Dầu Diesel sinh học có thể đáp ứng nhu cầu về năng lượng(Thứ tư, 22/04/2009 00:00 GMT+7)
Công nghệ chiết xuất dầu diesel từ cây cối và dầu thải hiện đang được triển khai tại Trung Quốc có thể sẽ làm dịu bớt cơn khát năng lượng đang lên đến cực điểm hiện nay. Tại một hội nghị nghiên cứu khoa học về lâm nghiệp mới được tổ chức gần đây tại thủ phủ tỉnh Chiết Giang Trung Quốc, Wang Tao - Viện sĩ Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc (CAE) đã cho biết, họ đã thực hiệ
Công nghệ chiết xuất dầu diesel từ cây cối và dầu thải hiện đang được triển khai tại Trung Quốc có thể sẽ làm dịu bớt cơn khát năng lượng đang lên đến cực điểm hiện nay. Tại một hội nghị nghiên cứu khoa học về lâm nghiệp mới được tổ chức gần đây tại thủ phủ tỉnh Chiết Giang Trung Quốc, Wang Tao - Viện sĩ Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc (CAE) đã cho biết, họ đã thực hiện được những đột phá trong việc nghiên cứu chế tạo dầu diesel sinh học và tiến hành công nghiệp hóa nguồn nhiên liệu rẻ tiền và “xanh” này.
Một loạt các viện nghiên cứu tại Trung Quốc thông báo đã thành công trong việc sản xuất thử nghiệm một loại dầu diesel đặc biệt làm từ dầu của cây cải dầu (rape oil), dầu đậu tương, cám gạo và các cây dại khác nhau. Loại dầu này được cho là sẽ có thể thay thế cho các loại nguyên liệu hóa thạch như than đá và dầu mỏ.
Một cơ sở sản xuất dầu sinh học với công suất mỗi năm là 10.000 tấn tại Tỉnh Hainan nằm ở phía nam Trung Quốc cũng đang phát triển các sản phẩm dầu diesel sinh học. Các chuyên gia khẳng định rằng, chất lượng các sản phẩm của họ có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của Mỹ và có khả năng áp dụng cho nhiều loại động cơ khác nhau.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang kêu gọi tập trung thêm nhiều nỗ lực hơn để thúc đẩy nghiên cứu và sử dụng có hiệu quả nguồn nhiên liệu sạch này, bởi vì nó sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu của Trung Quốc. Theo các chuyên gia cho biết, dầu diesel sinh học không chỉ là một giải pháp cho sự thiếu hụt năng lượng mà nó còn có hiệu suất cao và thân thiện môi trường. Hiện nay đã cho tiến hành thử nghiệm loại dầu này cho xe tải.
Công nghệ này là thành quả thứ hai của Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc (CAAS) sau thành công trong việc chiết xuất dầu diesel từ dầu thải. Dựa trên cơ sở hai công nghệ này, CAAS hiện đang chuẩn bị thành lập một cơ sở sản xuất với công suất thiết kế là 50.000 tấn dầu. Dầu diesel sinh học có tính bôi trơn hơn dầu diesel thông thường và có thể làm giảm ô nhiễm tới 90%, theo Huang Fenghong, phụ trách chương trình nghiên cứu cho biết.
Theo ước tính, vào năm 2015, nhiên liệu sinh học có thể sẽ đáp ứng tới hơn 40% tiêu thụ năng lượng thế giới, chủ yếu thông qua con đường công nghiệp hóa sản xuất điện sinh học và nhiên liệu hóa lỏng. Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, nhu cầu năng lượng thế giới sẽ tăng 50% vào năm 2030 và hai phần ba số đó xuất phát từ các nước đang phát triển.
Theo các con số chính thức, Trung Quốc tiêu thụ hết 290 triệu tấn dầu mỏ trong năm 2004, tăng 15% so với năm trước và dầu nhập khẩu của nước này tăng 31,9% trong năm, lên đến 120 triệu tấn vào năm ngoái. Theo dự kiến, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc có thể tăng lên đến 300 triệu tấn vào năm 2010.
Theo ý kiến của Jiang Zehui, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học lâm nghiệp Trung Quốc cho biết, Trung Quốc rất giàu các nguồn tài nguyên để phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm cả các nhà máy thủy điện nhỏ và sản xuất điện từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh học. Trung Quốc còn có thể tự hào về 53 triệu hecta diện tích rừng và 54 triệu hecta đất đai và đồi núi bỏ hoang, một tiềm năng to lớn để trồng các loại cây làm nhiên liệu sinh học.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu phát triển các loại năng lượng tái tạo và thay thế dầu mỏ như năng lượng gió, năng lượng mặt trời và nhiên liệu sinh học trong giai đoạn thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006-2010). Mặc dù ngành năng lượng tái tạo còn ở giai đoạn phát triển ban đầu, nhưng Chính phủ Trung Quốc đã đề ra các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ để giúp ngành này phát triển.
Luật Năng lượng Tái tạo đã được Ủy ban Thường trực Quốc hội Trung Quốc thông qua vào tháng 2 năm nay và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2006 để tạo ra một môi trường pháp lý cho sự phát triển bền vững ngành công nghiệp còn non nớt này.
Theo Xinhua