Dịch vụ thu phí tự động khi qua cầu Cần Thơ(Thứ năm, 18/11/2010 00:00 GMT+7)
Ngày 14/11, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Công ty quản lý và khai thác cầu Cần Thơ khai trương và đưa vào sử dụng dịch vụ thu phí không dừng liên trạm tại Trạm thu phí cầu Cần Thơ. Với dịch vụ này, người điều khiển phương tiện giao thông không cần sử dụng tiền mặt để trả phí cầu đường mà vẫn lưu thông liên tục qua trạm thu phí chỉ với một thiết bị thu phí tự động (OBU) do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cung cấp
Ngày 14/11, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Công ty quản lý và khai thác cầu Cần Thơ khai trương và đưa vào sử dụng dịch vụ thu phí không dừng liên trạm tại Trạm thu phí cầu Cần Thơ.
Với dịch vụ này, người điều khiển phương tiện giao thông không cần sử dụng tiền mặt để trả phí cầu đường mà vẫn lưu thông liên tục qua trạm thu phí chỉ với một thiết bị thu phí tự động (OBU) do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cung cấp.
Thiết bị thu phí tự động được dán trên kính trước của xe và kết nối với tài khoản thanh toán qua ngân hàng nên cho phép các phương tiện lưu thông liên tục khi qua trạm thu phí.
Tại trạm thu phí cầu Cần Thơ, có hai làn xe dành cho dịch vụ thu phí không dừng. Các phương tiện lưu thông qua trạm thu phí, hệ thống sẽ tự động kiểm tra tính hợp lệ của thiết bị thu phí tự động và trừ tiền trong tài khoản của khách hàng đồng thời thanh chắn tại trạm sẽ tự động mở cho xe qua.
Ông Mai Văn Đức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết Cần Thơ là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện dịch vụ thu phí tự động qua lại cầu Cần Thơ, việc áp dụng thu phí không dừng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người trả phí, giảm ùn tắc giao thông tạo ra sự văn minh và hạn chế phát thải ô nhiễm môi trường.
Ông Đức cũng cho biết, sắp tới Tổng cục Đường bộ sẽ tiếp tục triển khai dịch vụ thu phí không dừng tại các trạm thu phí trên quốc lộ 1A là Ninh An và Lường Mẹt cùng với các trạm thu phí khác trên toàn quốc.
Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 70 trạm thu phí giao thông đường bộ hoạt động chủ yếu theo hình thức thu phí một dừng mã vạch kết hợp với thủ công hoặc triển khai 100% thu phí một dừng mã vạch .
Với các hình thức thu phí trên, tình trạng ùn ứ các phương tiện tại các trạm thu phí thường xuyên diễn ra. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý phải bỏ ra một khoản chi phí đầu tư nhân sự, chí phí quản lý khá lớn cho việc kiểm soát và thu phí các phương tiện lưu thông./.
TTXVN