Thực trạng và giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 cho doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam(Thứ hai, 01/11/2021 10:20 GMT+7)

Đây là nghiên cứu khoa học của ThS. MAI LÊ LỢI, Công ty Cổ phần VIMC Logistics; PGS. TS. NGUYỄN HỒNG THÁI, Trường Đại học Giao thông vận tải. Bài nghiên cứu đánh giá tác động đại dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics.


Tác động đại dich Covid-19 đối với các ngành kinh tế tính đến hết tháng 6/2020

Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 01/2020 gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống con người trên toàn thế giới. Đại dịch đã gây áp lực nặng nề lên khả năng sản xuất và dây chuyền cung ứng toàn cầu và cũng chính đại dịch cũng mở ra con đường mới để ngành dịch vụ logistics phát triển. Do vậy, để duy trì hoạt động DN dịch vụ logistics trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch như hiện nay, cần phải có đánh giá tác động đại dịch Covid-19 đến các DN dịch vụ logistics, trên cơ sở đó cần giải pháp đồng bộ từ chính phủ và chính các DN dịch vụ logistics nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, khai thác hiệu quả phương thức vận hành e-logistics (hậu cần trực tuyến)... để từng bước vượt qua khó khăn.

GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ CHO NGÀNH DỊCH VỤ LOGISTICS VIỆT NAM TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

Giải pháp của Chính phủ

Trong thời gian chống dịch vừa qua, logistics đã thể hiện là ngành dịch vụ trọng yếu của nền kinh tế. Ngành dịch vụ logistics đã tích cực tham gia các hoạt động chung như: hỗ trợ các DN xuất khẩu hàng nông hải sản sang thị trường Trung Quốc, các DN kinh doanh kho bãi đã chủ động giảm 10 - 20% giá cho thuê kho lạnh; tích cực tham gia vận chuyển hàng hóa cho thị trường nội địa ngoài phục vụ cho xuất nhập khẩu, nhất là hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong thời gian giãn cách xã hội.

Để giải quyết khó khăn trong kinh doanh, các DN đã làm tốt công tác phản biện xã hội, kịp thời phản ánh các ý kiến của DN qua các hiệp hội, hội để Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ giải quyết nhằm giảm chi phí dịch vụ logistics như mục tiêu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề ra, đề xuất các giải pháp, sáng kiến tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái thiết nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập năm 2020 cho DN có doanh thu dưới 200 tỷ đồng. DN sẽ được hưởng lợi từ quyết định này bên cạnh các biện pháp hỗ trợ khác của Chính phủ, góp phần giải quyết một phần khó khăn cho DN kinh doanh dịch vụ logistics trong sản xuất, kinh doanh, rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay...

Bên cạnh đó, Chính phủ cần cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho DN về tình hình diễn biến dịch bệnh và kịch bản kinh tế của Chính phủ; cung cấp khẩu trang chống dịch cho DN nếu diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp hơn. Ngoài ra, Chính phủ nên làm việc với các hãng vận tải, hãng tàu nhằm giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giảm phí dịch vụ tại cảng để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ DN sản xuất và DN logistics; kiểm soát được giá, không tăng giá quá cao, đặc biệt là phí LSS, LSS tăng theo quý, nhưng hiện tại hãng tàu đang tăng theo tháng.

Các cơ quan liên quan triển khai công tác đảm bảo chống dịch ở các cửa khẩu đường bộ, cảng biển theo hướng tạo thuận lợi cho DN; phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc bố trí lực lượng chức năng phân luồng, phân tuyến tại đường bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa phương tiện được lưu thông thông tốt nhất.

Ngân hàng Nhà nước cần xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại cần khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các DN trong các lĩnh vực bị tác động mạnh từ dịch  Covid-19 như du lịch, dịch vụ, xuất khẩu nông sản, vận tải, dệt may, giày dép…

Đối với các DN kho lạnh, kho mát cần được ưu đãi về giá điện dùng (hiện nay giá cao hơn giá điện sản xuất từ 25 - 30%); ưu đãi thuế (như giảm thuế, không phạt chậm nộp thuế…) cho các chuỗi nhà hàng, khách sạn, cung ứng thực phẩm; giãn tiến độ nộp, giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các DN chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch.

Tuy nhiên, đại dịch là chất xúc tác thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành dịch vụ logistics, trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, các DN cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam đang tích cực chuyển đổi số nhằm thay đổi sự trì trệ, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics; tăng cường thương mại điện tử, sàn giao dịch online, thanh toán online. Chính phủ cần xác định rõ những cơ hội, thách thức trong năm 2021 và những năm tiếp theo với nhưng kịch bản khác nhau, để đề ra những yêu cầu cụ thể đổi với ngành dịch vụ logistics với mục tiêu phải giảm chi phí logistics để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hóa và nền kinh tế, bằng việc thực hiện đồng bộ giải pháp...

Giải pháp của DN dịch vụ logistics

Nhiều DN dịch vụ logistics ở Việt Nam đã ứng phó với Covid-19 bằng hàng loạt các biện pháp: cắt giảm lương và/hoặc giờ làm việc của nhân viên; cắt giảm chi phí không cần thiết (44,5% DN); đàm phán điều khoản thanh toán cho chi phí đầu vào và chi phí khác (38,6% DN), thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh (37,3% DN).

Cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số để bắt kịp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin hầu hết trong các khâu của logistics. DN logistics cần nâng cao quy trình, công nghệ, nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực logistics. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ với những tiến bộ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được đa số DN kỳ vọng sẽ làm thay đổi ngành logistics nhiều nhất với những lợi ích hàng đầu như tăng năng suất lao động, cắt giảm chi phí, cải thiện chiến lược kinh doanh, nâng cao hiệu quả theo dõi logistics và quản lý vòng đời sản phẩm và củng cố hệ thống vận hành.... áp dụng giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics và giảm đáng kể chi phí liên quan như cảng điện tử (ePort), lệnh giao hàng điện tử (eDO), số hóa chứng từ vận tải (Invoicing and Payments), đầu tư vào ứng dụng giải pháp tổng thể trong dịch vụ logistics (Saas), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), nhà kho thông minh (Smart Warehousing)...

Chủ động tìm kiếm, liên kết với các DN quốc tế có uy tín để cùng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

Các giải pháp trên vừa là ứng phó cấp bách; vừa mang tính căn cơ lâu dài, nhằm giúp nền kinh tế Việt Nam nói chung và DN dịch vụ logistics Việt Nam nói riêng sớm vượt qua khó khăn và quay trở lại “đường ray” phát triển, hướng đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng trong tương lai.

Nguồn: Tạp chí GTVT