Hà Nam: Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp cuối năm

Thứ hai, 08/01/2024 15:31 GMT+7

Theo báo cáo từ Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, năm 2023 tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh tuy có giảm ở 1 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 10 người chết) nhưng số vụ, số người bị thương vẫn tăng (tăng 5 vụ và 22 người bị thương).

Số liệu dẫn chứng cho thấy tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả từ các cấp, ngành, địa phương, sự đồng tình ủng hộ và ý thức tự giác chấp hành từ phía người tham gia giao thông.

Tai nạn giao thông giảm chưa bền vững

Theo thông tin từ Ban ATGT tỉnh, năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 282 vụ tai nạn, va chạm giao thông, làm 138 người chết, 222 người bị thương (tăng 5 vụ, giảm 10 người chết, tăng 22 người bị thương so với năm 2022). Cụ thể, đường bộ xảy ra 279 vụ, làm 136 người chết, 221 người bị thương (tăng 9 vụ, giảm 7 người chết, tăng 22 người bị thương); đường sắt xảy ra 3 vụ, làm 2 người chết, 1 người bị thương (giảm 4 vụ, giảm 3 người chết, bằng số người bị thương so với cùng kỳ).

Thống kê tình hình TNGT theo đơn vị hành chính cấp huyện có 2 đơn vị tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ thành phố Phủ Lý xảy ra 54 vụ, làm chết 21 người, 55 người bị thương (tăng 8 vụ, tăng 2 người chết, tăng 15 người bị thương); thị xã Duy Tiên xảy ra 26 vụ, làm chết 17 người, bị thương 20 người (tăng 6 vụ, tăng 4 người chết, tăng 1 người bị thương). Các tuyến đường thường xuyên xảy ra TNGT chủ yếu là quốc lộ 1A, 21, 21B, 38, 38B, tuyến đường bộ nối 2 cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội – Hải Phòng. Đặc biệt, năm 2023, tình hình TNGT tại các tuyến đường tỉnh lộ, nội thị có chiều hướng tăng cao, với 115 vụ, làm chết 57 người, 96 người bị thương (tăng 38 vụ, tăng 18 người chết, tăng 44 người bị thương).

Qua phân tích, đánh giá từ ngành chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới gia tăng TNGT trên địa bàn, như: Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe, chủ doanh nghiệp còn hạn chế; tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, đi sai phần đường, làn đường, vi phạm nồng độ cồn, chất ma tuý… còn diễn ra. Sự phối hợp giữa lực lượng chức năng với chính quyền cơ sở trong ngăn chặn hành vi vi phạm còn hạn chế, dẫn tới tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, họp chợ thường xuyên xảy ra; nhiều phương tiện xe ô tô, công nông, xe 3, 4 bánh tự chế, hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn vẫn lưu hành trên đường. Tại một số tuyến giao thông trọng điểm vẫn tồn tại một số bất cập về tổ chức giao thông, nhiều “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trên các tuyến đường bộ chưa được xử lý kịp thời; sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT giữa cơ quan, lực lượng chức năng có thời điểm chưa đồng bộ, chặt chẽ.

Trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, năm 2023 lực lượng chức năng đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ quy tắc an toàn mỗi khi tham gia giao thông. Cùng với đó, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường tuần tra kiểm soát (TTKS) trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, tập trung xử lý nghiêm, quyết liệt hành vi vi phạm quy tắc giao thông, vi phạm về hoạt động vận tải đường bộ; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với hành vi gây rối trật tự công cộng. Kết quả, năm 2023, thông qua TTKS và mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm về trật tự ATGT, lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 18.033 trường hợp vi phạm, phạt tiền 51,45 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) 2.281 trường hợp, tạm giữ 5.818 phương tiện. Riêng chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử lý 3.660 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 19,057 tỷ đồng, tạm giữ 3.658 phương tiện, tước GPLX 2.014 trường hợp.

Lực lượng CSGT Công an thành phố Phủ Lý điều tiết giao thông

góp phần bảo đảm TTATGT

Tăng cường các giải pháp nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT

Đồng chí Nguyễn Quang Tuyển, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Thời điểm cuối năm âm lịch, tình hình trật tự ATGT sẽ diễn biến khó lường, TNGT có nguy cơ tăng cao. Đây là dịp cao điểm vận chuyển hàng hóa nên các vi phạm về chở hàng quá tải trọng, chạy quá tốc độ xảy ra phổ biến. Đây cũng là thời điểm mọi người tất bật hoàn thành công việc của một năm nên thường vội vàng, gấp gáp trong lưu thông, đi lại. Cuối năm cũng là lúc diễn ra nhiều cuộc gặp mặt, giao lưu, đám tiệc nên số người sử dụng rượu, bia tăng cao so với những tháng khác trong năm. Bên cạnh đó, người xa quê cũng muốn tranh thủ về thăm nhà, nhất là trong những ngày lễ, Tết... Những yếu tố đó làm mật độ, lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông tăng cao dẫn đến hệ quả tất yếu là tình hình giao thông trở nên phức tạp.

Để kiềm chế, kéo giảm TNGT dịp cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội đầu xuân 2024, Ban ATGT tỉnh đã triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 23 (ngày 25/5/2023) của Ban Bí thư, Nghị quyết 48 (ngày 5/4/2022) của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025; Chỉ thị 02 (ngày 5/1/2023) của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT nhằm hạn chế, giảm TNGT trên địa bàn tỉnh; Công văn 2432 (ngày 13/12/2023) của UBND tỉnh về bảo đảm TTATGT dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024. Huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. 

Công an tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo lực lượng CSGT duy trì thường xuyên việc tuần tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề, nhất là chuyên đề kiểm soát ma túy, nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và chuyên đề về kiểm soát trọng tải xe; tập trung lực lượng, phương tiện tăng cường TTKS, phát hiện, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm, nhất là những lỗi vi phạm là nguyên nhân chính gây ra TNGT (đi sai phần đường, làn đường, chuyển hướng không nhường đường, tránh vượt sai quy định, vượt đèn đỏ, xe chở khách chạy phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách); tập trung TTKS vào giờ cao điểm, tuyến, địa bàn phức tạp về trật tự ATGT. Chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSGT nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ theo đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tuyệt đối không chấp nhận sự can thiệp của các cá nhân, đơn vị vào quá trình xử lý vi phạm về trật tự ATGT.

Chủ động các giải pháp xử lý kịp thời những sự cố tai nạn trên tuyến giao thông trọng điểm, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài; tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch phối hợp giữa lực lượng CSGT với lực lượng cảnh sát khác và công an xã, phường, thị trấn, kết hợp giữa xử lý vi phạm về trật tự ATGT và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên tuyến giao thông. Phát huy hiệu quả việc xử lý vi phạm về trật tự ATGT qua hệ thống camera quan sát. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp, tập trung vào một số nội dung phòng ngừa, không để xảy ra TNGT.

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo nâng cao chất lượng quản lý, đầu tư xây dựng, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường kiểm tra, điều chỉnh bổ sung hệ thống biển báo giao thông phù hợp với quy chuẩn quốc gia; rà soát, khắc phục kịp thời những bất cập trong tổ chức giao thông, những “điểm đen”, vị trí mất ATGT trên toàn tuyến đường bộ, đường bộ giao cắt với đường sắt. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, đăng kiểm phương tiện giao thông. Tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe vi phạm quy định của pháp luật về trật tự ATGT.

Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về trật tự ATGT. Với các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành quy định về TTATGT đến đoàn viên, hội viên. Các huyện, thị xã, thành phố tăng cường đôn đốc, kiểm tra công tác bảo đảm trật tự ATGT tại địa phương và các tuyến đường có “điểm đen” về TNGT; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, qua đó, góp phần kiềm chế, kéo giảm TNGT trên địa bàn./.

Nguồn: Báo Hà Nam

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)