Ứng dụng công nghệ, xây dựng bản đồ số giao thông trong quản lý khai thác cầu đường(Thứ ba, 30/03/2021 08:59 GMT+7)

PGS. TS. Ngô Văn Minh, Trường Đại học Giao thông vận tải và ThS. Phạm Quốc Đạt, Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng công trình giao thông vừa có công trình nghiên cứu "Ứng dụng công nghệ, xây dựng bản đồ số giao thông trong quản lý khai thác cầu đường".


Hiện mới có bản đồ giao thông số do doanh nghiệp cung cấp để ứng dụng chỉ dẫn, đi lại,
chưa có bản đồ do cơ quan quản lý nhà nước xây dựng để phục vụ công tác quản lý cầu - đường bộ

Quản lý, khai thác công trình và hạ tầng giao thông nói chung và quản lý, khai thác các công trình cầu - đường bộ nói riêng là lĩnh vực khoa học liên quan mật thiết giữa khoa học quản lý và khoa học chuyên ngành khai thác cầu - đường. Trong 5 lĩnh vực GTVT thì đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải, đường sắt hiện mới có các bản đồ số ứng dụng chuyên ngành nhưng chưa có bản đồ dùng trong quản lý. Riêng trong lĩnh vực đường bộ, từ năm 2013, Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN - đơn vị phối hợp với một nhà cung cấp trong nước thí điểm xây dựng được hệ thống kết nối; giám sát hành trình đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, biển báo giao thông ở quốc lộ; tích hợp với các trạm kiểm tra tải trọng xe trên toàn quốc.

Tuy vậy, bản đồ số mà Tổng cục đang sử dụng gồm hai hệ thống, do hai nhà cung cấp khác nhau triển khai, là bản đồ dùng trong dự án quản lý cầu VBMS online và hệ thống dùng trong Trung tâm Dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, quản lý tuyến cố định; trong quản lý mặt đường PMS. Do vậy, cần sớm xây dựng bản đồ số ngành GTVT phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ bản đồ để sử dụng chung cho toàn ngành, cũng như chia sẻ với các bộ, ngành khác và đáp ứng nhu cầu khai thác dữ liệu bản đồ kỹ thuật số ngày càng cao. Việc đồng bộ thống nhất hệ thống quản lý giúp phục vụ quản lý nhà nước, khai thác về GTVT và cung cấp ứng dụng, tiện ích cho người dân sử dụng tối đa, hiệu quả; tránh lãng phí trong việc xây dựng các hệ thống riêng; ứng dụng phần mềm từ các nguồn khác nhau cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thông tin.

Theo công trình nghiên cứu, hiện trong nước chỉ một số doanh nghiệp xây dựng được bản đồ số giao thông và cung cấp ứng dụng chỉ dẫn đi lại như: Hanel, Vietbando, Imap, Vietmap, Googlemaps... Tuy nhiên, các bản đồ số này cũng chủ yếu tập trung ở lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong khi đó, về phía cơ quan quản lý nhà nước, đến nay gần như vẫn chưa có hệ thống bản đồ giao thông số chuẩn, chung cho toàn ngành để phục vụ mục tiêu quản lý.

Cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng của đô thị hóa, hạ tầng giao thông của đất nước cũng đang có những bước thay đổi đáng kể, các tuyến giao thông được xây dựng ở nhiều nơi và có nhiều đơn vị quản lý khác nhau. Việc ứng dụng phần mềm từ nhiều nguồn khác nhau ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thông tin. Do đó, cần sử dụng một bản đồ số thống nhất toàn ngành ở các đơn vị của Bộ GTVT để dễ dàng quản lý và nâng cao hiệu quả khai thác; đáp ứng nhu cầu phát triển và thời kỳ công nghệ mới. Hiện tại, cùng với sự phát triển của công nghệ số, việc tập hợp các thông số kĩ thuật của công nghệ để kết nối dữ liệu trên một hệ thống cơ sở dữ liệu chung đã trở nên khả thi.

Các tác giả tập trung nghiên cứu vào hai vấn đề về: Xây dựng hệ thống dữ liệu số (Big Data) và Tự động hóa kết nối dữ liệu. Xây dựng hệ thống dữ liệu số, trong quản lý khai thác cầu - đường bộ, để đáp ứng nhu cầu sử dụng, khai thác ngày càng cao và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các đơn vị của Bộ GTVT đã chủ động triển khai và ứng dụng nhiều công nghệ mới trong quản lý điều hành, cung cấp ứng dụng, tiện tích cho người dân. Ngoài các sở GTVT, ban, ngành và địa phương thì chỉ có Tổng cục ĐBVN đang xây dựng Hệ thống Big Data trong triển khai xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu như: Hệ thống Giám sát hành trình; Hệ thống Kiểm soát tải trọng xe; Hệ thống Giấy phép lái xe (GPLX); Hệ thống Quản lý tài sản đường bộ VRAMP, LRAMP; Hệ thống Quản lý mặt đường PMS; Hệ thống Quản lý cầu VBMS, LBMS; Hệ thống Giám sát thu phí.

Về tự động hóa kết nối dữ liệu Trong Big Data mà Tổng cục ĐBVN đang quản lý và khai thác đều được kết nối, chia sẻ khi có yêu cầu như: Hệ thống quản lý đường bộ PMS đã hoàn thiện mô-đun tự động cảnh báo tình trạng khai thác tuyến đường, lập kế hoạch sửa chữa đường bộ hàng năm và kế hoạch dài hạn cho các cục QLĐB hoàn toàn tự động với các thông tin cơ bản: tên đường, tuyến đường, cấp quản lý, đoạn đường cần sửa chữa, chiều dài, làn đường, năm lập kế hoạch, phương thức sửa chữa, phân cấp thực hiện, đơn giá, khối lượng, giá thành sửa chữa. Hệ thống kiểm soát tải trọng xe hàng ngày đang xử lý trung bình trên 60.000 lượt phiếu kiểm soát tải trọng xe tự động kết nối dữ liệu thông tin về phương tiện của Cục Đăng kiểm Việt Nam để chiết xuất báo cáo bao gồm các thông tin như: tên trạm cân, địa bàn, số xe không vi phạm, số xe vi phạm, loại xe, tổng số trục, trọng lượng xe, số giấy phép lưu hành xe, kết quả cân xe, vượt tải trọng, vượt kích thước thùng hàng.

* Hệ thống bản đồ giao thông số gồm các thành phần chính là hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu, công nghệ nền bản đồ và công nghệ khai thác bản đồ. Xây dựng bản đồ số ngành GTVT là cần thiết để phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ bản đồ để sử dụng chung cho toàn ngành, cũng như chia sẻ với các bộ, ngành khác và đáp ứng nhu cầu khai thác dữ liệu bản đồ kỹ thuật số ngày càng cao. Do đó, cần nguồn kinh phí đầu tư lớn và cần hành lang pháp lý đầy đủ để xây dựng, vận hành, khai thác, cập nhật, bảo trì bản đồ giao thông số. Việc xây dựng này nên triển khai theo hướng Nhà nước đầu tư kết hợp hình thức đầu tư xã hội hóa, phối hợp với trung tâm và đơn vị của ngành GTVT để xây dựng.

Tạo ra phương thức quản lý nhanh, chính xác và toàn diện cho các công trình cầu - đường; phương pháp làm giảm thiểu thời gian tìm, xuất hồ sơ, tránh mất mát, hư hỏng hoặc thất lạc; có thể thấy được chiều dài lịch sử của công trình, phục vụ quản lý, bảo dưỡng, duy tu.

Ứng dụng công nghệ quản lý dữ liệu số vào quản lý các công trình cầu, đưa ra cái nhìn toàn diện về hệ thống cầu của địa phương, đồng thời có thể cập nhật thông tin; mối quan hệ tương tác giữa nhà quản lý - người khai thác, đơn vị thiết kế, thi công trong quản lý kỹ thuật đối với các công trình cầu.

Nguồn: Tạp chí GTVT