London sẽ thu phí phương tiện phát thải cao trên toàn thành phố(Thứ tư, 09/03/2022 11:25 GMT+7)

Chính quyền thành phố London đề xuất phương án mở rộng phạm vi thu phí phương tiện phát thải cao ra toàn bộ thành phố.


Thị trưởng London tin rằng ông có thể buộc các tài xế gây ô nhiễm phải trả tiền trước khi kết thúc nhiệm kỳ 2 vào tháng 5/2024 - Ảnh The Guardian

Thị trưởng London tin rằng ông có thể buộc các tài xế gây ô nhiễm phải trả tiền
trước khi kết thúc nhiệm kỳ 2 vào tháng 5/2024 - Ảnh The Guardian

Các tài xế điều khiển xe chạy động cơ xăng và dầu diesel tại thủ đô London, Anh có thể đối mặt khả năng bị tính phí cho mọi hành trình di chuyển kể từ năm 2024. Đây là nội dung kế hoạch môi trường mới đưa ra của chính quyền thành phố, nhằm cắt giảm 27% lưu lượng ô tô, hướng tới cải thiện chất lượng không khí và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030.

Ông Sadiq Khan, thị trưởng London cho biết, ô nhiễm không khí và tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu là ‘một vấn đề nhức nhối đối với công bằng xã hội’. 

Ông Khan yêu cầu Sở Giao thông vận tải London sớm xây dựng phương án tính phí đường bộ mới bằng cách tính thời gian, khoảng cách các phương tiện chạy động cơ diesel di chuyển. Dù nhận định, sẽ cần ‘nhiều loại công nghệ phức tạp hơn’ để thực hiện cách tính phí này, song thị trưởng London tin rằng ông có thể buộc các tài xế gây ô nhiễm phải trả tiền trước khi kết thúc nhiệm kỳ 2 vào tháng 5/2024: “Báo cáo môi trường mới đây là lời cảnh tỉnh rõ ràng về sự cần thiết phải hỗ trợ nhiều hơn nữa để giảm lượng khí thải carbon ở London. Quy mô những thách thức này cho thấy chúng ta không thể hành động đơn lẻ. Tôi cũng không muốn chờ đợi khi thực tế chúng ta có thể làm tốt hơn, để tạo sự khác biệt. Đơn giản là chúng ta không có thời gian để lãng phí”.

London lần đầu đưa ra mức phí chống tắc nghẽn giao thông theo ngày vào năm 2003, nhằm giảm lưu lượng phương tiện và khí thải ở khu vực trung tâm. Theo đó, ô tô đi vào nội đô bị tính phí hơn 12 bảng/ngày, áp dụng từ 6h đến 19h các ngày làm việc trong tuần, trừ thứ 7, Chủ nhật. 

Từ tháng 6/2020, mức phí này tăng lên gần 15 bảng, áp dụng từ 7h đến 22h tất cả các ngày, trừ dịp lễ Giáng sinh. Theo quy định, những xe chạy hoàn toàn bằng điện hoặc động cơ hydro trước mắt sẽ được miễn phí. 

Giao thông trong giờ cao điểm ở Greenwich, đông nam London - Ảnh Dailymail

Giao thông trong giờ cao điểm ở Greenwich, đông nam London - Ảnh Dailymail

Theo Thị trưởng Sadiq Khan, ô nhiễm không khí đang cao đến mức mọi người được khuyến cáo không nên tập thể dục ngoài trời. Do đó, cách tính phí tắc nghẽn ở khu vực trung tâm và thiết lập vùng phát thải cực thấp hiện không còn phù hợp mà cần mở rộng ra toàn thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến ủng hộ từ các nhóm vận động môi trường, nhiều tổ chức ô tô cảnh báo, đề xuất của ông Khan có thể ‘giáng đòn trừng phạt’ lên chính những tài xế nghèo, những người phụ thuộc vào chiếc xe để kiếm cơm, bởi chỉ 2% phương tiện giao thông ở London chạy bằng điện.

Ông Hugh Bladon, thuộc Hiệp hội tài xế Anh cho rằng, đề xuất này là ‘thái quá’ và mức độ giám sát mà kế hoạch đưa ra là ‘hoàn toàn không thể chấp nhận’.

Trong khi đó ông Tony Devenish, thành viên Hội đồng bảo thủ London cáo buộc, thay vì nghĩ tới người nghèo, ông Khan đang cố gắng biến London trở thành nơi mà ‘chỉ những người giàu mới có thể lái xe’: “Biến đổi khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng nhưng ông ấy đang làm chuyện ngược đời. Những người lao động như thợ sửa ống nước không thể đi vòng quanh London với các dụng cụ sau xe đạp. Vì vậy trong khi chưa có các điểm sạc xe điện trên mọi con phố, xe động cơ diesel vẫn là lựa chọn duy nhất’.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Nicholas Lyes, Trưởng ban Chính sách đường bộ và các vấn đề công cộng Anh nhận định, các chính sách nên tập trung vào việc giúp người dân sở hữu được xe điện chứ không phải trừng phạt những người không có khả năng mua chúng: “Tất cả chúng ta đều muốn không khí trong lành và các phương tiện sạch hơn trên đường và đúng là thị trưởng có tham vọng giảm khí thải từ giao thông đường bộ. Tuy nhiên đề xuất này có thể vượt quá khả năng của nhiều người và sẽ trừng phạt những người không có khả năng mua một chiếc ô tô điện”.

Theo ông Lyes, khảo sát cho thấy, chưa đến 1/3 tài xế ở London mong muốn chuyển sang sử dụng xe điện trong vòng 5 năm tới. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng không thể cam kết thay thế hoàn toàn đội xe buýt hiện tại bằng xe không phát thải từ nay đến năm 2037.

Ngoài ra, đề xuất tính phí phương tiện bên ngoài đi vào London có thể ảnh hưởng nặng nề tới người lao động, như các nhân viên chăm sóc sức khỏe, tiểu thương hay nhân viên làm việc ban đêm, những người không có giải pháp thay thế nào trong việc sử dụng phương tiện giao thông.

Tại Việt Nam, Sở Giao thông vận tải Hà Nội mới đây khởi động Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”. Còn, Sở Giao thông vận tải TP. HCM cũng có văn bản gửi UBND TP, đề xuất thực hiện lập dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố (quận 1, 3).

Về tính hiệu quả của đề án, các Sở GTVT kỳ vọng sẽ giảm 20% lượng xe ô tô cá nhân vào nội thành, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Khi số lượng phương tiện vào nội thành giảm thì khí thải và ô nhiễm môi trường cũng sẽ giảm.

Trong khi đó, chiến lược phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1168 đã xác định rõ “Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình phê duyệt” và “phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông”.

P.V