Sản phẩm công nghệ nội địa tạo “cú hích” cho cao tốc Bắc - Nam(Thứ sáu, 21/06/2024 08:16 GMT+7)

Các sản phẩm nội địa hóa như: Gối cầu, khe co giãn, tường chống ồn... giúp các nhà thầu thi công chủ động thời gian lắp đặt, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, nhất là ở các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam


Hướng dẫn lắp đặt gối cầu sông Gianh

Năm 2023, ngành GTVT đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, thần tốc đưa vào khai thác 475 km đường cao tốc, lập kỷ lục lớn nhất từ trước đến nay. Thành quả có được thể hiện ý chí quyết tâm rất lớn của các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, sự chỉ đạo, quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT, tinh thần vượt khó làm xuyên lễ, xuyên Tết, không ngừng nghỉ của các nhà thầu trên các công trình, dự án.

Bên cạnh đó, để có được thành quả trên còn có sự đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực cung ứng vật tư bằng các sản phẩm nội địa hóa như: Gối cầu, khe co giãn, tường chống ồn... giúp các nhà thầu thi công chủ động thời gian lắp đặt, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, nhất là ở các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) và giai đoạn 2 (2021 - 2025).

Hướng dẫn lắp đặt gối cầu sông Gianh

Sản phẩm nội địa chiếm lĩnh thị phần cao tốc Bắc - Nam

Vài năm trở lại đây, ngành GTVT triển khai đồng thời hàng loạt dự án trọng điểm khiến lĩnh vực cung cấp vật tư cho các dự án công trình giao thông trở nên vô cùng sôi động, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cung ứng vật tư cho các dự án hạ tầng giao thông ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Từ những công ty chuyên nhập khẩu vật tư thuần túy đến các doanh nghiệp chủ động nội địa hóa sản phẩm đều phải chạy đua quyết liệt chiếm lĩnh thị phần. Dù chưa có số liệu chính thức, nhưng theo nguồn thống kê của Tạp chí GTVT từ các chủ đầu tư và nhà thầu, Công ty CP Thương mại, Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng (Vĩnh Hưng JSC) đang là đơn vị cung cấp các sản phẩm vật tư như gối cầu, khe co giãn, tường chống ồn... với khối lượng lớn nhất cho các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) và cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) đang triển khai thi công.

Theo đó, Vĩnh Hưng JSC đã tham gia cung cấp sản phẩm cho cả 11/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, đồng thời tham gia thi công một số dự án như: Gia cố mái ta-luy (giải pháp chống đá lở đá rơi) cho cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, sản xuất và thi công lắp đặt tường chống ồn cho cao tốc Mai Sơn - QL45 và QL45 - Nghi Sơn, thi công chống thấm hầm Trường Vinh ở cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, thi công chống thấm hầm Thần Vũ ở cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt...

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Trần Đức Tiến - Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hưng JSC cho biết, phát huy lợi thế về tiến độ - giá cả - chất lượng sản phẩm, ở dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, các sản phẩm gối cầu, khe co giãn do Vĩnh Hưng JSC sản xuất đã chiếm lĩnh thị phần trên 50% so với tổng sản lượng của dự án. Hiện nay, Công ty đang tiếp tục nỗ lực để chiếm lĩnh thị phần ở các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 và các cầu lớn khác.

Ông Tiến cho biết, các nguồn vật tư nội địa hóa được sản xuất bởi các đơn vị có hệ thống quản lý chất lượng bài bản, kiểm soát nghiêm ngặt quá trình sản xuất sẽ có nhiều ưu thế trong việc đáp ứng tiến độ của dự án, đảm bảo chất lượng sản phẩm và tuổi thọ công trình.

Sản xuất gối cầu

Tiến độ giao hàng nhanh, tối ưu chi phí và đảm bảo chất lượng sản phẩm

Nhớ lại thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, ông Trần Đức Tiến cho biết khi đó dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Một số cảng biển quan trọng bị phong tỏa làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong khu vực châu Á và trên thế giới, điều này gây ảnh hưởng vô cùng lớn tới các đơn vị của Việt Nam khi phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Trong khi đó, ở trong nước, năm 2022 là giai đoạn nước rút để các nhà thầu bứt phá thi công hoàn thành các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, trong đó hai dự án Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn sẽ phải hoàn thành trong năm 2022, còn lại 7 dự án phải hoàn thành trong năm 2023, gồm: Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và cầu Mỹ Thuận 2. Hai dự án còn lại là Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Theo ông Tiến, thông thường đối với các nguồn sản phẩm vật tư nhập khẩu như gối chậu thì sẽ cần 45 - 50 ngày để nhập hàng. Tuy nhiên, mặt hàng này do Vĩnh Hưng sản xuất có thể cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong vòng 25 - 30 ngày, rút ngắn được tiến độ cấp hàng cho các dự án cao tốc Bắc - Nam với chất lượng đảm bảo, giá thành cạnh tranh so với sản phẩm nhập ngoại.

"Đối với sản phẩm nội địa hóa của Vĩnh Hưng, chúng tôi có thể cung cấp hàng thành nhiều đợt tùy theo tiến độ dự án, đảm bảo vấn đề về bảo quản hàng hóa, hỗ trợ khách hàng về tài chính (thanh toán theo từng lần giao hàng)... Trong khi đó, với hàng nhập khẩu, thông thường sẽ nhập hàng về một lần, làm tăng chi phí lưu kho, bảo quản và các chi phí tài chính khác cho nhà thầu", ông Tiến cho biết và nói thêm, tiến độ và chi phí nhập khẩu hàng hóa từ nguồn nước ngoài phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, không thể kiểm soát như việc chậm trễ thông quan trong giai đoạn Covid-19 bùng phát hoặc các rủi ro đến từ vấn đề xung đột chính trị giữa các nước...

Trong bối cảnh hiện nay, tuyến đường kết nối châu Á tới châu Âu qua kênh đào Suez và Địa Trung Hải được xem là huyết mạch của thương mại quốc tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ. Điều này khiến các tàu container chuyển hướng từ Biển Đỏ sang đi quanh Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi khiến hành trình sẽ dài thêm hàng ngàn cây số, chi phí vận chuyển tăng cao, làm tăng nguy cơ xảy ra cú sốc đứt gãy chuỗi cung cứng cho nền kinh tế toàn cầu.

"Sản phẩm sản xuất trong nước không gặp nhiều rủi ro như các sản phẩm nhập khẩu, giá cạnh tranh hơn và bình ổn hơn rất nhiều", ông Tiến phân tích và cho biết thêm, giai đoạn cuối năm 2023, nhà máy của Vĩnh Hưng đã đầu tư máy móc thiết bị và có thể đáp ứng sản lượng 1.800 gối/tháng, 1.200 mét khe/tháng, hoàn toàn đảm bảo được tiến độ cung cứng cho các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Cũng theo ông Tiến, không chỉ chiếm lĩnh được thị phần tại các dự án trọng điểm trong nước, tới nay, sản phẩm gối cầu, khe co giãn, tường chống ồn do Việt Nam sản xuất đã khẳng định được chất lượng và xuất khẩu thành công ra thị trường quốc tế. Trong đó, sản phẩm gối chậu do Việt Nam sản xuất đã có thể đáp ứng tải trọng lên đến 34.500 KN và được xuất khẩu sang thị trường Philippines.

 

Nguồn: Tạp chí GTVT