Bộ GTVT tổ chức họp báo thường kỳ tháng 5(Thứ sáu, 01/06/2012 06:25 GMT+7)

Chiều 31/5, Bộ GTVT tổ chức họp báo thường kỳ tháng 5, tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; đổi mới quản lý GPLX và kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020.

Chiều 31/5, Bộ GTVT tổ chức họp báo thường kỳ tháng 5, tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; đổi mới quản lý GPLX và kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020.

Đến dự và chủ trì cuộc họp có Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông; Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Văn Lưu; đại diện các Cục, Vụ chức năng của Bộ GTVT và các cơ quan báo chí.

Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng chủ trì cuộc họp báo thường kỳ tháng 5/2012

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, một trong những giải pháp nhằm góp phần kiềm chế giảm thiểu TNGT là quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạt, cấp GPLX. Điểm mới của hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe tới đây là sẽ có điều chỉnh lưu lượng đào tạo lái xe ô tô phù hợp với thực tế, bảo đảm chất lượng, quy định tỷ lệ % số xe tập lái có niên hạn sử dụng không quá 10 năm, cũng như quy định bổ sung thời gian, số km thực hành lái xe trên xe tập lái hạng B1, B2, sử dụng hộp số tự động.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ xây dựng các video clip về các trường hợp TNGT điển hình do không chấp hành đúng các quy định khi tham gia giao thông và tổ chức lồng ghép vào chương trình đào tạo lái xe tại các cơ sở đào tạo. Đối với hoạt động sát hạch, hệ thống camera sẽ được lắp cùng với hệ thống màn hình hiển thị công khai trong quá trình sát hạch lý thuyết và thực hành.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam
trả lời một câu hỏi của các nhà báo

Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ ngày 1/7, GPLX mới bằng vật liệu PET, sẽ được đưa vào sử dụng, giai đoạn đầu áp dụng cho các trường hợp cấp mới, cấp đổi cho người có GPLX hết thời hạn sử dụng, cấp lại cho người có GPLX bị mất, bị hỏng.

Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) sang GPLX bằng vật liệu PET. GPLX được thống nhất quản lý toàn quốc bằng phần mềm. Sở GTVT các tỉnh, thành phố có trách nhiệm đầu tư thiết bị, bố trí cán bộ vận hành đưa GPLX bằng vật liệu PET vào sử dụng. Trong thời gian chưa phát hành GPLX bằng vật liệu PET, các đơn vị vẫn được tiếp tục sử dụng phôi GPLX hiện hành nhưng không quá ngày 1/7/2013.

Các nhà báo đặt câu hỏi tại cuộc họp

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, có 12 phần mềm quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; tình trạng vi phạm của người lái xe sẽ được cập nhật, thủ tục và thời gian xin cấp lại GPLX cũng thuận tiện hơn rất nhiều so với trước.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thành, Vụ trưởng Vụ Vận tải cũng đã giới thiệu khái quát Đề án phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 - 2020. Trong đó, đưa ra các kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng, chủ yếu là xe buýt ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trả lời một số câu hỏi tại buổi họp báo

Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng, nhiều nhà báo đã đặt các câu hỏi liên quan đến đạo đức người lái xe, việc đào tạo chưa chú trọng đến xe số tự động, một số tiêu cực trong khâu sát hạch, lợi ích của GPLX mới trong quản lý trong quản lý sai phạm... Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã giải đáp một cách thẳng thắn, rõ ràng các vấn đề liên quan và cho biết sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động đào tạo, thi tốt nghiệp, sát hạch và cấp GPLX ở tất cả các cấp Trung ương, địa phương.

Xuân Nguyên