Đầu tư đường giao thông trong chính sách phát triển rừng đặc dụng(Thứ ba, 12/06/2012 10:17 GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, chính sách đầu tư và khuyến khích đầu tư phát triển rừng đặc dụng nhằm tăng hiệu quả đầu tư; đảm bảo việc giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý các cấp đối với rừng đặc dụng; tăng tính chủ động của Ban quản lý rừng đặc dụng trong hoạt động quản lý, kinh doanh các dịch vụ trong rừng đặc dụng nhằm gia tăng nguồn thu tại các khu rừng đặc dụng trên nguyên tắc bảo tồn kết hợp với phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020.

Theo đó, chính sách đầu tư và khuyến khích đầu tư phát triển rừng đặc dụng nhằm tăng hiệu quả đầu tư; đảm bảo việc giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý các cấp đối với rừng đặc dụng; tăng tính chủ động của Ban quản lý rừng đặc dụng trong hoạt động quản lý, kinh doanh các dịch vụ trong rừng đặc dụng nhằm gia tăng nguồn thu tại các khu rừng đặc dụng trên nguyên tắc bảo tồn kết hợp với phát triển.

Bên cạnh đó, huy động được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng. Hướng giảm dần biên chế nhà nước bảo vệ rừng đặc dụng, tăng dần sử dụng cộng đồng địa phương để bảo vệ rừng đặc dụng. Đồng thời, đầu tư phát triển rừng đặc dụng nhằm bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường.

Ngân sách Nhà nước đầu tư cho các hạng mục công trình trong khu rừng đặc dụng theo thứ tự ưu tiên: Văn phòng làm việc và nhà tạm trú cho cán bộ bao gồm văn phòng làm việc của Ban quản lý rừng đặc dụng, trạm quản lý bảo vệ rừng, nhà ở tạm trú (tập thể) gắn với nơi làm việc của cán bộ, nhân viên, đầu tư hệ thống điện độc lập; Đầu tư đường giao thông; Trang thiết bị dự báo, cảnh báo cháy; Các công trình, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng; Công trình hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường.

Trong đó, đầu tư đường giao thông tính từ đường giao thông chính hiện có đến văn phòng của Ban quản lý rừng đặc dụng theo tiêu chuẩn từ cấp III đến cấp V, phù hợp với cấp của đường giao thông chính hiện có trên địa bàn. Đường nội bộ trong phân khu hành chính dịch vụ, khu ở của cán bộ nhân viên; biển chỉ dẫn, đường tuần tra rừng có chiều rộng không quá 1,5 mét. Bến đỗ tầu, thuyền đối với địa điểm văn phòng, trạm quản lý bảo vệ rừng nằm cạnh sông, biển phù hợp với quy hoạch phát triển rừng đặc dụng và khả năng cân đối nguồn vốn.

Ngoài kinh phí sự nghiệp thường xuyên, Nhà nước cấp kinh phí quản lý bảo vệ rừng ổn định để Ban quản lý chủ động tổ chức thuê, khoán, hợp đồng cộng đồng dân cư tại chỗ, mua sắm trang thiết bị để quản lý bảo vệ rừng; mức trung bình 100.000 đồng/ha/năm tính trên tổng diện tích được giao. Tổng vốn đầu tư và vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước cho chính sách này khoảng 5.500 tỷ, trong đó vốn đầu tư là 50%.

Xuân Nguyên