New Zealand bắt đầu vận hành hệ thống tái chế lốp xe khép kín(Thứ tư, 04/09/2024 08:22 GMT+7)
Ngày 01/9, hệ thống tái chế lốp xe tại New Zealand đã chính thức được vận hành hoàn chỉnh để các nhà sản xuất, cung cấp có trách nhiệm hơn khi bán lốp xe và người tiêu dùng cũng dễ dàng hơn khi mang các lốp xe đi tái chế, giảm rác thải độc hại ra môi trường.
Sau một thời gian từng bước đưa vào thử nghiệm, ngày 1/9, hệ thống tái chế lốp xe khép kín tại New Zealand có tên gọi là Tyrewise bắt đầu vận hành hoàn chỉnh từ khâu thu thập đến xử lý và tái chế lốp xe thành các vật dụng hữu ích.
Theo đó, từ ngày hôm nay, người dân New Zealand không cần phải trả tiền để có thể tái chế lốp xe đã qua sử dụng.
Lốp xe cũ được vứt bừa bãi tại bãi cảng Waitermata ở New Zealand.
Nguồn: Nikki Mandow
Mỗi ngày người dân có thể mang tối đa 5 lốp xe đã qua sử dụng đến các địa điểm tiếp nhận như là các cửa hàng bán lốp xe hay các cơ sở thu thập lốp xe để lốp xe được mang đi tái chế mà không phải trả bất kỳ chi phí nào. Sau đó, Tyrewise sẽ thu lại các lốp xe này và trả tiền cho các cơ sở thu thập lốp xe.
Nguồn tài chính để Tyrewise chi trả cho các cơ sở thu thập lốp xe được trích từ chi phí tái chế lốp xe mà người mua lốp xe đã đóng khi mua lốp xe mới tương đương khoảng 6,65 NZD chưa bao gồm thuế với các lốp xe nặng trung bình 9,5kg. Đồng thời, chính phủ New Zealand cũng cung cấp 1,2 triệu NZD để giúp Tyrewise thực hiện công việc này.
Theo Bộ trưởng Môi trường New Zealand Penny Simmonds, mỗi năm nước này nhập khẩu khoảng 6,5 triệu lốp xe, tuy vậy chỉ khoảng 40% trong số này được tái chế hoặc xuất khẩu và phần còn lại được chuyển đến các bãi rác, được tích trữ hoặc bị vứt bừa bãi. Lốp xe làm từ cao su vì thế có thể tái chế thành các sản phẩm có thể tái sử dụng như thành cao su nghiền hoặc phụ gia nhựa đường…nên nếu không tái chế thì không chỉ tạo ra khối lượng rác thải khổng lồ mà còn gây lãng phí lớn.
Tuy nhiên, trước đây, tại New Zealand, nếu muốn tái chế lốp xe thì người dân phải trả một khoản phí và khoản phí này do từng cơ sở xác định nên không thống nhất và khiến nhiều người không muốn mang lốp xe tới các cơ sở này. Sự ra đời của hệ thống tái chế lốp xe hoàn chỉnh không chỉ chấm dứt việc thu tiền tái chế từ những người sở hữu lốp xe cũ mà còn gắn trách nhiệm của tất cả các bên liên quan vào chu trình này trong lúc mang lại các lợi ích không nhỏ về kinh tế và xã hội.
Theo Vov.vn