Phát triển giao thông công cộng: Chìa khóa phát triển bền vững đô thị Việt Nam(Thứ tư, 20/01/2021 08:26 GMT+7)

Theo ThS. Nguyễn Việt Phương, Sở Giao thông vận tải TP. Đà Nẵng - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học "Phát triển giao thông công cộng: Chìa khóa phát triển bền vững đô thị Việt Nam", phát triển bền vững trong quá trình tăng trưởng kinh tế - xã hội là mục tiêu quan trọng đối với các đô thị trên thế giới. Một trong những cơ sở chính cho sự phát triển này là hệ thống giao thông công cộng (GTCC) bền vững và hiệu quả.


So sánh mức độ chiếm dụng đất của các loại phương tiện giao thông

Tại Việt Nam, trong bối cảnh các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang trải qua quá trình đô thị hóa và cơ giới hóa nhanh và mạnh, sự phát triển của GTCC càng có ý nghĩa quan trọng. Bài báo trình bày những kinh nghiệm điển hình trên thế giới về phát triển GTCC và đề xuất các giải pháp, kiến nghị cho phát triển GTCC ở các đô thị Việt Nam.

Quá trình tăng trưởng kinh tế thường song hành với các quá trình đô thị hóa (nhằm tập trung các nguồn lực để nâng cao năng suất và đáp ứng các dịch vụ tốt hơn) và cơ giới hóa phương tiện đi lại (do thu nhập của người dân gia tăng). Ngoài những mặt tích cực mà quá trình đô thị hóa và cơ giới hóa đem lại, còn có nhiều mặt tiêu cực mà các đô thị đang phải đối mặt, trong đó nổi lên là các vấn đề về UTGT, ô nhiễm môi trường và TNGT. Để giải quyết những vấn đề này, mỗi quốc gia và mỗi đô thị chọn một nhóm giải pháp nhất định phù hợp với điều kiện của mình, tuy nhiên tựu chung lại, việc phát triển GTCC luôn luôn là một trong những giải pháp được đặc biệt chú trọng, với hiệu quả đã được chứng minh tại nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, với sức ép từ ùn tắc, ô nhiễm, TNGT ngày càng gia tăng, việc phát triển đô thị một cách bền vững với nền tảng là một hệ thống GTCC hiệu quả ngày càng được toàn xã hội quan tâm. Nghiên cứu này trình bày những kinh nghiệm điển hình trên thế giới về phát triển GTCC và đề xuất các giải pháp, kiến nghị cho sự phát triển của GTCC ở các đô thị Việt Nam.

PHÁT TRIỂN GTCC HƯỚNG TỚI MÔ HÌNH ĐÔ THỊ BỀN VỮNG

Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm, các bất cập hiện nay, có một số giải pháp phát triển GTCC: Bảo đảm sự liên hệ chặt chẽ giữa các mục tiêu, giải pháp trong quy hoạch chiến lược và các quy định pháp luật thông qua việc luật hóa các quy định tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện các giải pháp đã đặt ra. Hợp lý hóa quy hoạch, trong đó cần có lộ trình cụ thể để nhanh chóng mở rộng diện tích đất đô thị của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, kết nối giao thông và vận tải hành khách công cộng một cách thuận lợi giữa các khu vực chính, đặc biệt cần bảo đảm tỷ lệ đường phố và bãi đỗ xe khoảng 25 - 30% diện tích đô thị. Với những khu vực mới, có thể cần giảm tỷ lệ xây dựng và tăng diện tích dành cho giao thông/đỗ xe cao hơn nữa để bù lại cho các khu vực có diện tích đất dành cho giao thông thấp hơn trước đây; tiếp tục xây dựng mạng lưới đường giao thông hợp lý hơn, nâng cao mật độ đường giao thông với kết cấu hợp lý, trong đó bảo đảm khả năng tiếp cận tốt đến các dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Sau khi đã có quy hoạch hợp lý cần kiên quyết thực hiện theo quy hoạch.

Sớm hoàn thiện các quy định pháp luật về khuyến khích đầu tư giao thông công cộng với mọi thành phần kinh tế, khai thác, đánh giá tác động giao thông, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn có liên quan tới không gia đi bộ, vỉa hè, tổ chức giao thông trong đô thị theo hướng hỗ trợ và khuyến khích người dân sử dụng GTCC TOD. - Đầu tư cải tạo và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị nhằm đạt tới mức trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực. Sử dụng công cụ kinh tế và tiêu chuẩn kỹ thuật quản lý việc sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân ở các đô thị lớn và vừa, bố trí các tuyến đường dành riêng cho các phương tiện giao thông phi cơ giới. Kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông: Hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để kiểm soát khí thải, xây dựng cơ chế tài chính hỗ trợ cho các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu sạch. Thiết lập các quỹ hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ loại bỏ các phương tiện cũ và có chính sách thích hợp điều tiết việc nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng, tăng cường năng lực quản lý và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực này.

Do đi bộ hai đầu cuối là yếu tố cấu thành nên phần lớn các chuyến đi sử dụng GTCC, bởi vậy dù các đô thị có dịch vụ GTCC trên phương tiện tốt đến mấy nhưng không gian đi bộ không đáp ứng được yêu cầu thì sức hút của GTCC cũng sẽ rất hạn chế và người dân sẽ tiếp tục sử dụng vận tải cơ giới cá nhân. Các đô thị được quy hoạch và thiết kế với mục đích cuối cùng là để phục vụ con người chứ không phải phục vụ phương tiện và đi bộ là một trong những nhu cầu cơ bản, phổ biến nhất của tất cả các tầng lớp dân cư, cần được đáp ứng trước tiên. Đi học, đi dạo, đi chợ... đều có thể đi bộ hoặc đi xe đạp nếu tổ chức hợp lý... Khi có nhiều người dân đi bộ, sử dụng GTCC thì phương tiện cơ giới cá nhân sẽ giảm đi. Bởi vậy, giao thông đi bộ và phi cơ giới cần được đặc biệt quan tâm trong tất cả các khu vực đô thị.

Như vậy, phát triển đô thị bền vững dựa trên nền tảng hệ thống GTCC là vấn đề cần được quan tâm ngay từ trong công tác quy hoạch đô thị cũng là định hướng mang tính chiến lược, cần có sự quan tâm phối hợp, vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng. Với tư duy đúng, lộ trình phù hợp và những giải pháp sáng tạo, phát triển đô thị bền vững và GTCC sẽ đóng góp một phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu chiến lược phát triển bền vững của quốc gia.

Nguồn: Tạp chí GTVT