Kiểm soát chất thải trong hoạt động vận tải(Thứ ba, 28/05/2013 07:54 GMT+7)
Hoạt động vận tải là một trong những lĩnh vực chính của ngành GTVT, tuy nhiên trong quá trình hoạt động, lĩnh vực này cũng đã gây ra các tác động đến môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường nước.
Hoạt động vận tải là một trong những lĩnh vực chính của ngành GTVT, tuy nhiên trong quá trình hoạt động, lĩnh vực này cũng đã gây ra các tác động đến môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường nước.
Khí thải của phương tiện vận tải trong đó đáng lưu ý là khí thải từ phương tiện cơ giới đường bộ với thành phần là bụi, CO, HC tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Phát thải của các phương tiện cơ giới đường bộ phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng xe và chất lượng nhiên liệu được sử dụng. Ngoài ra, trong quá trình vận tải vẫn còn hiện tượng thải rác sinh hoạt của hành khách trực tiếp ra môi trường. Hoạt động này có thể gây ô nhiễm mùi, mất mỹ quan và mất vệ sinh môi trường nghiêm trọng trên các tuyến giao thông, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe của cộng đồng trong đó đáng lưu ý là chất thải từ các tàu sông, tàu biển và đoàn tàu. Trên các con tàu và đoàn tàu địa phương, phần lớn người đi tàu tiện tay vứt rác, xả thải xuống sông, biển và 2 bên đường sắt. Hàng hóa bốc xếp lên các cảng, bến thủy do không thể chuyển đi trong thời gian ngắn vì vậy nó được lưu trữ lại tại các bãi. Các bến, bãi thường không có mái che hay vật liệu để che chắn, hàng hóa được giữ ngoài bãi thường là hàng rời, vật liệu xây dựng như: cát, đá, than, quặng, gỗ , phân bón... vì vậy khi có gió sẽ làm cuốn theo bụi cát, mạt đá, than, quặng đi xa, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống khu vực xung quanh.
Nguồn gây tiếng ồn chủ yếu là từ hoạt động của phương tiện giao thông dọc các đường phố chính tại các thành phố lớn; dọc các tuyến đường sắt và tại một số cảng hàng không sân bay nằm trong nội đô.
Tác động đến môi trường nước trong lĩnh vực vận tải là mối đe dọa về ô nhiễm môi trường vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam do gia tăng lượng nước thải, chất thải rắn và các chất thải độc hại khác từ nước la canh, nước dằn, nước rửa tàu, nước thải chứa dầu và các hoá chất độc hại khác, đặc biệt là sự cố tràn dầu. Các loại chất thải này thường bị phát tán đi nhiều nơi do sự di chuyển của tàu và do dòng chảy. Bên cạnh đó, khi trời mưa cũng sẽ làm hàng hóa được lưu giữ tại các cảng, bến bị cuốn xuống dòng nước gây ô nhiễm môi trường nước.
Tại các các cảng hàng không, sân bay đều chưa có hệ thống xử lý nước thải chung cho toàn cảng hàng không. Hệ thống thoát nước thải của các cảng hàng không hiện vẫn còn chắp vá, chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Đây là nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường nước khu vực lân cận.
Ngoài ra, môi trường đất và trầm tích tại các khu vực cảng, bến cảng biển đều có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng. Hàm lượng dầu trong đất cũng khá cao tại các vùng đất bến cảng. Điều này có liên quan đến dầu rò rỉ từ các bồn chứa, rơi vãi trong quá trình xếp dỡ và hoạt động của các tàu ra vào cảng. Tài nguyên đất ở khu vực dọc hai bên tuyến đường sắt cũng có hiện tượng bị ô nhiễm do rỉ sắt và kim loại từ các đường ray, do dầu máy bị rò rỉ và do chất thải từ hành khách đi tàu. Ngoài ra, một số nghiên cứu khoa học còn cho thấy khí thải từ các phương tiện vận tải cũng tác động lớn đến môi trường đất và năng suất cây trồng đối với những khu vực dọc hai bên đường bộ và đường sắt. Bên cạnh đó trong các hoạt động hàng không cũng ảnh hưởng đến con người do tác động của điện từ trường và bức xạ ion hóa, nguồn phát sinh các tác động này là từ hoạt động của thiết bị điều hành bay, rada, đài dẫn đường, mạng thông tin có công suất lớn, hoạt động của các thiết bị sử dụng Xray trong việc soi chiếu hành lý, hàng hóa cũng như kiểm tra hỏng hóc, khuyết tật của tàu bay… tại khu vực các cảng hàng không, sân bay.
Nhằm giảm bớt sự ảnh hưởng của hoạt động vận tải đến môi trường, từ năm 2006, Bộ GTVT đã tập trung triển khai Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện cơ giới đường bộ để quản lý, kiểm soát nguồn khí thải do hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây ra ở cấp quốc gia, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm không khí, góp phần cải thiện môi trường nói chung và môi trường không khí đô thị nói riêng. Cụ thể: đã thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe cơ giới đã qua sử dụng nhập khẩu từ 01/7/2006; Kiểm tra khí thải đối với ôtô đang lưu hành tại 05 thành phố: Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ từ ngày 01/7/2006 và đối với ôtô đang lưu hành tại các tỉnh, thành phố còn lại từ ngày 01/7/2008; Áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải Euro 2 từ ngày 01/07/2007 đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Do đó, từ năm 2007 đến nay, đội ngũ xe cơ cơ giới được đưa mới vào tham gia giao thông tại Việt Nam có chất lượng cao hơn, giảm mức độ phát thải khí thải độc hại vào môi trường không khí.
Cuối năm 2009, Trung tâm thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Trung tâm NETC) đã được đưa vào vận hành để thực hiện thử nghiệm, kiểm tra theo mức tiêu chuẩn khí thải Euro 2 đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới đã góp phần kiểm soát khí thải tại nguồn đối với phương tiện cơ giới đường bộ. Với 106 Trung tâm đăng kiểm phân bố khắp cả nước thực hiện việc kiểm tra khí thải định kỳ đối với xe ôtô đang lưu hành đã góp phần kiểm soát, hạn chế lượng khí thải độc hại phát sinh vào không khí.
Với loại hình dịch vụ hỗ trợ vận tải gồm Bến xe, trạm dừng nghỉ, dịch vụ sửa chữa theo qui định tại Điều 29, 39 của Nghị định 29/2011/NĐCP ngày 18/04/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường: thì loại hình kinh doanh này trong quá trình hoạt động phải thực hiện Bản cam kết BVMT hoặc Đề án bảo vệ môi trường (DABVMT). Trong năm 2012 vừa qua, Bộ GTVT đã tiến hành nghiên cứu lồng ghép các nội dung về BVMT vào nội dung Thông tư số 49/2012/TT-BGTVT ngày 12/12/2012 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Bến xe khách (QCVN45:2012/BGTVT).
Trong lĩnh vực vực hàng hải và thủy nội địa Bộ đã tiến hành kiểm tra, cấp và xác nhận giấy chứng nhận về bảo vệ môi trường đối với tàu biển và phương tiện thủy nội địa. Việc kiểm tra, cấp và xác nhận giấy chứng nhận về bảo vệ môi trường đối với tàu biển và phương tiện thủy nội địa theo các Công ước quốc tế và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngăn ngừa ô nhiễm thông qua mạng lưới 25 Chi cục đăng kiểm trên cả nước và các cơ quan đăng kiểm nước ngoài có hợp tác với Đăng kiểm Việt Nam đã góp phần kiểm soát các loại chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động của loại hình phương tiện giao thông này.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã triển khai nghiên cứu và tổ chức thí điểm quản lý chất thải trong quá trình hoạt động vận tải của tất cả các lĩnh vực như triển khai khảo sát, đánh giá, xây dựng quy trình thu gom, xử lý nước thải lẫn dầu từ tàu tại nhóm cảng biển số 1, thí điểm tại cảng biển Quảng Ninh; xây dựng quy trình thu gom, phân loại, quản lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại tại các cảng hàng không; Đánh giá hiện trạng phát sinh, quản lý, xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng từ tàu bay tại các cảng hàng không của Việt Nam và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng quản lý chất thải rắn, chất thải lỏng từ tàu bay; Xây dựng mô hình tổ chức, quản lý rác thải do vận tải khách đường bộ và ứng dụng thí điểm trên tuyến vận tải đường dài liên tỉnh; Tổ chức khảo sát, đánh giá, xây dựng bản đồ ô nhiễm tiếng ồn do hoạt động giao thông tại các tuyến giao thông trọng yếu khu vực tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; Xây dựng phương án, quy trình thu gom, xử lý bụi, chất thải do hoạt động của cảng đường thủy nội địa và tổ chức thí điểm tại cảng đường thủy nội địa Ninh Phúc, Ninh Bình; Triển khai dự án thiết kế, lắp đặt hệ thống thiết bị vệ sinh tự hoại trên các toa xe đường sắt (dự kiến cuối năm 2013 thử nghiệm thiết bị vệ sinh trên 02 toa xe khách hoạt động theo công nghệ sinh học, không dùng nước của Công ty Chodai, Nhật Bản); Phân bố lịch bay tương đối đều trong ngày để tránh thời gian cao điểm, tập trung nhiều tàu bay, trang thiết bị mặt đất. Các máy soi chiếu hành lý, hàng hóa mới lắp đặt đều được đánh giá tác động môi trường để trình Cục An toàn bức xạ, Bộ Khoa học công nghệ cấp phép hoạt động. Đầu tư đổi mới và hiện đại hoá đội tàu bay nhằm thực hiện các sáng kiến của ICAO về vấn đề môi trường và năng lượng, ủng hộ cộng đồng quốc tế tiếp tục giải quyết vấn đề giảm khí thải của ngành hàng không.
MT