“Đại lộ sinh đại phú” nhìn từ hệ thống cao tốc Liên bang Mỹ(Thứ ba, 31/08/2021 10:34 GMT+7)

Từ những năm đầu thế kỷ 20, khi ô tô phát triển, nhiều đời Tổng thống Mỹ đã muốn xây dựng một hệ thống đường bộ xuyên qua các bang.


Trong 65 năm qua, nhờ Hệ thống đường cao tốc Liên bang Mỹ (IHS), tổng sản phẩm quốc nội Mỹ tăng 340% (từ 3.000 tỷ USD lên 19.000 tỷ USD); 75% hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ sử dụng đường cao tốc liên bang.

Đây là những con số ấn tượng, minh chứng rõ nhất cho thấy IHS đã mở đường cho nền kinh tế Mỹ tăng tốc.

Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower (đội mũ, đứng giữa) tham gia khánh thành đoạn mở rộng đường
tưởng niệm George Washington (một phần trong dự án đường cao tốc)

Ký dự luật đường cao tốc ngay trên giường bệnh

Từ những năm đầu thế kỷ 20, khi ô tô phát triển, nhiều đời Tổng thống Mỹ đã muốn xây dựng một hệ thống đường bộ xuyên qua các bang.

Quốc hội Mỹ từng thông qua Luật Cao tốc do liên bang trợ cấp, tạo hành lang pháp lý để xây dựng “Hệ thống đường cao tốc liên bang quốc gia” dài 40.000 dặm (64.000km) xuyên qua và kết nối các thành phố vào năm 1944. Song do không tìm được nguồn kinh phí nên dự án bị treo hàng chục năm.

Lúc đó, các bang giàu có như Pennsylvania, New York State, New Jersey, California tự xây dựng đường cao tốc riêng với nhiều tên như Turnpike, Thruway…

Đến năm 1953, dưới thời Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower, tương lai dự án mới sáng hơn.

Một mặt, lãnh đạo Mỹ ủng hộ triết lý, một xã hội thịnh vượng cần phải luôn chuyển động, coi hoạt động xây dựng đường bộ, đặc biệt là đường cao tốc liên bang, là giải pháp để khơi thông trì trệ, thổi làn gió mới cho nền kinh tế.

Triết lý này vẫn được duy trì đến nay khi nhiều đời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Joe Biden hối thúc Quốc hội thông qua dự luật hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Quay lại thời ông Eisenhower, dự án cao tốc liên bang được nhận định như yếu tố sống còn, ngăn chặn suy thoái kinh tế hậu Thế chiến thứ II. Chưa kể, nước Mỹ phụ thuộc vào xe tải chở hàng nặng nên giao thông tại các khu vực đô thị và ngoại ô thường xuyên tắc nghẽn.

Mặt khác, Tổng thống Eisenhower từng là Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh tại châu Âu trong Thế chiến thứ II, có thời gian làm việc tại Đức và quá ấn tượng với hệ thống đường bộ cao tốc nước này (còn được gọi là Reichsautobahnen).

Cuối cùng, Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã ký dự luật xây dựng Hệ thống Cao tốc Quốc phòng và Liên bang Quốc gia Mỹ trị giá 25 tỷ USD ngay trên giường bệnh khi ông đang hồi phục sau phẫu thuật. Cũng chính vì vậy, dự luật được đặt theo tên Dwight D. Eisenhower.

Đường cao tốc Liên bang Mỹ đoạn qua TP Los Angeles

Mấu chốt thành công của dự luật lần này là Tổng thống Eisenhower cùng các Nghị sĩ ủng hộ đã tìm cách gỡ nút thắt về tài chính. Họ thuyết phục để liên minh những đơn vị ủng hộ dự án như các nhà sản xuất ô tô, xe tải, vận hành xe bus, công ty dầu mỏ, lốp xe… phải chịu mở hầu bao, đóng góp vào xây đường thông qua thuế xăng dầu.

Chính phủ liên bang Mỹ thành lập Quỹ Tín thác đường cao tốc để xây dựng dự án. 90% vốn xây dựng được trích từ quỹ này.

Đoạn cao tốc đầu tiên tại hạt St. Charles, bang Missouri hoàn thành nhanh chóng chỉ sau 1 năm (1957). Nhưng toàn bộ dự án lại bị chậm tới hơn thập kỷ. Ban đầu, ước tính dự án hoàn thành trong 12 năm với khoản kinh phí khoảng 25 tỷ USD. Cuối cùng, dự án kéo dài tới 35 năm, tiêu tốn 114 tỷ USD.

Với mục đích chính là tạo điều kiện di chuyển nhanh, tốc độ cao, an toàn, các chuyên gia thiết kế đường thời đó tập trung mở rộng bề ngang đường, làm làn đường rộng, giới hạn khúc cua, đặc biệt có các nút giao lập thể (intercharge) để hạn chế gián đoạn dòng lưu thông...

Đến nay, đường cao tốc liên bang Mỹ đã trở thành “xương sống” của nền kinh tế, nối liền hơn 200 thành phố lớn của nước Mỹ, với tổng chiều dài hơn 77.200km.

Cứ 1 USD chi phí xây cao tốc mang về 6 USD hiệu quả kinh tế

Walmart hưởng lợi lớn từ đường cao tốc liên bang Mỹ

Sự thay đổi của nền kinh tế Mỹ từ thời chưa có cao tốc đến nay thể hiện rõ qua bức tranh các công ty lọt vào danh sách FORTUNE 500 - tiêu chuẩn đo lường sức mạnh của các doanh nghiệp.

FORTUNE 500 là danh sách 500 công ty lớn nhất Hoa Kỳ theo tổng doanh thu mỗi công ty do tạp chí Fortune thực hiện hàng năm.

Trong năm đầu tiên FORTUNE 500 được lập (1955), tập đoàn sản xuất ô tô General Motor (GM) và số ít các công ty như Standard Oil, US Steel, General Electric… thống trị danh sách.

Môi trường kinh doanh Mỹ chỉ xoay quanh vài tập đoàn lớn, trong đó GM gần như là bá chủ. Doanh thu của GM (9,8 tỷ USD) cao gần gấp đôi Exxon Mobil (5,6 tỷ USD) - tập đoàn đứng thứ 2 trong FORTUNE 500.

Sự ra đời của Hệ thống đường cao tốc liên bang Mỹ cùng sáng kiến mới về container vận tải hàng (năm 1956) đã làm thay đổi cục diện.

Nhờ hệ thống đường mới, các container chở hàng lớn dễ dàng di chuyển từ tàu biển lên tàu hỏa và sang xe tải. Nhiều chuỗi cung ứng bùng nổ và linh hoạt hơn. Hãng xe hơi Toyota (Nhật) có thể đưa phụ tùng tới nhà máy Kentucky, Indiana và California kịp thời, tạo thêm công việc sản xuất ô tô. Hãng bán lẻ Wal-Mart bổ sung và phủ sản phẩm mới lên giá siêu thị nhanh hơn…

Theo trang thông tin về giao thông Public Purpose, cứ 1USD chi phí xây cao tốc sẽ mang về 6USD hiệu quả kinh tế. Đến năm 2005, bảng xếp hạng FORTUNE 500 không còn là điểm nhấn của vài ba tập đoàn lớn, khoảng cách doanh thu giữa các tập đoàn top đầu đều hơn. Doanh thu của GM tăng hơn 19 lần (193 tỷ USD), nhưng tụt xuống vị trí thứ 3.

Hãng bán lẻ Wal-Mart, đơn vị hưởng lợi nhiều nhất từ đường cao tốc qua vận tải hàng hóa, vươn lên soán ngôi GM, với lợi nhuận 288 tỷ USD. Tính đến năm 2020, Wal-Mart vẫn đứng vị trí đầu trong danh sách FORTUNE 500 trên toàn cầu, doanh số 559 tỷ USD.

Ông John Fernald, nhà kinh tế cấp cao làm việc tại Ngân hàng Dự trữ liên bang Chicago đã có nghiên cứu về hiệu suất của những ngành công nghiệp phụ thuộc vào phương tiện như xây dựng, thương mại, dịch vụ trong thời kỳ bùng nổ xây dựng xa lộ và nhận thấy tất cả các ngành đều đạt kết quả khổng lồ.

“Dự án xây dựng đường cao tốc liên bang đã kết nối nền kinh tế, mang lại hiệu quả phi thường. Nhờ đường cao tốc, phương tiện vận tải đường bộ trở nên linh hoạt hơn. Các công ty dễ dàng kinh doanh, không còn quá phụ thuộc vào cảng biển hay đường sắt”, ông Fernald nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Giao thông