Trung Quốc xây dựng hầm đường sắt cao tốc dưới biển dài nhất thế giới(Thứ sáu, 01/11/2024 08:32 GMT+7)
Trung Quốc đang trong quá trình hoàn thiện hầm Kim Đường, nối thành phố Ninh Ba với quần đảo Chu Sơn, một trong những đường hầm đường sắt cao tốc dưới biển dài nhất thế giới. Công đoạn đào đất hiện đang được tiến hành trên đoạn đường hầm dưới biển.
Theo SCMP, đường hầm Kim Đường nối thành phố Ninh Ba với quần đảo Chu Sơn, thuộc tỉnh Chiết Giang ở phía đông Trung Quốc. Công việc đào hầm dưới biển bắt đầu vào ngày 22/10 và đang tiến triển với tốc độ trung bình 16 m/ngày.
Đường hầm dài 16,18 km và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026, tuyến đường sắt cao tốc dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2028.
Trung Quốc bắt đầu khoan đào dưới biển xây hầm đường sắt cao tốc dưới biển
dài nhất thế giới. (Ảnh: SCMP)
Hiện tại, Ninh Ba và Chu Sơn được kết nối bằng một cây cầu vượt biển và di chuyển bằng phà. Đoạn đường sắt nối liền hai thành phố này có tốc độ thiết kế lên tới 250 km/h, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ 1 tiếng rưỡi bằng ô tô xuống chỉ còn 26 phút.
Đường hầm mới cũng kết nối Chu Sơn với mạng lưới đường sắt cao tốc Trung Quốc, rút ngắn hành trình giữa Chu Sơn và Hàng Châu từ 3 tiếng rưỡi xuống còn 77 phút.
SCMP dẫn nguồn từ hãng truyền thông CCTV cho biết, công tác đào đất trên đoạn đường hầm dưới biển đã bắt đầu vào hôm thứ Ba. Máy đào hầm hoạt động ở độ sâu 42 mét dưới mực nước biển, đang đạt tốc độ trung bình 16 mét một ngày.
Theo CGTN, ở vùng diện tích nhỏ bằng móng tay là khoảng 1cm2, hầm sẽ phải chịu áp lực 8,5 kg. Hầm này sẽ có độ sâu tối đa là 78 mét. Đường hầm này sẽ dài 16,18 km và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026, tuyến đường sắt dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2028.
Quá trình đào hầm dự kiến sẽ gặp nhiều rủi ro,
ví dụ như áp lực nước lớn khi đào càng sâu về phía trước.
Trước đó, vào tháng 2, truyền thông Trung Quốc đưa tin, một máy đào hầm có tên Dũng Châu, là loại máy khoan có đường kính siêu lớn, do Tập đoàn Cục 14 Đường sắt Trung Quốc và Tập đoàn Công nghiệp nặng Xây dựng Đường sắt Trung Quốc, đã được sử dụng trong dự án đào hầm Kim Đường. Máy này có tổng chiều dài 135 mét, nặng 4.350 tấn và có 308 mũi dao đặc biệt, thay vì sử dụng phương pháp khoan nổ truyền thống.
Việc xây dựng hầm đã được bắt đầu từ tháng 5, theo đó 2 máy đào hầm Định Hải và Dũng Châu cùng khởi động để đào từ hai hướng ngược nhau. Một máy đào từ Ninh Ba và đào 4.940 mét, máy còn lại bắt đầu đào từ Châu Sơn và sẽ đào 6.270 mét.
Trung Quốc đã xây dựng mạng lưới đường sắt có quy mô lớn nhất thế giới
Theo truyền thông nhà nước, Trung Quốc đã xây dựng mạng lưới đường sắt có quy mô lớn nhất thế giới với 46.000 km đường sắt đang hoạt động, tương đương 70% tổng chiều dài đường sắt trên thế giới.
Giám đốc dự án đường hầm dưới biển này, Zhang Jintao, cho biết đội thi công sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về kỹ thuật trong thời gian tới. Ông nói: “Sau khi chính thức bước vào phần xây dựng trên biển, chúng tôi sẽ đứng trước một số rủi ro, bao gồm cả việc đào xuyên qua tường chắn biển và đào càng về phía trước áp lực nước sẽ càng lớn.”
Ông Zhang cho biết: “Chúng tôi cũng gặp phải những thách thức như điều kiện địa chất phức tạp và thay đổi, khó khăn trong việc đào hầm dưới áp lực nước lớn và đòi hỏi độ chính xác cao trong quá trình đào hầm với độ dài lớn.”
CCTV cũng chỉ ra lợi ích của tuyến đường sắt này đối với Ninh Ba và Chu Sơn, trong đó có việc đẩy nhanh quá trình hội nhập của 2 địa phương vào Vành đai kinh tế sông Dương Tử. Vành đai kinh tế sông Dương Tử là khu kinh tế lớn nhất Trung Quốc, trải dài trên 11 tỉnh và thành phố, “bao phủ” hơn 21% diện tích và chiếm gần 1 nửa dân số cùng tổng sản lượng kinh tế của nước này.
Chu Sơn nằm ở ngã ba của khu vành đai và trung tâm của bờ biển phía đông Trung Quốc, được coi là động lực chính của tăng trưởng kinh tế nước này. Thành phố này là trung tâm của các tuyến vận tải đường sông - biển, bao gồm các liên kết quốc tế hỗ trợ an ninh lương thực, năng lượng và tài nguyên khoáng sản.
T.H (Theo SCMP)