Nhiều hãng hàng không Châu Âu dừng bay tới Ukraine vì xung đột leo thang(Thứ ba, 22/02/2022 14:52 GMT+7)

Hãng hàng không Swiss Air Lines (SWISS) là hãng mới nhất tạm dừng các chuyến bay tới thủ đô Kiev (Ukraine) đến hết tháng 2 này.


Theo người phát ngôn SWISS, hãng hàng không quốc gia chú trọng đảm bảo an toàn cho hành khách, thành viên phi hành đoàn và đã đình chỉ các chuyến bay từ thành phố Zurich (Thuỵ Sĩ) tới thủ đô Ukraine bắt đầu từ hôm nay 21/2 cho đến cuối tháng này.

Máy bay của hãng hàng không SWISS

Người phát ngôn hãng hàng không cho biết, SWISS vẫn giữ liên lạc với giới chức Ukraine và đang giám sát chặt chẽ tình hình tại nước này.

Cách đó 2 ngày, Bộ Ngoại giao Liên bang Thuỵ Sĩ (FDFA) khuyến cáo công dân Thuỵ Sĩ rời khỏi vùng Donetsk và Luhansk tại miền Đông Nam Ukraine (Donbass) khi căng thẳng tại đây leo thang.

Theo FDFA, Thuỵ Sĩ sẵn sàng ủng hộ đối thoại nhằm giải quyết xung đột tại Ukraine một cách hoà bình.

Ông Pierre-Alain Eltschinger, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thuỵ Sĩ cho biết, nước này sẵn sàng chủ trì cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Trước đó, hãng hàng không hàng đầu của Đức Lufhansa cùng một số hãng khác như Eurowings, Swiss, Brussels và Austrian Airlines đều thông báo dừng bay tới các thành phố của Ukraine như Kiev và Odessa từ đầu tuần này cho đến hết tháng 2.

Tuy nhiên, Lufhansa tiếp tục hoạt động bay tới khu vực phía Tây Ukraine nơi nhiều quốc gia như Mỹ, Anh... đã tạm chuyển Đại sứ quán từ thủ đô Kiev về.

Liên quan tới tình hình miền Đông Ukraine, vài ngày gần đây, hai phe Cộng hoà Nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk (DPR và LPR) liên tiếp báo cáo các lực lượng thuộc chính phủ Kiev thực hiện nhiều vụ tấn công nhằm vào khu vực dân sinh tại Donbass.

Cùng lúc, các nước phương Tây và Ukraine cáo buộc Nga đang chuẩn bị tấn công Ukraine. Moscow luôn bác bỏ và khẳng định, nước này không có ý định đe doạ bất cứ nước nào, đồng thời bày tỏ vô cùng lo ngại trước hoạt động quân sự của NATO gần biên giới với Nga. Moscow cho rằng hành động này đã đe doạ an ninh quốc gia Nga.

Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng, bất ổn hiện tại là do phương Tây cố tình đẩy lên để che đậy hành vi vi phạm thoả thuận Minsk của chính phủ Ukraine.

Thoả thuận Minsk được ký kết năm 2015 giữa đại diện của Nga, Ukraine, các nhà lãnh đạo ở Donbass và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) nhằm xoa dịu căng thẳng miền Đông Ukraine.

Nguồn: Báo Giao thông