Hà Giang: Kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh vận tải

Thứ tư, 28/08/2024 09:03 GMT+7

Hoạt động kinh doanh vận tải có vai trò rất quan trọng, nhưng thực tế còn bộc lộ nhiều phức tạp, tiềm ẩn rủi ro mất an toàn giao thông, đặt ra yêu cầu cần tăng cường quản lý để phục vụ tốt hơn đời sống và phát triển KT – XH.

Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 56 đơn vị kinh doanh vận tải được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và 5 bến xe ô tô khách được đưa vào khai thác. Trong đó, các đơn vị kinh doanh vận tải gồm: Vận tải khách theo tuyến cố định, xe taxi và xe vận tải hàng hóa. Bên cạnh các đơn vị hoạt động đúng quy định, vẫn còn tình trạng vi phạm về quản lý, sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chưa chấp hành truyền dữ liệu thông qua thiết bị giám sát hành trình; tự ý thay đổi kích thước thành, thùng xe, tình trạng “xe dù, bến cóc” còn diễn ra… Nhằm tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải, đảm bảo an toàn, quyền lợi cho người dân, Sở Giao thông vận tải triển khai nhiều giải pháp quản lý. Tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh và xử lý đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô. Yêu cầu các đơn vị liên quan nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hoá; chấp hành nghiêm các quy định, điều kiện kinh doanh vận tải. Tăng cường theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông, các bến xe khách xây dựng kế hoạch, biểu đồ xe chạy phù hợp.

Từ tháng 6/2024, nhiều quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách theo Thông tư số 18 của Bộ Giao thông vận tải chính thức được áp dụng. Những thay đổi nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong kinh doanh vận tải, đảm bảo minh bạch và an toàn đối với hành khách. Cùng với triển khai các quy định mới, Thanh tra Sở Giao thông vận tải còn phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật; vận động các đơn vị tích cực thực hiện chủ đề năm an toàn giao thông 2024 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhất là công tác quản lý, sử dụng lái xe.

Lực lượng Cảnh sát giao thông
kiểm tra phương tiện vận tải hàng hóa trên tuyến Quốc lộ 4C

Thượng tá Hoàng Anh Đức, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Với phương châm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động can thiệp”, đơn vị huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung phát hiện và xử lý các vi phạm về quy tắc giao thông và điều kiện của người điều khiển phương tiện và phương tiện; quy định nồng độ cồn, ma túy; xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, quá khổ, quá tải.

Bên cạnh đó, xử lý xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sai quy định, dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định, chở quá số người quy định, nhất là tại các tuyến đường, khu vực trọng điểm. Trong 6 tháng đầu năm, toàn lực lượng phát hiện, xử lý 21.108 trường hợp vi phạm an toàn giao thông; trong đó, xử lý 289 xe chở quá tải trọng, 23 trường hợp tự ý thay đổi kết cấu, kích thước xe, 20 trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển người, hành khách, 8 trường hợp vi phạm quy định xếp dỡ hàng hóa trên phương tiện...

Tiếp tục đảm bảo trật tự trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, tạo môi trường phát triển, cạnh tranh lành mạnh; các ngành, lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng công nghệ, theo dõi, giám sát các phương tiện xe ô tô chở khách thông qua thiết bị giám sát hành trình; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Nguồn: Báo Hà Giang

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)