Điện khí hóa Tuyến đường sắt Hà Nội- Hải Phòng: Mở đầu phát triển sức kéo điện trong tương lai(Thứ năm, 24/07/2008 00:00 GMT+7)
Đây là một trong những nội dung đã được phê duyệt theo Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải Đường sắt đến năm 2020 và cũng là một dự án thí điểm cho việc phát triển sức kéo điện của Đường sắt Việt Nam trong tương lai gần.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng được đưa vào sử dụng năm 1902, đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Sau nhiều năm khai thác không được đầu tư sửa chữa lớn nên cơ sở vật chất và trang thiết bị trên tuyến đã hư hỏng nhiều. An toàn chạy tàu trên tuyến hiện nay không vững chắc vì thực trạng yếu kém của cầu, đường.
Theo kế hoạch kinh doanh của Tổng công ty ĐSVN, hiện tại tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng được xếp thứ tự ưu tiên thứ 3, sau tuyến Thống nhất và tuyến Hà Nội - Lào Cai. Vì vậy kinh phí duy tu sửa chữa thường xuyên cho tuyến đường này có phần khó khăn hơn so với các tuyến khác. Kinh phí đầu tư cho sửa chữa lớn và sửa chữa khẩn cấp đảm bảo an toàn càng khó khăn hơn.
Lãnh đạo Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải cho biết, từ nhiều năm nay, chất lượng cầu đường trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng đã đến mức báo động, thường xuyên uy hiếp trực tiếp đến an toàn chạy tàu. Tình trạng ray P43 dài 12,5 m đã sử dụng nhiều năm bị mòn ngang, mòn đứng cần phải thay thế. Tà vẹt K1 sử dụng chủ yếu trên tuyến bị vỡ nhiều, nền đường bị đóng cốt cứng không đảm bảo độ êm thuận... Đó là chưa nói đến tình trạng đường ngang dân sinh ngổn ngang cắt qua đường sắt. Tình trạng ô tô đổ vào đường sắt xảy ra thường xuyên. Trong bối cảnh ấy, đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu trên tuyến thông qua bình an luôn là nỗi lo thường trực của Ban giám đốc Công ty.
Theo dự báo từ năm 2010 đến 2019, khối lượng vận tải hàng hóa, hành khách trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng sẽ tăng đột biến. Năm 2020 khối lượng vận chuyển hành khách dự báo đạt 2,43 triệu lượt người. Năm 2019 dự kiến tăng lên khoảng 4,1 triệu lượt người, tương đương 423 triệu hành khách/km/năm. Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển trên tuyến ước tính đạt 1,3 triệu tấn vào năm 2010 và tăng lên khoảng 2,8 triệu tấn vào năm 2019, tương đương với 309 triệu tấn/km/năm. Chính vì vậy, ngay từ bây việc đầu tư dự án nâng cấp, điện khí hóa tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng là thực sự cần thiết và phù hợp với quy hoạch phát triển ngành GTVT đã được phê duyệt. Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng được điện khí hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc điện khí hóa các tuyến khác như Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Hạ Long trong giai đoạn từ 2015 đến 2025 cũng như việc chuẩn bị cho toàn tuyến đường sắt Thống nhất trong giai đoạn 2020 - 2040.
Dự án nâng cấp, điện khí hóa tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng sẽ được đầu tư theo 2 giai đoạn. Trong đó quy mô giai đoạn 1 bao gồm: đầu tư tín hiệu tự động trên khu đoạn Hải Phòng - Gia Lâm, thông tin vô tuyến hiện đại cho đoàn tàu, cung cấp đầu máy toa xe (các đoàn tàu thoi khách EMU và các toa xe hàng), nâng cấp Ga Hải Phòng (kết nối với Ga Đình Vũ tại khu kinh tế mới) và Ga Yên Viên là ga hàng hóa chính của miền Bắc, làm đường đôi đoạn Yên Viên - Gia Lâm và đoạn Cao Xá - Tiền Trung, điện khí hóa đoạn Gia Lâm - Lạc Đạo. Quy mô giai đoạn 2 bao gồm: đầu tư làm đường đôi đoạn Lạc Đạo - Cao Xá và Tiền Trung - Hải Phòng, điện khí hóa đoạn Lạc Đạo - Hải Phòng và Gia Lâm - Bắc Yên Viên.
Dự án sẽ được thực hiện với tổng số vốn là 404 triệu USD, trong đó tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 là 227 triệu USD và tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2 là 177 triệu USD. Việc nâng cấp, điện khí hóa tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và xây dựng mới một số khu đoạn, đường nhánh nối với các cảng chính, các khu công nghiệp sẽ góp phần kết nối các cảng và các khu công nghiệp với hệ thống đường sắt hiện tại. Đây còn là dự án thí điểm cho việc phát triển sức kéo điện của Việt Nam trong tương lai.
T.T