Đèo Cả vươn ra thế giới để làm chủ công nghệ giao thông(Thứ tư, 01/11/2023 10:48 GMT+7)

Tiếp sau những kết nối với các doanh nghiệp tại Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tập đoàn Đèo Cả vừa thiết lập mối hợp tác quan trọng với các doanh nghiệp hàng đầu Đan Mạch, Đức về công nghệ giao thông.


Tập đoàn Đèo Cả và Công ty SOH Wind Engineering ký kết thỏa thuận hợp tác ngày 23/10/2023, tại Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch.

Tập đoàn Đèo Cả và Công ty SOH Wind Engineering ký kết

thỏa thuận hợp tác ngày 23/10/2023, tại Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch.

Trong tuần vừa qua, đoàn công tác của Tập đoàn Đèo Cả bao gồm nhiều lãnh đạo chủ chốt, các chuyên gia công nghệ thuộc Tập đoàn và một số đối tác của mình đã sang làm việc với SOH Wind Engineering (Đan Mạnh) - đơn vị hàng đầu về thí nghiệm hầm gió, Witt & Sohn (Đức)- thương hiệu hàng đầu về hệ thống thiết bị quạt gió cho các dự án giao thông.

“Bắt tay” với những thương hiệu hàng đầu

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đặt vấn đề trong các cuộc làm việc nội bộ hay chia sẻ tại các diễn đàn trong nước: “Từ trước tới nay, các thí nghiệm hầm gió phục vụ các công trình trong nước, tại sao chúng ta luôn phải ra nước ngoài để thực hiện?”. Trăn trở của người đứng đầu Tập đoàn đã đặt ra cho đội ngũ lãnh đạo Đèo Cả phải giải “bài toán” làm sao để làm chủ công nghệ, chủ động các hoạt động thử nghiệm, kiểm tra, kiểm định khí động học công trình trong nước thay vì phụ thuộc vào nước ngoài.

Định hướng của Đèo Cả trong tương lai gần sẽ tham gia thực hiện các công trình cầu dây văng, cầu dây võng lớn, là lý do khởi nguồn cho chuyến công tác lần này, gặp gỡ SOH Wind Engineering tại Đan Mạch để ký kết hợp tác, bàn việc thực hiện phòng thí nghiệm hầm gió đầu tiên tại Việt Nam.

Nếu ai người quan tâm lĩnh vực kỹ thuật gió công trình, ắt hẳn sẽ biết đến SOH Wind Engineering. Một “tên tuổi” hàng đầu thế giới, chuyên thử nghiệm, phân tích tác động gió, ảnh hưởng của khí động học đến các công trình tòa nhà cao tầng, cầu dây văng nhịp lớn, máy đo gió, cột tuabin gió và nhiều công trình kết cấu phức tạp khác.

Doanh nghiệp này đã có trên 25 năm kinh nghiệm trong hoạt động thử nghiệm tác động của gió lên các cầu dây văng nhịp lớn tại nhiều nước trên thế giới. Điển hình là cầu Queensferry (Scotland), cầu Sotra (Thụy Điển), cầu Cadiz (Tây Ban Nha), Cầu Gordie Howe (Mỹ, Canada)... Tại Việt Nam, SOH Wind Engineering cũng để lại dấu ấn của mình qua công trình cầu Bạch Đằng với chiều dài mỗi nhịp chính là 240m.

Điều tôi cảm nhận được từ những con người của SOH Wind Engineering là sự chuyên sâu, chỉn chu, tỉ mỉ, sẵn sàng học hỏi và chia sẻ. Ông Svend Ole Hansen - Chủ tịch kiêm người sáng lập SOH Wind Engineering cho rằng việc hợp tác với một doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam là cơ hội để công ty này có thêm những việc làm, học tập trao đổi kinh nghiệm, hiểu hơn về tầm nhìn và khát vọng của doanh nhân và doanh nghiệp nước bạn.

Với sự thẳng thắn thường thấy, ông Hồ Minh Hoàng cho rằng sự hợp tác giữa hai bên phải được thực hiện thật tốt, bằng những bước đi rất cụ thể để tạo ra những hiệu quả công việc cụ thể.

Đèo Cả đề xuất phương án SOH Wind Engineering tham gia xây dựng và vận hành phòng thí nghiệm hầm gió tại Việt Nam. Hoặc SOH Wind Engineering sẽ nghiên cứu chuyển giao công nghệ, kết hợp đào tạo bộ máy nhân lực để vận hành phòng thí nghiệm này.

Làm việc tại Đức, Đèo Cả đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Witt & Sohn – chuyên về hệ thống thông gió, quạt jet cho các công trình công nghiệp, hầm, đường sắt tốc độ cao... Bên cạnh cung cấp hệ thống quạt cho các dự án của mình thực hiện, Đèo Cả sẽ là đại lý của Witt & Sohn tại Việt Nam.

Từ đầu năm 2023 cho đến nay, với tần suất gặp gỡ, làm việc dày đặc với các đơn vị quốc tế, nhiều thỏa thuận hợp tác các đối tác nước ngoài đã được ký kết, tạo ra những nhóm việc khác nhau, ở các lĩnh vực khác nhau với một tinh thần nhất quán là hợp tác quốc tế nhưng phải làm chủ công nghệ.

“Chìa khóa” phát triển bền vững

Trên hành trình hiện thực hóa khát vọng vươn tầm quốc tế của Tập đoàn Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng nhiều lần nhấn mạnh: “Trước hết phải làm tốt công việc trong nước. Tiếp đó, phấn đấu không ngừng học tập, nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm đạt chuẩn chất lượng quốc tế”.

Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả là đơn vị do Tập đoàn Đèo Cả và Trường đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh phối hợp thành lập, tập hợp các chuyên gia đầu ngành, kỳ vọng sẽ đào tạo - cung ứng các nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông vận tải với chương trình đào tạo bám sát thực tiễn, tiên phong nghiên cứu khoa học và ứng dụng - tư vấn công nghệ tân tiến trên thế giới phục vụ thực hiện các dự án.

Phòng thí nghiệm hầm gió đầu tiên tại Việt Nam do Tập đoàn Đèo Cả hợp tác với Công ty SOH Wind Engineering nghiên cứu thực hiện sẽ thuộc Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả. Đối tác hệ thống quạt gió hàng đầu - Witt & Sohn, sẽ đồng hành Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả cùng đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống thông gió, tự động hóa để ứng dụng trong các công trình hạ tầng giao thông.

Tuy mới thành lập tháng 9/2023 nhưng bước đi đầu tiên của Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả cho thấy tinh thần vào cuộc khẩn trương, nghiêm túc của Đèo Cả trong kế hoạch đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực.

PGS. TS. Tống Trần Tùng - Tổ trưởng Tổ cố vấn Kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ GTVT nêu quan điểm, trong bối cảnh chung khi nhiều doanh nghiệp hạ tầng giao thông trong nước chưa thực sự quan tâm đến vấn đề nhân lực, việc Tập đoàn Đèo Cả phối hợp với một đơn vị đào tạo để cho ra đời Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả cho thấy tầm nhìn tiên phong và đột phá của doanh nghiệp để sẵn sàng cho sự phát triển lâu dài trong tương lai.

“Lực lượng của Đèo Cả, đặc biệt về nhân sự, đã rất lớn mạnh. Tôi cho rằng, đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp này sẽ lớn mạnh hơn nữa, sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho các dự án giao thông giai đoạn tới”, chuyên gia Tống Trần Tùng nhận định.

Kế hoạch của ngành giao thông đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường cao tốc, tới năm 2030 đạt 5.000 km và tầm nhìn đến năm 2050 đạt 10.000 km đường cao tốc. Chiến lược đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao và hệ thống tàu điện ngầm cũng đã được xác định thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2035. Có thể thấy, bức tranh toàn cảnh ngành hạ tầng giao thông trong nước có tiềm năng phát triển rất lớn, tỷ lệ thuận với đó là nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn về cả chất và lượng để đáp ứng tốc độ triển khai các hàng loạt dự án giao thông lớn nhỏ giai đoạn tới.

Để đón đầu xu hướng, cùng với việc xác định nguồn lực con người là yếu tố then chốt để phát triển bền vững, Tập đoàn liên tiếp có những hợp tác đào tạo với các trường đại học, dạy nghề. Hoạt động đào tạo nội bộ cũng được chú trọng ở tất cả các cấp CBCNV, các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ.

"Trên hành trình vươn mình ra thế giới, chắc rằng sẽ còn nhiều chướng ngại cần phải vượt qua nhưng với những bước chuẩn bị chủ động, bài bản về nhân lực, khoa học công nghệ và bản lĩnh vượt khó đã trở thành khí chất, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng Tập đoàn Đèo Cả sẽ sớm định danh thương hiệu doanh nghiệp hạ tầng giao thông Việt Nam trên bản đồ thế giới", chuyên gia Tống Trần Tùng nhận định.

Nguồn: Báo điện tử Đầu tư