Chiến lược phát triển, quản lý GTVT và chương trình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng(Thứ tư, 13/08/2008 00:00 GMT+7)

Quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế và phục vụ đời sống xã hội liên tục phát triển với tốc độ nhanh, trong khi các nguồn năng lượng truyền thống (dầu mỏ, khí đốt, than...) không phải là vô tận, đòi hỏi mỗi quốc gia cần có những hành động cụ thể nhằm bảo tồn, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.


Giao thông vận tải là hoạt động tiêu thụ đáng kể lượng nhiên liệu, do đó việc nghiên cứu và thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả năng lượng có ý nghĩa quan trọng.

Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 206/2004/QĐ - TTg ngày 10/02/2004 đã đề cập tới vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể là: Về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông: "Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý, từng bước đi vào hiện đại, tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn trên phạm vi toàn quốc”. Thực tế chỉ ra rằng, công tác quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông hợp lý sẽ giảm được quãng đường xe chạy, giảm ách tắc giao thông và cũng dẫn đến việc tiết kiệm năng lượng trong giao thông vận tải.

Về vận tải: "Phát triển vận tải theo hướng hiện đại với chi phí hợp lý, an toàn, giảm thiếu tác động môi trường và tiết kiệm năng lượng; ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức; nhanh chóng đổi mới phương tiện vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đồng thời phát triển nhanh hệ thống dịch vụ vận tải đối ngoại, trước hết là vận tải hàng không và hàng hải nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế”.

Về giao thông đô thị:” "Phát triển giao thông vận tải ở các đô thị theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính, đảm bảo hiện đại, an toàn, tiện lợi và bảo vệ môi trường. Đối với các đô thị lớn (trước mắt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) nhanh chóng phát triển phương thức vận tải khối lượng lớn (vận tải bánh sắt); kiểm soát sự gia tăng phương tiện vận tải cá nhân; giải quyết ùn tắc giao thông và àn toàn giao thông đô thị”.

Theo định liệu của các nhà quản lý, nếu tính cho một cung chặng vận chuyển như nhau, một hành khách đi bằng, phương tiện công cộng (xe buýt), với hệ số lợi dụng trọng tải trung bình thì lượng nhiên liệu cần phải chi phí chỉ bằng 1/2 đến 1/3 người đi xe máy và 1/5 đến 1/8 đối với người đi xe ôtô con. Như vậy, việc đẩy mạnh vận tải hành khách công cộng đặc biệt là vận tải khối lượng lớn nhằm kiểm soát sự phát triển phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông để giải quyết vấn đề giao thông đô thị còn có tác dụng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Thực hiện Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo vệ môi trường, ngành Giao thông vận tải đã tăng cường công tác kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại phương tiện cơ giới đường bộ. Việc kiểm tra khí thải tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đã hạn chế được phần lớn phương tiện có độ phát thải cao; điều đó đồng nghĩa với việc chủ phương tiện phải bảo dưỡng, chăm sóc động cơ bảo đảm chất lượng kỹ thuật, duy trì đúng suất tiêu hao nhiên liệu theo quy định của nhà chế tạo. Đặc biệt sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2004/NĐ-CP ngày 13/01/2004 về quy định niên hạn sử dụng đối với ôtô tải và ôtô chở người, hàng loạt các xe ôtô thế hệ cũ, lạc hậu có mức tiêu thụ nhiên liệu cao đã bị loại bỏ và thay thế vào đó là các loại phương tiện vận tải đời mới có suất tiêu hao nhiên liệu thấp.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao tính cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm và tiết kiệm nhiên liệu các doanh nghiệp vận tải đã liên tục đầu tư đổi mới và tổ chức khai thác phương tiện vận tải theo hướng chuyên dụng cao, với cơ cấu hợp lý. Ngành Đường sắt chủ trương đầu tư đổi mới sức kéo của đầu máy và sức chở của toa xe theo hướng hiện đại, giảm chi phí, hạ giá thành. Các đơn vị trong ngành đã và đang xúc tiến định mức vật tư, nhiên liệu trong quá trình tổ chức khai thác vận tải đường sắt. Ngành Hàng hải chủ trương trẻ hóa đội tàu biển với cơ cấu trọng tải hợp lý. Ngành Hàng không chủ trương sử dụng các loại máy bay trọng tải lớn hơn cho các cự ly tầm trung và tầm xa... Thực hiện Quyết định số 79/2006/QĐ - TTg ngày 14/04/2006 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giao thông vận tải ngoài việc phổ biến, tuyên truyền còn khuyến khích các đơn vị trong ngành đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, như việc: ứng dụng Logicstic trong hoạt động vận tải; cabin điện tử trong đào tạo lái xe, nghiên cứu, ứng dụng thiết bị tự động điều chỉnh công suất nhằm tiết kiệm năng lượng trong vận tải đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa; nghiên cứu, ứng dụng nồi hơi tận dụng nhiệt khí xả động cơ Diesel tàu thủy; nghiên cứu đề suất các giải pháp đẩy mạnh vận tải hành khách công cộng tại các thành phố...

Với đặc thù là ngành hoạt động trong môi trường có tính xã hội cao, việc quản lý và sử dụng hiệu quả năng lượng trong giao thông vận tải cũng hết sức đa dạng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Tính hoàn thiện của kết cấu hạ tầng, chất lượng phương tiện, phương pháp tổ chức khai thác vận tải, điều tiết giao thông, điều kiện thời tiết khí hậu và ý thức của người tham gia giao thông... Nhu cầu có một hệ thống giao thông vận tải văn minh, thuận tiện, an toàn với chi phí thấp nhất luôn là mong muốn của các quốc gia và để đạt được điều này không thể không kể đến các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Tuy nhiên, việc sử dụng hiệu quả năng lượng trong giao thông vận tải còn phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế, tập quán, thói quen của người sử dụng phương tiện trong đi lại, phụ thuộc vào ý thức của người tham gia giao thông.

Vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển hệ thống giao thông vận tải hợp lý luôn có sự gắn kết hữu cơ với nhau trong chiến lược phát triển và quản lý giao thông vận tải của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Cần xây dựng thành tiềm thức về tiết kiệm năng lượng của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân trong ngành Giao thông vận tải. Bên cạnh chiến lược phát triển và quản lý giao thông vận tải thì việc hoàn thiện các giải pháp, cơ chế chính sách nhằm nâng cao nhận thức, tạo thói quen tiết kiệm năng lượng trong công tác vận tải, trong giao thông của cộng đồng dân cư có thể coi là mục tiêu chính của chương trình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng./.

TS. Chu Mạnh Hùng, KS. Nguyễn Hữu Tiến - Vụ KHCN - Bộ GTVT