Một số kết quả đạt được khi thực hiện dự án xây dựng đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố(Thứ tư, 03/08/2011 12:54 GMT+7)
Số lượng mô tô, xe máy tham gia giao thông rất lớn và liên quan đến đại đa số người dân là một đặc thù của Việt Nam. Vì vậy, kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tuy là việc làm cần thiết nhưng cũng là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Trong bối cảnh đó, dự án xây dựng Đề án kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố lớn đã được cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét đầy đủ các yếu tố về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế cụ thể của Việt Nam.
Số lượng mô tô, xe máy tham gia giao thông rất lớn và liên quan đến đại đa số người dân là một đặc thù của Việt Nam. Vì vậy, kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tuy là việc làm cần thiết nhưng cũng là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Trong bối cảnh đó, dự án xây dựng Đề án kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố lớn đã được cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét đầy đủ các yếu tố về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế cụ thể của Việt Nam.
Số liệu, thông tin trong dự án được cập nhật và trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy và trong quá trình xây dựng đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia hàng đầu trong nước, ngoài nước, các tổ chức quốc tế có uy tín về lĩnh vực kiểm soát khí thải phương tiện. Dự án đã tiến hành các cuộc điều tra, khảo sát quy mô lớn đối với hàng nghìn người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy tại 02 thành phố điển hình là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Việc thử nghiệm hệ số phát thải cũng được tiến hành đối với nhãn hiệu xe phổ biến hiện nay là Honda nên những kết quả đưa ra phản ảnh đúng tình hình thực tế của nước ta. Qua đó cho thấy xe mô tô, xe gắn máy là nguồn chính gây ô nhiễm không khí trên đường khi đóng góp 80-90% lượng khí thải CO và HC trong tổng lượng phát thải từ xe cơ giới. Việc bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa khắc phục những hư hỏng phát sinh trong quá trình sử dụng góp phần giảm khoảng 50% lượng khí thải độc hại, tiết kiệm 10-30% tiêu hao nhiên liệu. Mặc dù các nhà sản xuất đều có khuyến nghị về chu kỳ sửa chữa, bảo dưỡng trong quá trình sử dụng nhưng đa số người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy không ý thức được mức độ phát thải và tác hại của khí thải. Các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa chưa được trang bị thiết bị đo khí thải nên không kiểm tra, đánh giá được tác dụng của bảo dưỡng sửa chữa đến chất lượng phương tiện sau khi bảo dưỡng, sửa chữa. Việc bảo dưỡng, sửa chữa được thực hiện theo yêu cầu của khách hàng và không gắn kết với mục đích giảm khí thải. Vì vậy, cần phải có biện pháp kiểm tra kiểm soát khí thải bắt buộc trong quá trình sử dụng xe.
Kiểm soát ô nhiễm không khí nói chung cũng như kiểm soát khí thải xe cơ giới nói riêng ở nước ta bắt đầu chậm sau các nước từ 15-20 năm. Những năm đầu của thập kỷ 90, một số nước trong khu vực đã tiến hành kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Dự án đã tiến hành học tập kinh nghiệm triển khai thực tế ở Đài Loan, Thái Lan là 02 nước điển hình về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy và có những điều kiện về kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật, công nghệ tương đối phù hợp để Việt Nam học tập. Tại đây, nhóm thực hiện đã thu được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đặc biệt là các vấn đề về cơ chế, chính sách, hệ thống tổ chức, quản lý và mô hình hoạt động của các cơ sở kiểm tra.
Trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm thành công của các nước, có xét đến điều kiện thực tế tại Việt Nam, dự án đã đề xuất biện pháp chính để kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Đó là: kiểm tra khí thải định kỳ bắt buộc nhưng có lựa chọn phạm vi, đối tượng, lộ trình và bước đi phù hợp để bảo đảm xe mô tô, xe gắn máy đạt tiêu chuẩn khí thải khi tham gia giao thông. Quy mô của trạm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy nhỏ nên chi phí đầu tư không lớn, có thể bù đắp nhờ mức phí kiểm tra phù hợp, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho ngành dịch vụ kiểm tra và sửa chữa xe. Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa xe không đạt tiêu chuẩn khí thải là nhỏ so với chi phí nhiên liệu và được bù lại về kinh tế do tiết kiệm nhiên liệu. Để kiểm nghiệm thực tế nhằm hoàn thiện dự án, trong thời gian từ tháng 3-8/2008, dự án đã thành lập và triển khai hoạt động trên thực tế mô hình kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy kết hợp với đại lý dịch vụ ủy quyền của SYM-VMEP tại Hà Nội. Qua thực tế triển khai đã rút ra nhiều bài học quý báu về việc huy động nguồn lực đầu tư; về điều kiện tham gia và việc quản lý, tổ chức, giám sát hoạt động; về cơ chế, chính sách và về kỹ thuật kiểm tra khí thải, mạng máy tính và dự thảo các văn bản, quy định, hướng dẫn thực hiện.
Bên cạnh việc xây dựng Đề án, dự án đã chú trọng thông tin, tuyên truyền, lấy ý kiến cộng đồng. Các hoạt động dự án đều được chủ động thông tin, tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức Lễ phát động, chương trình kiểm tra khí thải xe miễn phí, tổ chức hội thảo, xây dựng các video clip cổ động và các phóng sự, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, đài phát thanh, báo viết, tạp chí, báo mạng) thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Đặc biệt các đề xuất trong Đề án được đưa lên diễn đàn trao đổi, lấy ý kiến cộng đồng trên mạng internet với sự tham gia của hàng chục nghìn lượt người, các ý kiến cơ bản đồng ý với chủ trương kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đặt ra trong Đề án. Kết quả, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 909/QĐ-TTg ngày 17/06/2010.
Cảnh điều tra, khảo sát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại Tp.HCM
Cùng với việc xây dựng Đề án, dự án cũng đã tiến hành xây dựng hệ thống quản lý và các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện. Dự án đã xây dựng 02 Trạm mẫu kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để tiến hành các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm quy trình, tiêu chuẩn, các quy định khác. Đây cũng là nơi tiến hành đào tạo nguồn nhân lực cho kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Các Trạm mẫu được thiết kế có mặt bằng, nhà xưởng phù hợp, được trang bị thiết bị đo khí thải, camera, hệ thống máy tính và trang bị văn phòng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy điển hình. Bên cạnh đó, dự án đã trang bị 01 hệ thống máy tính chủ và xây dựng hệ thống phần mềm kiểm tra sẵn sàng cho việc thực hiện và quản lý hệ thống đến 300 cơ sở kiểm định để triển khai giai đoạn I của Đề án tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Trạm mẫu kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại Hà Nội
Bên cạnh việc nghiên cứu, thử nghiệm tại trạm mẫu, dự án đã xây dựng dự thảo các văn bản, quy định, hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy hoàn chỉnh và biên soạn Sổ tay kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy để sẵn sàng phục vụ cho việc triển khai Đề án tại các tỉnh, thành phố. Dự án cũng xây dựng Sổ tay sử dụng mô tô, xe máy tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường với mục đích tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng phục vụ việc triển khai Đề án.
Trên đây là nội dung chính của dự án ”Xây dựng Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố lớn” do Bộ GTVT chủ trì thực hiện. Kết quả và các sản phẩm của dự án là tiền đề quan trọng để triển khai Quyết định 909/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ./.