Phát triển phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường(Thứ tư, 06/10/2010 10:54 GMT+7)
Hệ thống giao thông vận tải bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh là mục tiêu chiến lược và lâu dài chúng ta cần hướng tới.
Hệ thống giao thông vận tải bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh là mục tiêu chiến lược và lâu dài chúng ta cần hướng tới; việc hợp lý hoá công tác tổ chức giao thông, nghiên cứu ứng dụng các loại hình vận tải tiên tiến kết hợp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và kiểm soát được nguồn gây ô nhiễm môi trường do các phương tiện cơ giới gây ra trong hoạt động giao thông vận tải có ý nghĩa quan trọng. Trong phạm vi của bài viết này, tôi chỉ nêu riêng, ngắn gọn một vài ý kiến về những vấn đề cần triển khai cho giao thông vận tải, hướng phát triển các phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường và với Thủ đô Hà Nội của chúng ta.
Một là: Chính sách phát triển Giao thông vận tải bền vững, thân thiện với môi trường.
Giao thông vận tải là bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước và hỗ trợ nhiều hoạt động khác nhau của con người. Tuy nhiên, giao thông vận tải cũng là một nguồn phát thải chất gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và cũng là một yếu tố gây nên hiệu ứng khí nhà kính tác động tới biến đổi khí hậu toàn cầu.
Vấn đề quy hoạch đô thị, phát triển hệ thống giao thông vận tải hợp lý, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả luôn có sự gắn kết hữu cơ với nhau trong chiến lược phát triển, quản lý giao thông vận tải của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Cần xây dựng thành tiềm thức về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân khi tham gia giao thông. Bên cạnh chiến lược phát triển và quản lý giao thông vận tải thì việc hoàn thiện các giải pháp, cơ chế chính sách nhằm nâng cao nhận thức, tạo thói quen bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng trong công tác vận tải, trong giao thông của cộng đồng dân cư có thể coi là mục tiêu chính cần đạt được trong thời gian tới.
Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải về Môi trường và Năng lượng toàn cầu (MEET) diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản năm 2009 với sự tham gia của đại diện từ 21 nước và 9 tổ chức quốc tế, trong đó có Việt Nam đã thông qua tuyên bố hành động vì mục tiêu lâu dài phát triển hệ thống giao thông ít phát thải khí nhà kính, ít gây ô nhiễm và khuyến khích các nước thực hiện, với các tiêu chí cơ bản sau:
1. Tiếp cận đồng bộ, toàn diện trong chiến lược giao thông vận tải quốc gia đối với các phương thức vận tải, các loại phương tiện giao thông, sử dụng nhiên liệu tiết kiệm và hiệu quả, phát triển nhiên liệu sạch;
2. Quản lý tối ưu nhu cầu vận tải, phát triển vận tải công cộng; Thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân;
3. Khuyến khích nghiên cứu, phát triển, triển khai (RD&D), chuyển giao các giải pháp công nghệ tiên tiến, hệ thống giao thông thông minh, xe thông minh trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông vận tải (ITS, Smart Car...).
Hoạt động của ngành giao thông vận tải với đặc thù có tính xã hội cao, việc quản lý cũng hết sức đa dạng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Tính hoàn thiện của kết cấu hạ tầng; chất lượng phương tiện; phương pháp tổ chức khai thác vận tải, điều tiết giao thông kết hợp với giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng; và một điểm rất quan trọng nữa là ý thức của người tham gia giao thông.
Chính vì vậy mà các nhà hoạch định chính sách của nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tìm cách phát triển các phương thức vận tải tối ưu, các loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường để từng bước giảm phát thải chất gây ô nhiễm không khí và khí nhà kính từ hoạt động giao thông vận tải.
Từ nay đến năm 2020 cần phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng, nhất là giao thông đô thị; đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông đô thị từ 16 ÷ 26%. Đối với các thành phố lớn, phát triển mạnh hệ thống xe buýt thân thiện với môi trường; nhanh chóng đầu tư xây dựng các tuyến vận tải công cộng nhanh, khối lượng lớn tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để đạt tỷ lệ đảm nhận vận tải khách công cộng 35 ÷ 45%; tiến tới kiểm soát được tốc độ gia tăng của xe máy, xe ô tô con cá nhân trên cơ sở đồng thuận và tự nguyện.
Qua đó, chúng ta đã thấy rõ ý nghĩa của vấn đề quy hoạch, phát triển giao thông hợp lý, trong đó có việc phát triển các phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường sẽ mang lại hiệu quả to lớn, thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Hai là: Phát triển phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường
Thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật người khuyết tật thì chính sách phá triển phương tiện giao thông văn minh, tiện nghi, ít phế thải, thân thiện với môi trường đã được quan tâm và đưa vào chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các loại hình vận tải và phương tiện giao thông thân thiện với môi trường được quan tâm theo hướng:
1. Đổi mới tổ chức khai thác vận tải tối ưu, cải thiện giao thông đô thị
Đây là chủ đề rất quan trọng, việc phát triển vận tải từng bước hiện đại với chi phí hợp lý, an toàn, giảm thiểu tác động môi trường và tiết kiệm năng lượng; cần sớm ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức; nhanh chóng đổi mới phương tiện vận tải có hiệu suất khai thác sử dụng cao, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế ô nhiễm môi trường. Chú trọng hoàn thiện hệ thống dịch vụ vận tải đối ngoại, trước hết là vận tải hàng không, đường sắt nhằm tăng cường khả năng giao lưu và tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế, phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường.
Trước hết, cần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải khách công cộng trong nội đô và khu vực liền kề; nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn phương tiện vận tải khách công cộng phù hợp đặc thù của từng tỉnh, thành phố với tiêu chí thân thiện với môi trường, đáp ứng tiện nghi và bảo đảm yêu cầu của người tham gia giao thông; rà soát, tổ chức mạng vận tải khách công cộng hợp lý, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho nhân dân; kết hợp với việc sử dụng loại phương tiện vận tải bằng xe buýt có hàm lượng phát thải tối thiểu thì chúng ta sẽ cải thiện đáng kể chất lượng không khí của khu vực trọng điểm trong đô thị, nhất là với Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời cần tạo lập thói quen đi bộ, đi xe đạp trong khu đô thị đối với người tham gia giao thông cự ly ngắn.
Tổ chức quản lý giao thông đô thị một cách khoa học, sử dụng công nghệ và các trang thiết bị hiện đại; phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và bảo vệ môi trường. Nâng cấp, mở rộng hai trung tâm điều khiển giao thông của Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và đầu tư các trung tâm tương tự ở các đô thị khác khi có nhu cầu.
2. Sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường trong chiến lược phát triển giao thông vận tải
Phát triển vận tải chất lượng cao với chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng; ứng dụng phương thức vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức và logistics; Nhanh chóng phát triển phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn (vận tải bánh sắt, tàu biển…)
Sử dụng phương tiện ít phát thải, tiết kiệm nhiên liệu; Áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông vận tải; Sử dụng nhiên liệu sạch: khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên nén (CNG); Ứng dụng năng lượng thay thế cho phương tiện giao thông vận tải: phương tiện sử dụng điện, Hyđrô, xăng sinh học, diesel sinh học.
Tại các đô thị lớn, trước mắt là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh vận tải khách công cộng; ưu tiên phát triển vận tải khách số lượng lớn, đường sắt đô thị; chú trọng sử dụng vận tải công cộng là chính, đảm bảo hiện đại, an toàn, tiện lợi; phát triển hệ thống giao thông tĩnh và giao thông tiếp cận cho người khuyết tật; kiểm soát sự gia tăng phương tiện vận tải cá nhân; giải quyết ùn tắc giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đô thị.
Có thể thấy rõ là, những năm gần đây số lượng ô tô, xe máy tham gia giao thông tại các thành phố tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là mô tô xe máy; loại phương tiện này có “ưu điểm” rất linh hoạt, tiện dụng cho từng người, từng gia đình song cũng là nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Theo số liệu khảo sát của các chuyên gia kinh tế kỹ thuật về giao thông vận tải: nếu tính cho một cung chặng vận chuyển như nhau, một hành khách đi bằng phương tiện xe buýt thì lượng nhiên liệu cần phải chi phí chỉ bằng 1/3 người đi xe máy. Nếu tính về diện tích choán chỗ khi di chuyển trên đường phố thì mô tô, xe máy và ô tô con chiếm tổng diện tích rất lớn, rất “lãng phí”. Đây cũng là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, đồng thời cũng là nguồn phát thải cao gây ô nhiễm không khí trong đô thị; và như vậy, một giải pháp tình thế để hạn chế các nhược điểm của phương tiện cá nhân trong đô thị thì chúng ta phải tổ chức giao thông hợp lý hơn, các lực lượng chức năng gồm cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và chính quyền địa phương sẽ phải vất vả hơn để phân luồng, phân làn bố trí tổ chức giao thông linh hoạt với từng địa điểm và thời gian cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người tham gia giao thông trong đô thị.
Cần sớm phát triển phương tiện vận tải khối lượng lớn như: vận tải bánh sắt, hệ thống xe buýt đô thị thân thiện với môi trường. Trước mắt nghiên cứu áp dụng xe buýt sử dụng LPG hoặc CNG trong nội đô để giảm thiểu ô nhiễm không khí đô thị, đồng thời có biện pháp thích hợp kiểm soát sự gia tăng phương tiện vận tải cá nhân nhằm giải quyết ùn tắc giao thông và bảo đảm an toàn giao thông đô thị. Một số tuyến tàu điện ngầm tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang khẩn trương chuẩn bị, triển khai dự án khả thi đồng thời với việc hoàn thiện tuyến vành đai III, vành đai IV của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và kết nối với khu vực liền kề, qua đó sẽ tạo nên sự thông thoáng cao về giao thông của vùng, khu vực.
Việc đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là vận tải khối lượng lớn nhằm hạn chế sự phát triển phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, giải quyết vấn đề giao thông đô thị còn có tác dụng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm thiểu được nồng độ khí thải của phương tiện cơ giới và nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong đô thị .
3. Quản lý chất lượng phương tiện giao thông vận tải thông qua áp dụng tiêu chuẩn khí thải bảo đảm sự phát triển bền vững với môi trường
Hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới hiện nay sử dụng nhiên liệu hóa thạch là chủ yếu (xăng, diesel) mà sau khi bị đốt cháy sẽ là nguồn cơ bản gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm thứ cấp, khí nhà kính với các thành phần: điôxít cácbon (CO2), mônôxít cácbon (CO), chì (Pb), benzen, tôluen, xylen, bụi lơ lửng (TSP), bụi hạt (PM10, PM2,5), hydrô cácbon (HC), điôxít lưu huỳnh (SO2), các ôxít nitơ (NO, NO2), ôzôn, mêtan...; Đây là lý do chính mà chúng ta phải từng bước kiểm soát được lượng phát thải của các phương tiện cơ giới.
Ngày 10/10/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm thúc đẩy phát triển phương tiện ít phát thải. Qua 03 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động kiểm tra áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trước hết là ô tô đã dần đi vào nền nếp, góp phần kiểm soát phát thải chất gây ô nhiễm không khí.
Thời gian tới, ngành giao thông vận tải sẽ tiếp tục thực hiện việc kiểm soát khí thải đối với các loại xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố theo Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ và nghiên cứu xây dựng lộ trình phù hợp để đưa vào áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải cao hơn (mức Euro 3, 4, 5) cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
4. Phát triển phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường thông qua ứng dụng nhiên liệu sạch, nhiên liệu thay thế
Thực tế chứng minh nhiên liệu là yếu tố cơ bản có ảnh hưởng lớn đến lượng phát thải của phương tiện giao thông cơ giới. Chính vì vậy việc phát triển và ứng dụng nhiên liệu sạch, nhiên liệu thay thế cũng là một định hướng trong phát triển phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường.
Ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2020, với các mục tiêu là phát triển nhiên liệu sinh học, một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Theo kế hoạch, đến năm 2011, cả nước sẽ có 5 nhà máy sản xuất xăng sinh học đi vào hoạt động với tổng công suất 365.000 tấn/năm đủ để pha chế 7,3 triệu tấn xăng E5.
Bên cạnh đó, một số dự án thí điểm sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên nén (CNG) đã được triển khai và mang lại hiệu quả như: ứng dụng bộ chuyển đổi xăng sang LPG đã được sử dụng khá rộng rãi trên xe taxi ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; thử nghiệm CNG cho xe buýt đô thị, xe taxi ở thành phố Hồ Chí Minh.
5. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải
Thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường và Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngành Giao thông vận tải đã tăng cường công tác kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại phương tiện cơ giới đường bộ. Về nguyên lý, nồng độ các thành phần khí thải phản ánh chất lượng kỹ thuật của động cơ đốt trong. Việc kiểm tra khí thải cơ giới tại các Trung tâm đăng kiểm xe đã hạn chế được phần lớn phương tiện có độ phát thải cao; điều đó đồng nghĩa với việc chủ phương tiện phải bảo dưỡng, chăm sóc động cơ bảo đảm chất lượng kỹ thuật, duy trì đúng suất tiêu hao nhiên liệu theo quy định của nhà chế tạo. Đặc biệt sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2004/NĐ-CP ngày 13/01/2004 về quy định niên hạn sử dụng đối với ôtô tải và ôtô chở người các xe ôtô thế hệ cũ, lạc hậu, điều kiện an toàn kỹ thuật thấp, có mức tiêu thụ nhiên liệu cao đã dần được thay thế bằng các loại phương tiện vận tải đời mới có suất tiêu hao nhiên liệu thấp; việc sử dụng nhiên liệu tiết kiệm hơn trong giao thông vận tải đã góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Để cải thiện chất lượng không khí trong các đô thị, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Đề án này có ý nghĩa quan trọng với các tỉnh, thành phố; việc kiểm soát khí thải xe cơ giới trên địa bàn cần thực hiện từng bước, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung trước tiên vào các khu vực ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Cần huy động các nguồn lực cần thiết, khuyến khích và huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện nhằm kiểm soát cho được tình trạng ô nhiễm không khí trong độ thị, đặc biệt khu đông dân cư sinh sống.
Một vấn đề rất đáng quan tâm là tạo lập ý thức chăm sóc, bảo dưỡng xe của chủ phương tiện để bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; mặt khác cần nêu cao trách nhiệm của các hãng sản xuất xe, thiết lập mạng lưới các trạm bảo hành, bảo dưỡng xe cơ giới, kể cả với xe mô tô, xe gắn máy cho người dân; cuối cùng, các cơ quan quản lý, kiểm tra tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phải hướng dẫn, giám sát, kiểm việc chấp hành pháp luật về giao thông và bảo vệ môi trường của người tham gia giao thông.
Thời gian qua, ngành Giao thông vận tải ngoài việc phổ biến, tuyên truyền còn khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Một số kết quả đáng khích lệ là: Ứng dụng Logictics trong hoạt động vận tải; ứng dụng cabin điện tử trong đào tạo lái xe, phương pháp đào tạo lái xe sinh thái; nghiên cứu, ứng dụng thiết bị tự động điều chỉnh công suất nhằm tiết kiệm năng lượng trong vận tải đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa; nghiên cứu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh vận tải hành khách công cộng tại các thành phố. Cần tiếp thu trình độ công nghệ tiên tiến của thế giới, khuyến khích sử dụng động cơ hybrid nhằm tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng phát thải ra môi trường.
Ba là: Phát triển phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường ở Thủ đô Hà Nội
Hà Nội là Thủ đô của cả nước; là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm giao lưu quốc tế và cũng là đầu mối giao thông lớn, quan trọng. Từ đây, qua mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thuỷ nội địa đều kết nối với các tỉnh, thành phố và các trung tâm hành chính, kinh tế của nước ta. Trong những năm gần đây chính quyền thành phố đã quan tâm phát triển mạng lưới xe buýt nội đô cả về tuyến và số lượng phương tiện, đưa vào khai thác tuyến vận chuyển khách du lịch bằng ô tô điện trong khu vực phố cổ và triển khai xây dựng một số sự án đường sắt đô thị; đó là bước khởi đầu tốt đẹp, làm tiền đề cho một hệ thống giao thông đô thị bền vững về môi trường.
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã cụ thể hóa chủ trương phát triển phương tiện giao thông thân thiện với môi trường Thủ đô Hà Nội, trong đó: tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, nâng tỷ lệ đảm nhận của vận tải khách công cộng tại thời điểm năm 2020 lên khoảng 35% - 45% của tổng nhu cầu đi lại trên toàn thành phố; phấn đấu giảm tỷ lệ đảm nhận của xe máy xuống còn 30%; quản lý chặt chẽ chất lượng của các loại phương tiện giao thông cơ giới, khuyến khích phát triển các loại phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, ít gây ô nhiễm.
Nhu cầu có một hệ thống giao thông vận tải văn minh, thuận tiện, an toàn với chi phí thấp nhất luôn là mong muốn của các quốc gia và để đạt được điều này cần tính đến các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả năng lượng trong giao thông vận tải còn phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế, tập quán, thói quen của người tham gia giao thông. Một tập quán đi bộ trong cộng đồng dân cư cũng có ý nghĩa quan trọng, vừa cải thiện mật độ giao thông, vừa tiết kiệm nhiên liệu và không gây ô nhiễm môi trường. Để có được tập quán đó thì việc phát triển hệ thống vận tải công cộng, quy hoạch điểm đỗ, hoàn thiện mạng lưới đường đô thị, đường nội bộ tạo thuận lợi cho người đi bộ có vai trò rất quyết định. Chúng ta mong muốn ngày càng có nhiều những con đường Xanh, an toàn, sạch đẹp; những tuyến phố văn minh, thanh bình trong các đô thị thì càng cần có sự nỗ lực vượt bậc, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Năm tuyến đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội đã và sẽ được khẩn trương triển khai, đó là các tuyến: Nhổn - Ga Hà Nội; Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh; Nội Bài - Trung tâm thành phố - Thượng Đình; Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Thanh Xuân - Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh; Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hoà Lạc. Mới đây, ngày 25/09/2010 tại Hà Nội đã khởi công tuyến đường sắt đô thị đầu tiên, đến năm 2015 sẽ được đưa vào hoạt động, đáp ứng sự trông đợi hàng ngày của nhân dân và Thủ đô của chúng ta sẽ lại có thêm một loại hình phương tiện giao thông công cộng hiện đại, tiện nghi, an toàn, thân thiện với môi trường.
Hệ thống giao thông vận tải của chúng ta đang được củng cố, hoàn thiện; diện mạo đô thị ngày càng khang trang; giao thông vận tải của Thủ đô ngàn năm văn hiến với mục tiêu phát triển bền vững sẽ có những bước tiến vượt bậc nhằm hướng tới một hệ thống giao thông đô thị văn minh, hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Để thực hiện được mục tiêu đó, ngoài sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan chức năng, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân ủng hộ, cùng tham gia thực hiện vì môi trường trong sạch, đẹp của Thủ đô Hà Nội.
Nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, với tình cảm sâu lắng thiết tha với Thủ đô yêu dấu, tôi xin trao đổi một vài ý kiến xung quanh chủ đề phát triển phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường.
Xin chúc quý bạn đọc sức khoẻ, hạnh phúc, thành công và chung tay vì sự nghiệp phát triển giao thông vận tải bền vững, thân thiện với môi truờng./.
Ủy viên Trung ương Đảng,
Bộ trưởng Bộ GTVT
Chủ tịch UBATGTQG