Phân luồng hàng hải tại vịnh Gành Rái: Bước tiến mới trong quản lý giao thông biển

Thứ hai, 20/05/2024 15:23 GMT+7

Phân luồng hàng hải vịnh Gành Rái sẽ được thí điểm vào cuối năm nay, đây là một bước tiến mới nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và ứng phó kịp thời với tai nạn, sự cố hàng hải.

Tàu container hành hải trên vịnh Gành Rái.

Bảo đảm an toàn cho tàu thuyền

Hệ thống phân luồng hàng hải tại vịnh Gành Rái là dự án đầu tiên thuộc loại này ở Việt Nam. Theo kế hoạch, việc thí điểm phân luồng sẽ được bắt đầu vào cuối năm 2024. Quy chế mới này được thiết lập nhằm kiểm soát nguy cơ đâm va, đảm bảo an toàn hàng hải. Cùng đó, việc giám sát, điều phối tàu thuyền hành trình trên các làn giao thông được thiết lập phù hợp để giảm tần suất tàu hành trình đổi hướng tại vịnh Gành Rái.

Theo dự thảo, tàu thuyền hành trình trên hệ thống phân luồng phải tuân thủ nội quy cảng biển Vũng Tàu; pháp luật của Việt Nam và quy tắc quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhằm phòng ngừa rủi ro tai nạn.

“Việc phân luồng sẽ kiểm soát nguy cơ đâm va, nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển, bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và ứng phó kịp thời với tai nạn, sự cố hàng hải”, ông Lê Văn Thức, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết.

Nghiêm cấm các hoạt động gây nguy hiểm

Khi hành trình trên hệ thống phân luồng hoặc trước khi điều động tàu chạy cắt ngang qua hệ thống phân luồng, thuyền trưởng có trách nhiệm bố trí người trực cảnh giới tại vị trí phù hợp.

Với các tàu được trang bị thiết bị Radar/thiết bị AIS, phải đảm bảo thiết bị được sử dụng hiệu quả, ở chế độ phù hợp. Trường hợp tàu được trang bị 2 máy VHF, duy trì 1 máy trực canh trên kênh 16 VHF, 1 máy thường trực trên kênh làm việc của Trung tâm VTS Vũng Tàu hoặc kênh chỉ định khác theo hướng dẫn của điều hành viên Trung tâm.

Một trong những quy tắc được quy định là tàu thuyền vượt trên hệ thống phân luồng phải thông báo ý định của mình cho tàu thuyền bị vượt biết. Các tàu chỉ được phép thực hiện khi được sự đồng ý của thuyền trưởng tàu bị vượt và điều hành viên Trung tâm VTS Vũng Tàu. Tàu thuyền hành trình trong hệ thống phân luồng hàng hải phải hành trình trong làn phù hợp và cũng phải theo chỉ dẫn của Trung tâm.

Nếu bắt buộc phải chạy cắt ngang qua hệ thống phân luồng, tàu thuyền phải cắt luồng tại khu vực được phép theo quy định và việc chạy cắt luồng không được gây cản trở đến hành trình an toàn của tàu thuyền trên luồng.

Trừ tàu cá, tàu đưa đón hoa tiêu và tàu công vụ, tàu thuyền khác có ý định chạy cắt ngang qua hệ thống phân luồng phải thông báo cho Trung tâm VTS Vũng Tàu biết về ý định điều động của mình và thực hiện sau khi được điều hành viên Trung tâm chấp thuận.

Đối với các tàu cá, trong mọi trường hợp, nghiêm cấm thả neo hoặc thực hiện các hoạt động khai thác thủy hải sản trong hệ thống phân luồng. Tàu cá sử dụng khu vực giao thông ven bờ để hành trình nếu tàu có thể đi qua lại an toàn trong vùng nước ven bờ đó.

Trường hợp tàu thuyền gặp sự cố hoặc bị hư hỏng, có thể làm ảnh hưởng đến khả năng điều động tàu, phải thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp trước khi điều động tàu vào hành trình trên hệ thống phân luồng.

Trường hợp tàu gặp tai nạn, sự cố hàng hải trong làn giao thông, nếu điều kiện thực tế cho phép, thuyền trưởng cần đưa tàu rời hệ thống phân luồng đến neo đậu an toàn tại vị trí được cảng vụ chỉ định càng sớm càng tốt. Ngoài ra, tuân thủ hướng dẫn về tuyến nước sâu hay làn giao thông bố trí cho tàu hành trình trên hệ thống phân luồng.

Nâng cao trách nhiệm thuyền trường, hoa tiêu

Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của thuyền trưởng, trong đó, thuyền trưởng cần thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin theo quy định và tuân thủ các chỉ dẫn, khuyến cáo an toàn của Trung tâm VTS Vũng Tàu, nếu không có ý kiến trái ngược nhau về an toàn.

Chấp hành nghiêm quy tắc quốc tế phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển và kịp thời phối hợp ứng phó với tai nạn, sự cố (nếu có) xảy ra tại vịnh Gành Rái, cũng như báo cáo đầy đủ, kịp thời sự cố, tai nạn hàng hải xảy ra với tàu mình hoặc sự cố, tai nạn hàng hải phát hiện được trong quá trình điều động tàu (nếu có).

Các hoa tiêu dẫn tàu ngoài thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định, còn cần thay mặt thuyền trưởng thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin nếu thông tin đã được kiểm tra, xác định trung thực, chính xác và được thuyền trưởng ủy quyền.

Hoa tiêu cũng cần báo cáo kịp thời sự cố, tai nạn hàng hải xảy ra với tàu mình đang dẫn hoặc phát hiện trong quá trình dẫn tàu./.

Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)