQ và khiến các quốc gia khó đạt được sự đồng thuận hơn.
Brazil gợi ý rằng Đại hội đồng LHQ là diễn đàn phù hợp hơn khi xem xét sự đa dạng của chủ thể tham gia cũng như lợi ích các bên trong các vấn đề mạng. Ngược lại, Hàn Quốc cho rằng sự tham gia tích cực của Hội đồng Bảo an sẽ không trùng lặp hoặc mâu thuẫn với công việc của các diễn đàn khác, mà thay vào đó sẽ tăng cường công việc của Đại hội đồng LHQ.
Xung đột quan điểm giữa các bên
Trong cuộc họp "công thức Arria" lần này, các quốc gia đều nhận thấy rằng, luật pháp quốc tế thích hợp cho việc áp dụng đối với các hành vi sử dụng CNTT&TT. Tuy nhiên, lập trường cụ thể của các quốc gia có sự khác nhau.
Các nước phương Tây không ủng hộ việc xây dựng các quy tắc mới của luật pháp quốc tế trong không gian mạng. Úc và Nhật Bản phản đối việc thiết lập các quy tắc mới và cho rằng trọng tâm ở giai đoạn này là thảo luận thêm về cách áp dụng luật pháp quốc tế đối với không gian mạng. Trong số các quy tắc hiện có, các nước phương Tây đặc biệt chú trọng thúc đẩy việc áp dụng các quy tắc về hành vi của nhà nước có trách nhiệm trong không gian mạng. Đan Mạch và các quốc gia Bắc Âu cho rằng các cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng quan trọng của các quốc gia khác vi phạm luật pháp quốc tế và các chuẩn mực về hành vi của nhà nước có trách nhiệm, đồng thời nhấn mạnh rằng hành vi đó là "không thể chấp nhận được".
Trong các đệ trình tương tự, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Úc đều đề cập đến nghĩa vụ của nhà nước trong việc ngăn chặn các hoạt động mạng độc hại trong phạm vi biên giới của mình. Điều này phù hợp với nội dung của các chuẩn mực về hành vi có trách nhiệm của nhà nước trong không gian mạng. Về các cơ chế hợp tác liên quan, các nước phương Tây ủng hộ "Chương trình hành động thúc đẩy hành vi của nhà nước có trách nhiệm trong không gian mạng" do Pháp và Ai Cập đề xướng. Latvia tuyên bố họ hy vọng rằng "Chương trình hành động" sẽ trở thành cơ chế thường trực đầu tiên của LHQ nhằm thúc đẩy an ninh mạng một cách toàn diện và minh bạch.
Ngược lại, một số quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc và Nga, nhận thấy sự cần thiết của các quy tắc mới. Trung Quốc nhấn mạnh rằng “tất cả các bên nên tham gia rộng rãi vào việc xây dựng các quy tắc mới, đặc biệt là để bảo vệ quyền lợi của quốc gia đang phát triển”. Trong số các quy tắc hiện có của luật pháp quốc tế, Trung Quốc chú trọng đến việc tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc khác của luật pháp quốc tế; nhấn mạnh rằng để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, điều quan trọng là phải ngăn chặn "chiến trường hóa" không gian mạng; các quốc gia nên tuân thủ “các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, duy trì bản chất hòa bình của không gian mạng”.
Nga chỉ ra rằng việc áp dụng các quy tắc hiện có đối với không gian mạng chỉ phản ánh quyền lợi của các cường quốc và tiếp tục cấy ghép sự bất công của không gian thực vào không gian mạng, do đó kêu gọi thông qua một công ước mới mang tính phổ quát và ràng buộc về mặt pháp lý (hàm ý Internet hiện nay được phát triển dựa trên các quy tắc, quyền lợi cốt lõi của phương Tây).
Nga đã trích dẫn cụ thể tài liệu mà nước này đồng đệ trình lên LHQ về phiên bản cập nhật của Hiệp ước An ninh Thông tin Quốc tế. Về các cơ chế hợp tác liên quan, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập tập trung vào việc tăng cường hợp tác trong việc truy tìm nguồn gốc của các cuộc tấn công mạng, để xác định rõ hơn trách nhiệm của nhà nước trước các cuộc tấn công mạng.
Trong khi hai phe lớn là phương Tây và Trung Quốc, Nga bày tỏ mối quan tâm của riêng họ, thì lập trường của các nước khác có những mối quan tâm khác nhau trong tuyên bố của mình. Mặc dù Qatar và Pakistan đề cập đến việc xây dựng các quy tắc mới trong không gian mạng, nhưng nhấn mạnh rằng các quy tắc mới phải có tính ràng buộc về mặt pháp lý và quan tâm đến hậu quả của việc vi phạm các quy tắc. Đối với các nước đang phát triển có khả năng không gian mạng tương đối yếu, các quy tắc quốc tế ràng buộc là một sự đảm bảo đáng tin cậy hơn.
Mozambique không đề xuất quy tắc mới, nhưng lưu ý: "Khái niệm về chủ quyền không gian mạng cần phải được suy nghĩ lại, chúng ta không thể sao chép sự bất đối xứng về năng lực của thế giới thực vào không gian mạng" (quan điểm này tương tự như của Nga). Ngoài ra, Albania, Latvia, Brazil và Pakistan cũng nhân cơ hội này kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao năng lực mạng.
Cuộc họp “công thức Arria” của Hội đồng Bảo an lần này phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề về luật pháp quốc tế trong không gian mạng. Tuy nhiên, từ phát biểu của các bên cũng một lần nữa phản ánh xu hướng “phe cánh” trong lĩnh vực luật pháp quốc tế trên không gian mạng.
Lấy các tiêu chuẩn nhà nước có trách nhiệm trong không gian mạng được đề cập nhiều lần trong cuộc họp làm ví dụ, các quy định về việc bảo vệ chuỗi cung ứng, không xâm hại cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia khác, bảo vệ quyền con người trong sử dụng CNTT-TT… phản ánh chủ trương của phương Tây đã tuyên bố từ lâu; trong khi các vấn đề mới như giám sát mạng, khủng bố mạng, … mà Trung Quốc, Nga và một số nước khác quan tâm không được phản ánh trong các quy tắc.
Ngoài ra, quy tắc này thuộc về luật mềm quốc tế, có nghĩa là việc thực hiện quy tắc chủ yếu phụ thuộc vào hành động tự nguyện của nhà nước và không có quyền thực thi .