Long An: Tập trung phát triển hạ tầng logistics

Thứ năm, 10/10/2024 08:21 GMT+7

Xác định phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Long An đang tập trung phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông - vận tải (GTVT), kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi, kết nối các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, Vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia, đầu mối xuất khẩu nông sản của vùng.

Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc) được định hướng

trở thành trung tâm dịch vụ logistics của tỉnh

Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics

Long An nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh, thành phố miền Tây với TP.HCM, Vùng Đông Nam Bộ. Với vị trí quan trọng, tỉnh Long An có nhiều lợi thế trong phát triển KT-XH, đầu mối giao thương của vùng cũng như kết nối với thị trường quốc tế qua hệ thống cửa khẩu của tỉnh.

Từ tiềm năng, lợi thế, trong các nhiệm kỳ gần đây, tỉnh luôn ưu tiên các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông nhằm tạo đột phá trong phát triển KT-XH, thu hút đầu tư.

Theo Giám đốc Sở GTVT Long An - Đặng Hoàng Tuấn, những nhiệm kỳ gần đây, cùng với nguồn lực của Trung ương, tỉnh, ngành GTVT của tỉnh đã và đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai TP.Tân An, Đường tỉnh (ĐT) 830, ĐT830E, đường Vành đai 3 TP.HCM,... từng bước hình thành hệ thống GTVT tương đối đồng bộ, thông suốt, huyết mạch, kết nối liên vùng, liên tỉnh mang tính chiến lược. Đặc biệt, ĐT830 hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần kết nối 4 huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh gồm Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc đến Cảng Quốc tế Long An.

Thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đề xuất Bộ GTVT cho chủ trương hình thành các nút giao đấu nối hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cấp quốc gia với hệ thống kết cấu hạ tầng cấp tỉnh nhằm tăng cường tính kết nối giao thông liên vùng, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Đồng thời, Sở đang tập trung xây dựng lộ trình cải tạo, nâng cấp 53 tuyến ĐT hiện hữu và xây mới 29 tuyến ĐT. Trong đó, ưu tiên nâng cấp, xây dựng các tuyến có tính huyết mạch, liên kết vùng như ĐT827E, trục động lực Đức Hòa, đường song hành Quốc lộ 62, trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, đường Tân Tập - Long Hậu,... nhằm phát triển hạ tầng giao thông phục vụ tốt việc vận chuyển hàng hóa.

 Các đơn vị đang tập trung thi công công trình đường Vành đai 3 TP.HCM

(đoạn qua tỉnh Long An)

“Đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành GTVT Long An đã và đang gấp rút thực hiện hoàn thiện các công trình giao thông trọng điểm, các công trình mang tính đột phá cũng như công tác bảo trì đường bộ, đường thủy. Thời gian tới, diện mạo hạ tầng giao thông của tỉnh có nhiều chuyển biến mới, đồng bộ, hiện đại hơn, góp phần kết nối giữa các khu, cụm công nghiệp đến các cảng trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ các nhà máy đến các cảng, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp” - ông Đặng Hoàng Tuấn cho biết.

Phát triển dịch vụ logistics trở thành ngành kinh tế quan trọng

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có ngành dịch vụ ngang bằng với nhóm các tỉnh phát triển khá của Vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, ưu tiên các hạ tầng có tính lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến hỗ trợ sản xuất, lưu thông.

Đồng thời, phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đưa tỉnh trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi, kết nối các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, Vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia; đầu mối xuất khẩu nông sản của vùng. Trong phát triển dịch vụ logistics, tỉnh xác định tập trung phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng GTVT, hạ tầng kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics, ưu tiên đầu tư hạ tầng logistics tại Cảng Quốc tế Long An.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Trương Văn Liếp, triển khai, thực hiện Quy hoạch tỉnh, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4192/QĐ-UBND, ngày 02/5/2024 về Chương trình hành động thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong chương trình hành động, tỉnh đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai, trong đó ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng.

Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, chủ trương của tỉnh là huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu, lấy “đầu tư công làm vốn mồi, dẫn dắt, kích hoạt đầu tư ngoài xã hội” để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư trong phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể.

Tỉnh ưu tiên các nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông,

hình thành các nút giao đấu nối hệ thống giao thông liên vùng, kết nối

các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với các cảng

Bên cạnh đó, trong định hướng phát triển dịch vụ logistics, tỉnh quy hoạch hệ thống các cảng cạn và trung tâm logistics. Trong đó quy hoạch 2 cảng cạn gồm Cảng cạn Bến Lức có diện tích 10-15ha, năng lực thông qua 150.000 Teu/năm và Cảng cạn Tân Lập, huyện Thủ Thừa có diện tích 10-15ha, năng lực thông qua 150.000 Teu/năm; hình thành 10 trung tâm logistics tại các huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường cũng như nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics tại huyện Đức Hòa để đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa tỉnh và các tỉnh trong Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, tỉnh Long An tiếp tục nâng cấp, cải tạo 5 tuyến vận tải đường thủy gồm tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Đức Hòa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Mộc Hóa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Đức Hòa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Mộc Hóa; tuyến Phước Đông - Tân Kim và 11 tuyến nhánh cũng như quy hoạch xây dựng hệ thống cảng hàng hóa, cảng chuyên dùng và cảng bến khách đồng bộ, hiện đại phục vụ tối đa cho phát triển KT-XH, nhất là dịch vụ logistics.

Với định hướng phát triển và việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hy vọng trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục có những bước phát triển đột phá, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi, kết nối các tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, Vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia, đầu mối xuất khẩu nông sản của vùng./.

Theo Báo Long An

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)