Tổng cục ĐBVN đề nghị điều chỉnh xe khách liên tỉnh đi đường Hồ Chí Minh(Thứ sáu, 20/01/2012 08:04 GMT+7)

Dự kiến, bắt đầu từ ngày 1/2/2012, Sở GTVT các tỉnh, thành phố sẽ thực hiện lựa chọn 30% xe vận tải khách tuyến cố định từ 300 – 1000 km tuyến Bắc Nam đi đường Hồ Chí Minh.

Dự kiến, bắt đầu từ ngày 1/2/2012, Sở GTVT các tỉnh, thành phố sẽ thực hiện lựa chọn 30% xe vận tải khách tuyến cố định từ 300 – 1000 km tuyến Bắc Nam đi đường Hồ Chí Minh.

Lộ trình mới

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT tại Công văn số 8529/BGTVT-VT ngày 15/12/2011 về việc triển khai thực hiện giai đoạn 1 tổ chức khai thác hiệu quả đường HCM. Đồng thời để phục vụ cho việc nâng cấp, cải tạo, giảm ùn tắc cho QL1, Tổng cục ĐBVN vừa có công văn đề nghị các Sở GTVT các tỉnh, thành phố thực hiện lựa chọn 30% xe vận tải khách tuyến cố định từ 300 - 1.000km tuyến Bắc Nam đi lên đường HCM.

Theo như công văn này thì các doanh nghiệp vận tải hành khách thuộc 22 Sở GTVT,  hiện đang hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định có hành trình đi qua đoạn tuyến Hà Nội - QL1A - thành phố Vinh có bến đi từ các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc, Hà Nội và bến đến từ thành phố Vinh trở vào phía Nam có cự ly từ 300km đến 1.000km: Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Đà Nẵng, Điện Biên, Hà Nội, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái sẽ thực hiện lự chọn 30% xe vận tải hành khách tuyến cố định.

Cụ thể, hành trình mới như sau:

Xe khách có điểm xuất phát và điểm đến tại các tỉnh Tây Bắc (Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái) sẽ đi theo hướng tuyến mới:

Hướng QL6: Xuân Mai - Thái Hòa (đường HCM) - Thịnh Mỹ - Yên Lý (QL 48) - TP. Vinh (QL1) và ngược lại.

Hướng QL32, 32C: Cầu Trung Hà - Tây Đằng - Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Thái Hòa (đường HCM) - Thịnh Mỹ - Yên Lý (QL48) - TP. Vinh (QL1) và ngược lại.

Hướng QL2, 70: Cầu Thăng Long - Đường Phạm Văn Đồng - Đường Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long - Hòa Lạc - Xuân Mai - Thái Hòa (đường HCM) - Thịnh Mỹ - Yên Lý (QL48) - TP. Vinh (QL1) và ngược lại.

Xe khách có điểm xuất phát và điểm đến tại các tỉnh Đông Bắc (Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Cao Bằng, Vĩnh Phúc) theo hướng tuyến mới:

Hướng QL3: Nút giao Phủ Lỗ (QL3 và QL18) - Thăng Long - Nội Bài - cầu Thăng Long – đường Phạm Văn Đồng – đường Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long - Hòa Lạc - Xuân Mai - Thái Hòa (đường HCM) - Thịnh Mỹ - Yên Lý (QL48) - TP. Vinh (QL1) và ngược lại.

Hướng QL1A cũ: TP. Bắc Ninh - Nội Bài - Cầu Thăng Long - đường Phạm Văn Đồng – đường Phạm Hùng – Đại lộ Thăng Long – Hòa Lạc - Xuân Mai - Thái Hòa - Thịnh Mỹ - Yên Lý (QL48) - TP. Vinh (QL 1) và ngược lại.

Hướng QL1B mới: Cầu Phù Đổng - cầu Thanh Trì - cầu vượt Vành đai III - đường Nguyễn Xiển - đường Khuất Duy Tiến - Đại lộ Thăng Long - Hòa Lạc - Xuân Mai - Thái Hòa (đường HCM) - Thịnh Mỹ - Yên Lý (QL48) - TP. Vinh (QL1) và ngược lại.

Xe khách có điểm xuất phát và điểm đến tại các bến xe tại Hà Nội đi/đến phía Nam, theo hướng tuyến mới:

Hướng Bến xe Giáp Bát, bến xe nước Ngầm: Đường Giải Phóng - cầu vượt Vành đai III - đường Nguyễn Xiển - đường Khuất Duy Tiến - Đại lộ Thăng Long - Hòa Lạc - Xuân Mai - Thái Hòa (đường HCM) - Thịnh Mỹ - Yên Lý (QL48) - TP. Vinh (QL1) và ngược lại.

Hướng bến xe Mỹ Đình: Đường Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long - Hòa Lạc - Xuân Mai - Thái Hòa (đường HCM) - Thịnh Mỹ - Yên Lý (QL48) - TP. Vinh (QL1) và ngược lại.

Hướng bến xe Yên Nghĩa: theo QL6 đến Xuân Mai - Thái Hòa (đường HCM) - Thịnh Mỹ - Yên Lý (QL48) - TP. Vinh (QL1) và ngược lại.

Hướng bến xe Lương Yên: Đường Nguyễn Khoái - cầu vượt Vành đai III - đường Nguyễn Xiển - đường Khuất Duy Tiến - Đại lộ Thăng Long - Hòa Lạc - Xuân Mai - Thái Hòa (đường HCM) - Thịnh Mỹ - Yên Lý (QL 48) - TP. Vinh (QL 1) và ngược lại.

Quãng đường dài, thời gian di chuyển ngắn

Ông Nguyễn Văn Quyền – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết: “Việc phân luồng một số phương tiện từ hướng QL1A sang đường HCM đoạn Hà Nội – Vinh nhằm triển khai thực hiện giai đoạn 1 khai thác hiệu quả đường HCM và giảm tải cho QL1. Đi theo hành trình mới sẽ dài hơn 60km nhưng các phương tiện sẽ tăng được tốc độ lưu thông, rút ngắn thời gian và giảm chi phí qua các trạm thu phí”.

Cụ thể, theo báo cáo so sánh chi phí hoạt động vận tải theo QL1 và đường HCM đoạn Hà Nội – Vinh của Tổng Cục Đường bộ VN, hành trình mới dài hơn 60km tuy nhiên thời gian di chuyển lại ngắn hơn. Với xe con và xe khách thời gian tiết kiệm hơn từ 60 – 116 phút; xe tải nhẹ và xe tải hạng trung tiết kiệm từ 37 – 57 phút. Chỉ có xe tải hạng nặng di chuyển trên đường HCM đoạn Hà Nội – Vinh có thời gian tiết kiệm không đáng kể so với đường QL1A.

Tổng Cục đường bộ tính toán chi phí cho 290km lưu thông trên QL1A đoạn Hà Nội – Vinh đối với các loại phương tiện xe con, xe tải, xe khách dao động từ 35.000 – 1.280.000 đồng. Hai loại phương tiện phải gánh nhiều chi phí nhất đi qua tuyến này chính là xe tải nặng 3 trục và trên 4 trục. Trong khi đó phương án đi qua đường HCM có ưu điểm là không có trạm thu phí.

 
Đinh Liên