Vận hành thông minh
Hà Nội hiện có hệ thống vận tải hành khách công cộng hiện đại nhất Việt Nam với mạng lưới xe buýt dày đặc với 154 tuyến, cùng đó là 2 tuyến tàu điện đang hoạt động, thu hút hàng trăm nghìn hành khách đi lại mỗi ngày. Xe buýt và tàu điện là hai loại hình vận tải văn minh, hiện đại, nên thời gian qua là phương tiện công cộng đông người dùng bậc nhất Thủ đô.
Mặc dù khái niệm đường sắt đô thị đã không còn mới mẻ đối với người dân Thủ đô, tuy nhiên vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ, phấn khích cho người dân. Hàng ngày, nhiều người tới trải nghiệm dịch vụ tiện ích hiện đại, ngắm nhìn Hà Nội từ trên cao qua mỗi chuyến tàu. Cũng không ít người xác định gắn bó lâu dài với loại hình phương tiện này.
Trung tâm điều hành giao thông công cộng thông minh Hà Nội.
Tại các nhà ga, công tác khai thác được nhân viên vận hành, lái tàu, nhân viên an ninh… thực hiện thuần thục. Từ khâu bán vé, lên xuống tàu… đều được tự động hóa khiến việc sử dụng phương tiện vận tải công cộng chưa bao giờ dễ dàng đến thế.
Chuyến tàu tiếp đến, chuyến tàu đi chỉ cách nhau ít phút được bảng điện tử thông báo chính xác từng giây khiến cho đường sắt đô thị trở thành loại hình di chuyển đúng giờ nhất.
Mới đây, bằng việc áp dụng công nghệ vào vận hành khai thác, tuyến tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội còn có thể nhận diện khuôn mặt người mua vé tháng để tránh tình trạng cho mượn hay mất vé.
Tương tự, xe buýt đang ngày một trở nên tiện lợi hơn đối với người sử dụng khi hàng loạt ứng dụng thông minh ra đời như: busmap hay thẻ vé điện tử, mua vé trực tuyến trên web… Rồi ngày 20/8 vừa qua, hành khách có thể sử dụng vé điện tử mà không cần kết nối internet trên toàn hệ thống tuyến.
Những ứng dụng này giúp hành khách tìm lộ trình di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng trong TP. Tính năng kết hợp xe buýt và xe công nghệ gợi ý hành khách lộ trình di chuyển, kèm theo gợi ý về chi phí cho chuyến đi; đồng thời, cung cấp cho hành khách các chỉ dẫn cụ thể về cách thức di chuyển từ điểm xuất phát đến điểm đến, giúp hành khách biết chính xác vị trí của mình.
Ngoài ra, các ứng dụng sử dụng cho xe buýt ở Thủ đô còn có một số tính năng tra cứu tuyến xe; theo dõi và thông báo xe đến điểm dừng; thông tin thời gian thực xe đến điểm dừng; tìm xe theo biển số xe; góp ý, phản ánh về chất lượng dịch vụ.
Dần trở thành phương tiện đi lại chính
Chị Hoàng Bảo Linh, nhân viên văn phòng làm việc tại quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Tôi gắn bó với phương tiện công cộng đã 2 năm nay. Hàng ngày, tôi di chuyển bằng tàu điện từ Ga Yên Nghĩa lên tới Ga Hoàng Cầu, rồi tiếp tục di chuyển bằng xe buýt đến công ty.
Hiện nay, qua app, tôi cũng có thể biết được xe buýt đến lúc nào để di chuyển cho hợp lý”. Theo chị Linh, nhờ có app việc tìm kiếm xe buýt để di chuyển cũng như xác định được thời gian xe đến điểm chờ rất thuận lợi. Người đi xe có thể biết được bao giờ xe đến để khỏi phải chờ đợi lâu hay nhỡ việc.
Việc áp dụng các ứng dụng thông minh góp phần gia tăng tiện ích,
giúp hành khách dễ tiếp cận và sử dụng phương tiện công cộng.
Sinh viên Nguyễn Văn Nam, Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Hàng ngày em sử dụng xe buýt để đi lại. Mới đây, việc mua vé xe được thực hiện online qua app, đã tiết kiệm rất nhiều thời gian, chỉ cần một vài thao tác, tem vé xe buýt sẽ được giao đến tận nhà”.
Rõ ràng, việc áp dụng vé ảo cho xe buýt đã đem lại sự thuận tiện cho người sử dụng. Việc hình thành vé xe buýt điện tử không chỉ tiện lợi, nhanh gọn mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế lượng rác thải từ thẻ vé vật lý được phát hành. Không chỉ vậy, sử dụng vé điện tử còn giải quyết được nhiều bất cập, trong đó có tiết giảm kinh phí ngân sách Nhà nước mà vẫn nâng cao được chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân.
Đại diện Sở GTVT TP Hà Nội cho rằng, vận tải hành khách công cộng đang đứng trước những thách thức rất lớn, sản lượng hành khách chưa đạt kỳ vọng. Vì thế, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ chính là yếu tố sống còn để thu hút hành khách.
Việc áp dụng các ứng dụng thông minh góp phần gia tăng tiện ích, giúp hành khách dễ tiếp cận và sử dụng dịch vụ và là một kênh thông tin quan trọng để hành khách phản ánh, đánh giá về chất lượng dịch vụ. Đây cũng là căn cứ để chấm điểm các DN cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng.
Ngành giao thông Thủ đô đang triển khai “Đề án giao thông thông minh”; Busmap Hà Nội; hệ thống thẻ vé điện tử cho xe buýt; triển khai hệ thống phần mềm GPS chính là những bước đi đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số trên tinh thần lấy người dân, hành khách là trung tâm phục vụ, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh” - đại diện Sở GTVT TP Hà Nội thông tin thêm.
Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Nguyễn Mạnh Thắng, TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng.
Mục tiêu của các nghiên cứu là từng bước chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quản lý và đưa giao thông công cộng là phương tiện đi lại chính, thuận tiện cho người dân. Trong tương lai, các phương tiện công cộng nói riêng và giao thông nói chung sẽ áp dụng công nghệ nhiều hơn, tạo nên hệ thống giao thông thông minh, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại hơn./.