Thái Bình: Ngành Giao thông vận tải nâng cao hiệu quả quản lý kết cấu hạ tầng giao thông

Thứ tư, 04/09/2024 13:47 GMT+7

Thời gian qua, ngành Giao thông vận tải chủ động tham mưu cho tỉnh thực hiện nhiều giải pháp phát triển, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình,
đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài.

Với mục tiêu bảo đảm các phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt, kéo dài tuổi thọ công trình, tiết kiệm chi phí, trong chỉ đạo công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã chú trọng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, bảo trì, phát hiện kịp thời hư hỏng để sửa chữa, khắc phục từ sớm. Trong lĩnh vực đường bộ, Sở đã thực hiện cấp phép thi công trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ theo phân cấp bảo đảm đúng quy định; đề xuất các công trình xử lý, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị phối hợp với phòng kinh tế - hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố Thái Bình cập nhật số liệu đường bộ năm 2024; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý, đề xuất biện pháp xử lý các hạn chế nhằm bảo đảm giao thông; kiểm tra các chủ đầu tư, nhà thầu được Sở GTVT cấp phép thi công; hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến đường theo phân cấp quản lý. 

Trong lĩnh vực đường thủy nội địa, Sở đã bàn giao hồ sơ cho UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các đơn vị chuyên môn cấp huyện về công tác quản lý cấp mới, cấp lại giấy phép hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa theo quy định tại Nghị định số 06/2024/NĐ-CP, ngày 25/1/2024 của Chính phủ. Đôn đốc đơn vị quản lý các bến vượt sông làm tốt công tác bảo đảm an toàn, giao thông thông suốt tại các bến phà do Sở GTVT trực tiếp quản lý. 

Ông Nguyễn Phú Dữu, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông, Sở GTVT cho biết: Từ đầu năm đến nay, Sở đã thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi 10 dự án; thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, điều chỉnh, bổ sung thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở 25 dự án; báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công 9 dự án; thẩm định báo cáo thẩm tra an toàn giao thông 10 dự án; kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác 3 dự án. 

Đối với công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường thủy nội địa, Sở đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu 2 gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông. Các công trình thuộc nguồn vốn mục tiêu quản lý, bảo trì đường bộ và nguồn vốn sự nghiệp duy tu, sửa chữa các tuyến đường địa phương, Sở đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng của 8/10 danh mục công trình và hoàn thiện thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật đối với 2 danh mục công trình còn lại. Thường xuyên đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường theo đúng hợp đồng ký kết. 

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Đối với 8 danh mục công trình theo kế hoạch năm 2024 được Bộ GTVT giao, đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành thi công 6 danh mục; các danh mục còn lại đang triển khai thi công ngoài hiện trường, dự kiến đến hết tháng 11/2024 sẽ hoàn thành. Những tháng cuối năm 2024, Sở GTVT tăng cường việc áp dụng kỹ thuật công nghệ trong quản lý bảo trì đường bộ để chủ động quản lý, sát sao theo dõi công tác bảo trì đường bộ nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Tập trung rà soát, ưu tiên xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, các kiến nghị về bất cập trong công tác tổ chức giao thông của lực lượng công an, cử tri các địa phương góp phần giảm tai nạn giao thông trong quá trình khai thác. Tăng cường công tác quản lý chất lượng bảo trì và ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong hoạt động sửa chữa đường./.

Nguồn: Báo Thái Bình

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)