Đồng Nai: Huy động các nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông (Thứ hai, 06/02/2012 08:10 GMT+7)
Từ nay đến năm 2015, tỉnh Đồng Nai sẽ đầu tư nâng cấp 15 tuyến đường tỉnh, 6 tuyến đường thủy nội địa và 2 cầu đường bộ với tổng kinh phí dự toán trên 11 nghìn tỷ đồng.
Từ nay đến năm 2015, tỉnh Đồng Nai sẽ đầu tư nâng cấp 15 tuyến đường tỉnh, 6 tuyến đường thủy nội địa và 2 cầu đường bộ với tổng kinh phí dự toán trên 11 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh có khả năng cân đối là gần 5 nghìn tỷ đồng. Phần còn lại sẽ được giải quyết theo hình thức BOT, BT và vốn huy động xã hội hóa.
Ngành Giao thông vận tải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh, trong vùng và các bộ, ngành Trung ương để thực hiện tốt công tác quy hoạch hệ thống giao thông ở Đồng Nai. Ngành chủ động tìm kiếm, huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước, đồng thời nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong quản lý xây dựng cơ bản; phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương để đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai: tính đến nay, toàn tỉnh đã phát triển trên 6,5 nghìn km đường, bao gồm 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 244 km. Tỉnh quản lý hệ thống đường giao thông gồm 20 tuyến với tổng chiều dài trên 372 km, trong đó đã trải nhựa được tới 95%; cùng với đó, hệ thống đường đô thị, đường huyện có tổng chiều dài hơn 1,5 nghìn km, cũng đã trải được 55% nhựa và hệ thống đường xã, phường, thị trấn là gần 4 nghìn km, đã trải nhựa được 28%. Ngoài ra, hệ thống đường cao tốc, đường liên cảng, tuyến tránh các khu đô thị đang được triển khai thực hiện, kết nối với các khu công nghiệp, cảng và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, những công trình giao thông trọng điểm do Trung ương quản lý sẽ tiếp tục được triển khai và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện để đưa vào sử dụng, kịp thời phục vụ cho sự phát triển kinh tế của cả vùng. Đó là các đường cao tốc và tuyến vành đai liên vùng sẽ được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác gồm: các tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Đà Lạt, Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành; cầu đường quận 9 sang Nhơn Trạch; đường vành đai 4 liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; hoàn tất quốc lộ 51, quốc lộ 20 và quốc lộ 1, tuyến tránh thành phố Biên Hòa, đường tránh thị xã Long Khánh. Sự hình thành các tuyến cao tốc, đường vành đai nói trên sẽ rút ngắn hành trình từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đi Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời sẽ thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh của thành phố Hồ Chí Minh, như: Long Thành, Nhơn Trạch, Gò Dầu (Đồng Nai), Phú Mỹ (Bà Rịa- Vũng Tàu)../
Kiều Anh( tổng hợp)