Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ(Thứ tư, 13/06/2012 06:12 GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Nghị quyết số 16/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Nghị quyết số 16/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Đây là Chương trình hành động có tầm nhìn tổng thể, dài hạn, đưa ra được các nhiệm vụ cụ thể về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung phát triển các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật then chốt, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước; có phân kỳ đầu tư, ưu tiên những dự án quan trọng tạo đột phá phát triển và có tác động lan tỏa lớn.

Chương trình hành động là căn cứ cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch hành động theo chức năng nhiệm vụ của mình để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các mục tiêu và nhiệm vụ của Nghị quyết 13 đề ra. Các nhiệm vụ đặt tra trong chương trình phải được cân nhắc với nguồn lực có thể huy động được nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết 13. Đồng thời là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

Đối với hạ tầng giao thông, Chương trình hành động xác định nhiệm vụ xây dựng đề án huy động vốn cho đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2020, đảm bảo tính khả thi. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2030, Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2050; Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Quy hoạch phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Tập trung nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A lên 4 làn xe, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến Hà Nội - Cần Thơ vào năm 2016. Ưu tiên đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam; tuyến nối Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến các cảng cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng. Huy động vốn để đầu tư nối thông đường Hồ Chí Minh và nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên. Lựa chọn đầu tư những đoạn có hạ tầng yếu kém trên tuyến đường ven biển gắn với đê biển. Nối thông tuyến đường biên giới phía Bắc, phía Tây, Tây Nam. Nâng cấp một số tuyến đường giao thông hành lang kinh tế Đông Tây.

Tập trung, ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có; tiếp tục nghiên cứu các phương án khả thi đường sắt tốc độ cao, để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp; nghiên cứu đầu tư mới tuyến đường sắt khổ 1,435m nối thành phố Hồ Chí Minh với Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ; phát triển đường sắt đô thị, đường sắt nội, ngoại ô tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Sẽ tập trung, ưu tiên đầu tư xây dựng cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) và cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu); khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa).

Nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính; nâng cấp và xây dựng mới một số cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.

Tập trung đầu tư nâng cấp 5 cảng hàng không: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cam Ranh. Huy động các nguồn vốn để sớm đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đồng thời, Chương trình hành động xác định việc thực hiện các giải pháp đồng bộ và quyết liệt để giải quyết ách tắc giao thông ở các đô thị lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư phát triển đối với các loại hình giao thông và những công trình giao thông chủ yếu theo hình thức BOT, BT và PPP.

Xuân Nguyên