Bắc Kạn phát triển mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn

Thứ ba, 12/12/2023 07:51 GMT+7

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng là một trong 04 đột phá chiến lược mà tỉnh Bắc Kạn đề ra trong Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó hạ tầng giao thông vận tải được xác định là lĩnh vực cần tập trung đầu tư.

Mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chủ yếu là giao thông đường bộ với 05 tuyến đường quốc lộ (QL.3, QL.3B, QL.3C, QL.279 và QL.3 mới), 14 tuyến đường tỉnh và 49 tuyến đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng, đường đô thị, tạo thành mạng lưới giao thông đường bộ liên hoàn kết nối trung tâm tỉnh Bắc Kạn đến các tỉnh lân cận, đến các huyện, xã... theo các trục dọc, trục ngang, đường xương cá. Hệ thống giao thông kết nối đối ngoại hiện nay hoàn toàn bằng đường bộ trên 05 tuyến đường quốc lộ và 02 tuyến đường tỉnh đối ngoại.

Tuyến đường từ trung tâm xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn đến xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) vừa được đầu tư xây dựng là tuyến giao thông đối ngoại.

Tuyến đường từ trung tâm xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn đến
xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng)
vừa được đầu tư xây dựng là tuyến giao thông đối ngoại.

Theo Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn, so với cả nước và các tỉnh lân cận, mật độ mạng lưới đường chính của tỉnh khá cao nhưng chất lượng mạng lưới đường không cao. Trong đó, mật độ đường quốc lộ so với diện tích tự nhiên đạt 9,45km/100km2 cao hơn trung bình cả nước (7,34km/km2), mật độ quốc lộ so với dân số đạt 1,45km/1.000 dân cao hơn rất nhiều so với mật độ chung cả nước (0,25km/1.000 dân).

Hệ thống đường quốc lộ, đường tỉnh đã hình thành các trục dọc, trục ngang, kết nối tỉnh Bắc Kạn với khu vực các tỉnh trong vùng. Các trục ngang quan trọng gồm tuyến QL.279, QL.3 là 02 tuyến huyết mạch và là trục phát triển giao thông chính của tỉnh Bắc Kạn kết nối đi khu vực các tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang... Ngoài ra, còn có tuyến đường tỉnh quan trọng như tuyến đường tỉnh 252 (Đức Vân – Quang Trọng) kết nối từ huyện Ngân Sơn đi huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng là những tuyến đường trục ngang quan trọng thúc đẩy phát triển liên kết vùng và đẩy mạnh kinh tế - xã hội theo các trục ngang trên địa bàn tỉnh.

Tuyến đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới sẽ được nghiên cứu nâng cấp thành đường cao tốc trong giai đoạn từ nay đến năm 2030

Tuyến đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới sẽ được nghiên cứu nâng cấp
thành đường cao tốc trong giai đoạn từ nay đến năm 2030

Các trục dọc quan trọng của tỉnh gồm QL.3, QL.3 mới, QL3.C kết nối các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên và kết nối đi Thủ đô Hà Nội,... Ngoài ra, còn có tuyến đường tỉnh quan trọng như đường tỉnh 253 (Hà Hiệu – Cao Bằng) kết nối huyện Ba Bể đi huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đây là những tuyến đường đối ngoại quan trọng của tỉnh kết nối tỉnh Bắc Kạn với các trọng điểm kinh tế trong khu vực như Hà Nội, Thái Nguyên tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy, hệ thống giao thông đối ngoại của tỉnh Bắc Kạn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của tỉnh, thiếu các trục đường chính kết nối về cả quy mô lẫn chất lượng phục vụ cho liên kết đối ngoại.

Các tuyến đường trục ngang, trục dọc khả năng kết nối chưa cao do quy mô cấp đường còn thấp, vận tốc nhỏ, chất lượng mặt đường không cao và các tuyến đường còn mang tính độc đạo, thiếu an toàn giao thông, giảm khả năng kết nối giao thông vận tải của tỉnh, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư.

Để nền kinh tế của tỉnh phát triển, để các khu du lịch, đô thị, khu cụm công nghiệp hình thành và đạt tỷ lệ lấp đầy cao thì trước hết hạ tầng giao thông phải thuận lợi, đồng bộ, có tính liên kết cao và đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận tải của tỉnh. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bắc Kạn sẽ hoàn thành xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn đạt quy mô 04 làn xe; đầu tư xây dựng tuyến đường tốc độ cao Bắc Kạn – Cao Bằng. Đến năm 2030, hoàn thiện xây dựng tuyến cao tốc đoạn từ thành phố Bắc Kạn đến thành phố Cao Bằng quy mô 04 làn xe theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Hoàn thiện tuyến đường trục Đông Tây, nghiên cứu chuyển thành tuyến đường cao tốc kết nối cao tốc CT14 (Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang) với cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh quy mô 04 làn xe.

Hoàn thành nâng cấp các tuyến đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp III – IV.MN. Đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh cơ bản đạt quy mô cấp IV – V miền núi. Nâng cấp, mở rộng, bê tông hoặc nhựa hóa 100% hệ thống các tuyến đường đường xã, đường liên thôn xóm. Đảm bảo cho các phương tiện có thể đi lại được trong 04 mùa.

Quy hoạch một số tuyến đường mới như: Tuyến đường Bắc Kạn - Cao Bằng với quy mô tối thiểu cấp III, 02 làn xe, hướng tuyến bám theo hướng tuyến đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng; tuyến đường trục Đông Tây kết nối Tuyên Quang – Bắc Kạn – Lạng Sơn.

Mở mới một số tuyến đường như: Vành đai phía Đông, thành phố Bắc Kạn; TP. Bắc Kạn - hồ Ba Bể; Thanh Vận - Cao Kỳ; Cao Kỳ - Yên Cư; tuyến kết nối ĐT.258B tại xã Công Bằng, huyện Pác Nặm sang xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng; tuyến Khang Ninh - Cao Thượng - Cổ Linh…

Nguồn vốn thực hiện chủ yếu là ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, hợp tác Nhà nước và tư nhân PPP, BOT… Tỉnh sẽ nghiên cứu phương án đối với giao thông đô thị cần có chính sách và giải pháp tạo vốn thích hợp như đổi đất để lấy cơ sở hạ tầng giao thông và khai thác quỹ đất ven, dọc theo các trục đường để tạo vốn xây dựng đường giao thông.

Hệ thống giao thông vận tải là một trong những trụ cột quan trọng trong sự phát triển của mỗi địa phương. Quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn xây dựng theo hướng luôn đặt trong bối cảnh phát triển vùng, quốc gia, hướng tới việc “mở đường” cho liên kết phát triển vùng, tạo điều kiện để tỉnh Bắc Kạn chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới./.

Nguồn: Báo Bắc Kạn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)