Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 triển khai kế hoạch năm 2024 (Thứ năm, 28/12/2023 08:44 GMT+7)

Sáng nay (28/12), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành giao thông vận tải.


Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhà nước, các bộ, ngành trung ương.

Về phía Bộ GTVT, có Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng; các đồng chí Thứ trưởng: Lê Đình Thọ, Nguyễn Xuân Sang, Nguyễn Duy Lâm, Nguyễn Danh Huy; các đồng chí là lãnh đạo các cơ quan của Bộ GTVT.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2023
và triển khai kế hoạch năm 2024 của Bộ GTVT, sáng nay 28/12/2023 tại Hà Nội

Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành Giao thông vận tải diễn được truyền hình trực tuyến từ  Hà Nội tới các điểm cầu truyền hình trực tuyến của nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Sau phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Hội nghị được xem video tổng quan về những kết quả nổi bật của Ngành GTVT trong năm 2023. Tiếp đó Hội nghị nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các Hiệp hội, doanh nghiệp.


Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Đặc biệt, Hội nghị đã nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác năm 2023 cũng như những chỉ  đạo quan trọng để Ngành GTVT tiếp tục phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề, đóng vai trò quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động kép từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, bất cập nội tại bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn.

“Song với sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng; sự hỗ trợ, giám sát thường xuyên của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các Bộ, ngành trung ương và các địa phương; sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và của nhân dân; toàn ngành Giao thông vận tải đã duy trì sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, đoàn kết thống nhất, thực hiện nhiệm vụ với phương châm hành động “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” ; qua đó đã tạo được sự chuyển biến toàn diện, rõ nét trên tất cả các lĩnh vực quản lý với những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Báo cáo tạị Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT phân tích những yếu tố làm nên kết quả đó.

Một là, về đột phá thể chế, Bộ Giao thông vận tải tập trung rà soát, hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, cơ chế chính sách và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tháo gỡ đáng kể khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp và địa phương, khơi thông, giải phóng, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, góp phần quan trọng tạo đà phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Trọng tâm là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên mọi lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Bộ GTVT, đi kèm với cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tích cực giải quyết nhiều vấn đề mới, vấn đề khó, những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn. Năm 2023, Bộ GTVT đã ban hành 40 Thông tư theo thẩm quyền; trình Chính phủ 13 nghị định, đạt 100% kế hoạch; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7; đã hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Đường sắt và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam để trình Chính phủ theo quy định; đang thực hiện tổng kết Luật Giao thông đường thủy nội địa và Bộ Luật Hàng hải Việt Nam.

“Xác định nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, Bộ GTVT đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan đơn vị trong việc triển khai thức hiện gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu; Năm 2023, Bộ GTVT hoàn thành 06/06 chỉ tiêu và 23 nhiệm vụ Chính phủ giao về xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số; hoàn thành 04/04 nhiệm vụ tại Đề án 06, cung cấp 319 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 170 dịch vụ công toàn trình. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, cổng dịch vụ công Bộ GTVT được xếp hạng A trong khối các bộ, ngành”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Hai là, theo Bộ trưởng, về đột phá hạ tầng,  công tác lập, triển khai quy hoạch thực hiện bài bản, khoa học. Bộ GTVT là một trong các bộ trình sớm nhất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/5 quy hoạch ngành quốc gia. Việc chuẩn bị các đề án quan trọng đạt được kết quả tích cực, Bộ GTVT đã tiếp thu, hoàn thiện, trình Thường trực Chính phủ Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Năm 2023 thực sự là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 Dự án, trong đó rút ngắn thời gian khởi công 06 Dự án quan trọng quốc gia 01 năm so với quy trình thủ tục thông thường và lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần; khởi công các dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây, các tuyến Vành đai đô thị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Khởi công công trình nhà ga Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất.... Đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 Dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc với 09 Dự án dài 475km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km.

‘Công tác giải ngân vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp kinh tế tiếp tục đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra. Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao số vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay với hơn 94 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần so với năm 2022), cùng với số vốn sự nghiệp kinh tế hơn 19,9 nghìn tỷ đồng phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ GTVT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả để điều hành giải ngân kế hoạch vốn. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kết quả giải ngân của Bộ đến hết niên độ kế hoạch dự kiến đạt trên 95%’, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Ba là, theo Bộ trưởng, hoạt động vận tải tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định gắn với việc cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, phí lệ phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đến hết tháng 11/2023, sản lượng hàng hóa tăng 12,9%, luân chuyển hàng hóa tăng 10,5% so với cùng kỳ, sản lượng hành khách tăng 11,5%, luân chuyển hành khách tăng 23,9% so với cùng kỳ.    

Bốn là, Công tác hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, bảo đảm chiều sâu và đạt nhiều kết quả thực chất, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, các nước là đối tác quan trọng trong lĩnh vực GTVT. Đã đàm phán, báo cáo và được Chính phủ đồng ý ký kết 10 điều ước quốc tế, 03 thỏa thuận quốc tế về GTVT ( gấp hơn 4 lần so với năm 2022).

Năm là, Tích cực, trách nhiệm tháo gỡ những vấn đề tồn tại của ngành và nhiệm vụ tái cơ cấu SBIC được Chính phủ giao. Năm 2023, Bộ GTVT đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý những tồn tại, khó khăn sau những sai phạm của hoạt động Đăng kiểm; đến tháng 6/2023, đã giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc tại các trung tâm Đăng kiểm; hiện nay, đang tập trung thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện hoạt động đăng kiểm theo hướng “có đóng, có mở”, công khai, minh bạch, hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ và tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Trong năm, Bộ GTVT đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT trên nguyên tắc các quy định của pháp luật và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Cũng theo Bộ trưởng, bên cạnh đó, sau nhiều lần tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và các đồng chí Thành viên Chính phủ, Bộ GTVT đã hoàn thiện, trình và được Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện Kết luận của Bộ chính trị về chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng thẳng thắn, cầu thị nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế cần được xem xét, giải quyết để có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Những tồn tại được Bộ trưởng chỉ rõ, đó là: Công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng “trá hình” còn diễn ra ở nhiều địa phương; Tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; Mặc dù nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, tuy nhiên các trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân; Việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển KCHTGT còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng.

“Để đánh giá khách quan những kết quả đạt được, thống nhất nhiệm vụ, giải pháp trong năm tới, tại Hội nghị này, Bộ GTVT rất mong muốn được lắng nghe ý kiến phát biểu của đại diện các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội, đặc biệt là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cầu thị.

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Giao thông vận tải không chỉ trong năm tới mà còn trong cả nhiệm kỳ và giai đoạn tiếp theo.

“Vì vậy, tôi đề nghị quý vị đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, làm sâu sắc, toàn diện hơn những kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ; đồng thời, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, đóng góp bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, những kiến nghị, đề xuất giúp cho ngành Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024 nhằm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các mục tiêu, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói rõ.

 

Lâm Hoài