Long An: Phát huy lợi thế vận tải đường thủy nội địa

Thứ sáu, 27/09/2024 12:16 GMT+7

Long An có vị trí tiếp giáp TP.HCM, cửa ngõ miền Tây Nam Bộ, địa hình chia cắt nhiều bởi hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt. Hệ thống đường thủy nội địa (ĐTNĐ) có nhiều lợi thế phát triển, đóng vai trò quan trọng giảm tải áp lực cho giao thông đường bộ, nhất là vận tải hàng hóa, thúc đẩy KT-XH phát triển bền vững.

Hệ thống đường thủy kết nối vùng

Hệ thống sông, kênh, rạch trải dài hàng ngàn kilômét từ vùng hạ đến vùng Đồng Tháp Mười, kết nối các địa bàn trong và ngoài tỉnh là điều kiện thuận lợi cho vận tải đường thủy phát triển. Với ĐTNĐ ở tỉnh, có các tuyến kênh: Thủ Thừa, Dương Văn Dương, 79, 12, Xáng Lớn, 61, Bo Bo, Nhơn Xuyên, Cái Cỏ,... Các con sông lớn, huyết mạch là Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ, Cần Giuộc, Soài Rạp.

Các phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa qua đường thủy nội địa tỉnh

Theo Trưởng phòng An toàn giao thông Sở Giao thông vận tải (GTVT) Long An - Nguyễn Hoài Phong, căn cứ quy định phân cấp quản lý, Sở được giao quản lý, bảo trì 35 tuyến ĐTNĐ có chiều dài gần 600km với cấp sông, kênh loại 4 và loại 5. Hàng năm, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc ban hành đơn giá đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo dưỡng thường xuyên ĐTNĐ.

Các tuyến do Trung ương quản lý với tổng chiều dài khoảng 620km. Trong đó, những tuyến chính như các sông Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Cần Giuộc, Rạch Lá, Bến Lức - Chợ Đệm Thủ Thừa hay các kênh Tháp Mười số 1, Tháp Mười số 2,...

Thông tin từ Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT), hàng ngày có hàng ngàn phương tiện đường thủy lưu thông qua lại trên địa bàn tỉnh. Các mặt hàng vận chuyển chủ yếu là nông sản, vật liệu xây dựng, phân bón, sắt thép,... Theo thống kê, hiện nay, lưu lượng vận chuyển hàng hóa hàng ngày tại Đại diện Cảng vụ Long An là 25.500 tấn.

Hệ thống sông ngòi, kênh, rạch của tỉnh chằng chịt, với tổng chiều dài hơn 8.900km. Hiện nay, tỉnh có 18 cảng thủy nội địa, trong đó có 10 cảng phục vụ xếp dỡ hàng hóa, 7 cảng thủy nội địa chuyên dùng, 1 cảng thủy nội địa xăng dầu. Tất cả các cảng trên thuộc 2 tuyến trọng điểm và tuyến đường thủy quốc gia là sông Cần Giuộc (1 cảng) và sông Vàm Cỏ Đông (17 cảng).

Trên địa bàn tỉnh có 393 bến thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa (304 bến thủy nội địa thuộc đường thủy quốc gia và 89 bến thủy thuộc đường thủy địa phương). Trong đó, có 207 bến thủy xếp dỡ vật liệu xây dựng, 62 bến thủy xếp dỡ nhiên liệu, 42 bến thủy xếp dỡ lương thực, thực phẩm, 35 bến thủy đóng mới, sửa chữa các phương tiện thủy, 47 bến thủy xếp dỡ phân bón và hàng hóa khác. Bên cạnh đó, tỉnh có 136 bến khách ngang sông hoạt động.

Ngoài ra, ở tuyến hàng hải (sông Soài Rạp) của tỉnh có 2 cảng biển là Cảng Quốc tế Long An và Cảng Dầu khí Quốc tế Pacific Petro do Cảng vụ Hàng hải TP.HCM quản lý 

Tiếp tục khai thác hiệu quả

Ghi nhận tại tuyến kênh Nước Mặn qua huyện Cần Đước, lưu lượng tàu chở hàng, sà lan chở hàng hóa, vật liệu xây dựng từ miền Tây về TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ qua lại liên tục.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - người dân ở xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, cho biết: “Hoạt động vận tải hàng hóa qua kênh Nước Mặn ngày càng sôi động. Qua quan sát, mật độ phương tiện lưu thông ngày càng tăng”.

Cảnh sát giao thông kiểm tra điều kiện hoạt động của phương tiện đường thủy

Trên tuyến ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh cũng có các công trình được đầu tư ngoài phục vụ vận tải có mục đích khác. Âu tàu Rạch Chanh (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) được đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016, có tổng mức đầu tư 650 tỉ đồng, thiết kế hiện đại, các phương tiện thiết kế dưới 1.000 tấn sẽ được lưu thông qua âu. Ngoài ra, âu tàu Rạch Chanh còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xả lũ vào mùa mưa, ngăn mặn trong mùa khô, điều tiết nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười.

Ông Trường Thịnh - chủ tàu gỗ 50 tấn chở lúa, cho biết: “Mỗi tuần, tôi điều khiển từ 2-3 chuyến tàu qua âu Rạch Chanh. Lộ trình đi qua âu tàu Rạch Chanh tạo điều kiện thuận lợi cho GTVT ĐTNĐ, rút ngắn quãng đường 50km (khoảng 6-8 giờ) di chuyển từ TP.HCM đi các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Song song với lợi thế và tiềm năng và phát triển, thời gian qua, vận tải hàng hóa ĐTNĐ ở tỉnh còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Đó là phương tiện thủy tạm dừng và dừng hoạt động nhiều; nguồn nguyên, vật liệu ngày càng khan hiếm để phương tiện thủy vận chuyển. Qua kiểm tra vẫn còn những chủ bến, chủ phương tiện và người lái phương tiện chưa chấp hành tốt quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ và các văn bản pháp luật liên quan. Những năm qua, việc tạm giữ phương tiện vi phạm và hạ tải đối với phương tiện vi phạm chở hàng vượt quá dấu mớn nước an toàn còn gặp khó khăn trong xử lý.

Khu vực âu tàu Rạch Chanh (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An)
cũng là nơi có lưu lượng phương tiện vận tải thủy qua lại khá nhiều

Để khai thác hiệu quả hơn vận tải ĐTNĐ ở tỉnh, những mặt khó khăn trên đã được chỉ ra để giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết. Trong đó, địa phương và Trung ương cần tập trung tiếp tục đầu tư, nạo vét khơi thông các tuyến đường thủy; chú trọng đầu tư phát triển các tuyến đường thủy có tính kết nối vùng, khu vực có các khu công nghiệp, đủ khả năng cho phương tiện thủy có trọng tải lớn lưu thông.

Bên cạnh đó, địa phương và Trung ương cần đầu tư xây dựng các bến chuyên dùng xếp, dỡ hàng hóa tập trung, kết nối thuận lợi với đường bộ. Các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực ĐTNĐ; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường thủy; đẩy mạnh tuyên truyền và kiên trì xây dựng văn hóa giao thông đường thủy./.

Theo Quyết định số 686/QĐ-TTg, ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu về phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Đối với kết cấu hạ tầng giao thông cấp tỉnh về đường thủy là nâng cấp, cải tạo 5 tuyến vận tải là tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Đức Hòa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Mộc Hóa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Đức Hòa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Mộc Hóa; tuyến Phước Đông - Tân Kim và 11 tuyến nhánh. Cảng thủy nội địa, nhóm 1, quy hoạch 18 cảng hàng hóa, có quy mô đáp ứng cho tàu hàng bách hóa, hàng rời có trọng tải 1.000-2.000 tấn. Nhóm 2, quy hoạch 17 cảng chuyên dùng bao gồm cảng xăng dầu, cảng phục vụ hoạt động một số nhà máy, khu công nghiệp. Quy mô xây dựng đáp ứng tàu trọng tải 200- 5.000 tấn. Nhóm 3, quy hoạch 14 cảng bến khách đồng bộ theo các tuyến vận tải khách và phù hợp với quy hoạch đô thị của tỉnh. Ngoài ra, quy hoạch 2 cảng cạn: Cảng cạn Bến Lức thuộc huyện Bến Lức, có diện tích 10-15ha, năng lực thông qua 150.000 Teu/năm; cảng cạn Tân Lập thuộc huyện Thủ Thừa, có diện tích 10-15ha, năng lực thông qua 150.000 Teu/năm.

Theo Báo Long An

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)