“Flying Green”: Nhiên liệu sinh học trong hàng không dân dụng(Thứ sáu, 05/11/2010 15:27 GMT+7)
Trong ngành hàng không thế giới, hiện có nhiều dự án thay thế xăng dầu bằng nhiên liệu sinh học. Sử dụng loại nhiên liệu mới này, máy bay có thể bay nhanh hơn, xa hơn và ít gây hại cho môi trường hơn.
Trong ngành hàng không thế giới, hiện có nhiều dự án thay thế xăng dầu bằng nhiên liệu sinh học. Sử dụng loại nhiên liệu mới này, máy bay có thể bay nhanh hơn, xa hơn và ít gây hại cho môi trường hơn.
Chiếc máy bay thử nghiệm Diamond DA42 tại Triển lãm hàng không quốc tế Berlin (Ảnh: DDP)
Lần đầu tiên trong lịch sử, một chiếc máy bay cỡ nhỏ loại Diamond DA42 sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh học đã bay thử thành công mỹ mãn tại Triển lãm hàng không thế giới (ILA) ở thủ đô Berlin, CHLB Đức.
Người đề xuất dự án sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh học chiết xuất từ loài tảo để bay thử chiếc máy bay Diamond DA42 chính là nhà công nghệ sinh học Otto Pulz ở bang Brandenburg (Đông Đức).
Loại nhiên liệu sinh học mà Otto Pulz hy vọng sẽ biến cho các chuyến bay thân thiện với môi trường hơn. Theo ông, nhiên liệu sinh học sẽ dần dần thay thế xăng dầu trong ngành hàng không dân dụng thế giới.
“Vắt” nhiên liệu từ loài tảo
Khi được xem lò phản ứng sinh học chuyên “vắt sữa” tảo lấy nhiên liệu chạy máy bay của Otto Pulz, Giám đốc điều hành hãng sản xuất máy bay Airbus, ông Christian Dumas, hồ hởi nói: “Loại nhiên liệu này sẽ thay đổi luật chơi trong ngành hàng không thế giới”.
Dưới ánh sáng Mặt trời, loài tảo nhỏ xíu này chuyển hóa CO2 trong không khí thành dầu. Nhà công nghệ sinh học Otto Pulz dự kiến sẽ nuôi tảo bằng khí thải CO2 lấy từ các nhà máy nhiệt điện.
Tuy “lò phản ứng sinh học” của Otto Pulz chỉ có kích cỡ bằng một chiếc container và giới khoa học còn lâu mới có thể thỏa mãn được cơn khát nhiên liệu của ngành hàng không dân dụng thế giới, nhưng Airbus vẫn đầu tư vào dự án của Otto Pulz. Giám đốc Dumas giải thích: “Vào thời điển hiện nay, dự án này đã đi trước nhiều bước so với các dự án khác sản xuất nhiên liệu sinh học cho máy bay”.
“Lò phản ứng sinh học” của Otto Pulz
Theo những dự đoán lạc quan, đến năm 2040, nhiên liệu sinh học sẽ chiếm tới 50% tổng số nhiên liệu dùng cho ngành hàng không dân dụng thế giới. Nhiều hãng hàng không trên thế giới cũng bắt đầu tính chuyện sử dụng nhiên liệu sinh học. British Airways dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ở London.
Các hãng hàng không thừa hiểu rằng họ cần phải nhanh chóng giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Mặc dù chỉ chiếm có 2% tổng số khí thải CO2 trên toàn thế giới (chưa bằng ½ số khí thải của ngành sản xuất xi măng, nhưng công luận rất quan tâm đến ngành hàng không dân dụng vì nó trực tiếp phun khí thải vào không khí ở độ cao 10 km.
Ông Joachim Buse, quan chức phụ trách việc đưa nhiên liệu sinh học vào sử dụng trong hãng hàng không Đức Lufthansa, nói: “Chúng tôi cần một giải pháp tiên tiến và dễ ứng dụng. Trong hai năm tới, chúng tôi có kế hoạch tiến hành các cuộc thử nghiệm dài hạn cho các chuyến bay chở khách”.
Những khó khăn trước mắt
Không giống như ngành sản xuất ô tô có thể sử dụng động cơ điện, máy bay vẫn phải dựa vào động cơ đốt trong và người ta không thể nào dùng động cơ điện để nâng “một con chim sắt khổng lồ” nặng tới 300 tấn lên không trung.
Việc chuyển sang sử dụng nhiên liệu sinh học trong ngành hàng không dân dụng cũng không mấy dễ dàng. Mỗi năm, ngành hàng không dân dụng thế giới tiêu thụ tới 200 triệu tấn nhiên liệu, trong khi lượng nhiên liệu sinh học được chiết xuất từ loài tảo chỉ đạt 10.000 tấn và chủ yếu được dùng trong ngành mỹ phẩm.
Nếu sử dụng công nghệ hiện nay, các “lò phản ứng sinh học” phải chiếm một diện tích tới 68.000 km vuông, tương đương với diện tích của Cộng hòa Ireland, thì mới cung cấp đủ nhiên liệu sinh học chiết xuất từ loài tảo cho ngành hàng không dân dụng.
Không muốn lặp lại những sai lầm của ngành sản xuất ô tô, ngành hàng không dân dụng không muốn sử dụng nhiên liệu sinh học làm từ các loại thực phẩm như ngô, đậu nành…hay từ tình trạng phá rừng ồ ạt. Ngành này tập trung đầu tư nghiên cứu việc chiết xuất nhiên liệu sinh học từ tảo, cây dầu gai hoặc các cây cho dầu sống được ở những vùng ngập mặn.
Trồng cây dầu gai ở Ấn Độ (Ảnh: AP)
Loại nhiên liệu chiết xuất từ tảo hiện đang ở trong quá trình thẩm tra nghiêm ngặt. Nhà hóa học Clemens Naumann của Viện công nghệ động cơ đốt trong Stuttgart (Đức) cho biết: “Trong quá trình tinh lọc, dầu tảo có những phẩm chất tương đương với dầu lửa thông dụng”.
Không những thế, nhiên liệu sinh học lấy từ loài tảo thân thiện với môi trường hơn và cung cấp năng lượng nhiều hơn nhiên liệu máy bay thông thường tới 10%. Trong một chuyến bay thử nghiệm hồi cuối tháng 12/2008, Air New Zealand đã pha trộn nhiên liệu làm từ dầu Jatropha và nhiên liệu máy bay thông dụng với tỷ lệ 50-50 và thu được kết quả rất khả quan: hiệu suất sử dụng năng lượng cao hơn và giảm đáng kể lượng khí thải CO2.
Như vậy, các bay bay chở khách hiện nay có thể bay nhanh hơn, xa hơn một khi sử dụng loại nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường.
Hangntt (Theo Xaluan)