Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tham dự và báo cáo tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 4 (Thứ hai, 30/08/2010 11:00 GMT+7)

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42 và các cuộc họp liên quan diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 22-28/8/2010, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 4 đã họp ngày 25/8/2010 dưới sự chủ tọa của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, với tư cách là Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN hiện nay, đã được mời tham dự Hội nghị và báo cáo về tình hình triển khai các hoạt động hợp tác GTVT trong ASEAN.

Trong khuôn khổ Hội nghị ộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42 và các cuộc họp liên quan diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 22-28/8/2010, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 4 đã họp ngày 25/8/2010 dưới sự chủ tọa của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.  Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, với tư cách là Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN hiện nay, đã được mời tham dự Hội nghị và báo cáo về tình hình triển khai các hoạt động hợp tác GTVT trong ASEAN. Dưới đây là toàn văn báo cáo của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng:

BÁO CÁO
CỦA CHỦ TỊCH HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG GIAO THÔNG VẬN TẢI ASEAN (ATM) LÊN HỘI NGHỊ HỘI ĐỒNG CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN (AECC) LẦN THỨ 4
 
Đà Nẵng, ngày 25 tháng 8 năm 2010
 
Kính thưa Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN,
Kính thưa các ngài Bộ trưởng và toàn thể quý vị đại biểu,
Trước hết, tôi xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và các vị Bộ trưởng đã mời tôi tới tham dự và báo cáo tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 4, tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam ngày hôm nay.
Thay mặt các vị Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN, tôi trân trọng báo cáo với Hội nghị về những tiến triển đã đạt được trong lĩnh vực giao thông vận tải ASEAN trong thời gian gần đây.
Như quý vị đã biết, mục tiêu của hợp tác ASEAN trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) là thiết lập một hệ thống GTVT hội nhập và hiệu quả nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và góp phần đưa ASEAN hội nhập toàn diện với nền kinh tế toàn cầu, nâng cao tính cạnh tranh và nâng cao sự hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN.
Để đạt được mục tiêu này, ASEAN đã triển khai xây dựng nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có Kế hoạch Hành động Giao thông Vận tải ASEAN (ATAP) giai đoạn 2005-2010. Kế hoạch này tập trung vào việc tăng cường kết nối vận tải đa phương thức và kết nối xuyên quốc gia, thúc đẩy tự do hóa hơn nữa dịch vụ vận tải hàng không và vận tải biển, tăng cường khả năng hội nhập và tính hiệu quả của các dịch vụ vận tải và hệ thống logistics. ATAP bao gồm 48 hoạt động, chia theo 4 phân ngành là: Tạo thuận lợi GTVT; Vận tải hàng không; Vận tải mặt đất và Vận tải đường biển.
Trong phạm vi báo cáo này, tôi xin điểm qua các kết quả đã đạt được cũng như một số thách thức trong hoạt động hợp tác GTVT ASEAN như sau.
Các hoạt động hợp tác GTVT trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào việc xây dựng khung chính sách hướng dẫn hợp tác GTVT trong tương lai của nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác lớn, xây dựng các hiệp định nhằm thực thi Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC Blueprint) và từng bước thực hiện chương trình nghị sự về hợp tác giao thông vận tải ASEAN.
Trong Vận tải hàng không, Thỏa thuận Bầu trời mở ASEAN đang được triển khai tích cực. Hiệp định Đa biên ASEAN về Vận tải Hàng không, Hiệp định Đa biên ASEAN về Tự do hóa hoàn toàn Vận tải Hàng hóa Hàng không và các nghị định thư liên quan đã chính thức có hiệu lực từ tháng 10 năm 2009. Hoạt động vận tải hành khách hàng không trong nội khối ASEAN hiện nay sẽ được mở rộng ra tất cả các thành phố của ASEAN có sân bay quốc tế thông qua việc ký kết Hiệp định đa biên ASEAN về Tự do hóa hoàn toàn Vận tải Hành khách Hàng không mà dự kiến sẽ hoàn tất tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải ASEAN (ATM) lần thứ 16 vào đầu tháng 11 năm 2010 tại Brunei Darussalam.
Bên cạnh đó, Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ 7 về Dịch vụ Vận tải Hàng không trong khuôn khổ AFAS đang được thảo luận và dự kiến sẽ được ký tại Hội nghị ATM lần thứ 17 vào năm 2011.
Đây là những văn kiện quan trọng, tạo nền tảng vững chắc và cần thiết để thiết lập một Thị trường Hàng không Thống nhất ASEAN (ASAM). Hai Tiểu nhóm công tác về Hợp tác kỹ thuật vận tải hàng không và Hợp tác kinh tế vận tải hàng không đã được thành lập nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng ASAM. Hai tiểu nhóm đã tiến hành các phiên họp đầu tiên vào tháng 8 năm 2010 để xây dựng Lộ trình Thành lập ASAM, dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị ATM lần thứ 17 vào năm 2011.
Tăng cường mở rộng hợp tác về vận tải hàng không nội khối sẽ tạo tiền đề cho ASEAN tham gia các hiệp định vận tải hàng không với các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc,… “Bản ghi nhớ về Tham gia các Thỏa thuận hàng không với các đối tác đối thoại của ASEAN” sẽ tạo ra khuôn khổ để ASEAN hợp tác với các đối tác đối thoại và góp phần khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN. Bản ghi nhớ này dự kiến sẽ được ký tại Hội nghị ATM lần thứ 16, tạo tiền đề cho việc ký kết Hiệp định Vận tải Hàng không giữa ASEAN với Trung Quốc tại Hội nghị ATM-Trung Quốc lần thứ 9 (tháng 11 năm 2010) tại Brunei Darussalam. ASEAN cũng đang tiến hành thảo luận với các đối tác Ấn Độ, Hàn Quốc và các đối tác khác nhằm triển khai đàm phán các thỏa thuận tương tự với các nước này.
Về Vận tải mặt đất: Hiệncó hai dự án về kết cấu hạ tầng GTVT là Dự án Mạng Đường bộ ASEAN (AHN) và Dự án Đường sắt Singapore - Côn Minh (SKRL).
Công tác kiểm điểm tình hình thực hiện Mạng đường bộ ASEAN, do Thái Lan chủ trì, bao gồm việc đánh giá các đoạn đường còn thiếu và các đoạn thuộc Tuyến Quá cảnh (TTR) cần ưu tiên nâng cấp, đã giúp xác định các hoạt động cần ưu tiên trong thời gian tới nhằm đẩy nhanh việc hoàn thành mạng đường bộ ASEAN. Các đoạn còn thiếu hiện nay nằm chủ yếu ở Myanmar và các đoạn dưới tiêu chuẩn cấp III ASEAN nằm ở sáu nước là In-đô-nê-xia, Lào, Ma-lai-xia, Myan-mar, Phi-lip-pin và Việt Nam.
Về Dự án Đường sắt Singapore - Côn Minh (SKRL), các nước ASEAN đang trong quá trình triển khai tích cực. Hiện còn khoảng trên 1200 km cần xây dựng mới các đoạn đường sắt còn thiếu trong nước cũng như kết nối giữa các nước, chủ yếu nằm ở năm nước là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Về vấn đề an toàn đường bộ, Nhóm Công tác đặc biệt liên ngành về an toàn đường bộ đã tổ chức phiên họp đầu tiên để xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động khu vực phù hợp với Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về Thập niên hành động an toàn đường bộ toàn cầu 2011-2020.
Trong lĩnh vực Vận tải đường biển, Bản ghi nhớ của ASEAN về hợp tác điều tra tai nạn và sự cố hàng hải đã chính thức có hiệu lực trong năm nay. Ngoài ra, một số biện pháp trong Lộ trình hướng tới Thị trường vận tải biển hội nhập và cạnh tranh ASEAN đã hoàn thành, bao gồm: (i) xây dựng Dữ liệu về giao thương đường biển đi và đến ASEAN (ii) xây dựng Hướng dẫn đánh giá các ưu tiên phát triển cảng biển trong ASEAN (iii) xác định các lĩnh vực cần được cải thiện về năng lực và tình hình thực hiện Mạng lưới cảng biển ASEAN, dựa trên dự báo thường xuyên về Thương mại và Nhu cầu Hàng hải. Ngoài ra, Tài liệu chiến lược về thiết lập thị trường vận tải biển thống nhất ASEAN đang được các quan chức hàng hải ASEAN dự thảo.
Hợp tác với các đối tác đối thoại trong lĩnh vực vận tải biển cũng đang được đẩy mạnh. Bên cạnh Hiệp định vận tải biển ASEAN - Trung Quốc đã được ký vào năm 2007, các nước thành viên ASEAN đang hoàn tất các thủ tục trong nước để có thể ký Biên bản ghi nhớ ASEAN Trung Quốc về Cơ chế tham vấn hàng hải tại Hội nghị ATM 16 vào tháng 11 năm 2010.
Trong lĩnh vực Tạo thuận lợi GTVT, có ba hiệp định đã được ký kết gồm: (i) Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh; (ii) Hiệp định khung ASEAN về Vận tải đa phương thức; (iii) Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho vận tải liên quốc gia.
Để thực hiện các hiệp định này, các nước thành viên ASEAN đang đẩy nhanh tiến trình phê duyệt các văn kiện đã ký và thúc đẩy việc hoàn tất các Nghị định thư chưa được ký thuộc Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh bao gồm Nghị định thư số 2 (chỉ định trạm cửa khẩu biên giới), Nghị định thư số 6 (cửa khẩu đường sắt và trạm trung chuyển đường sắt), Nghị định thư số 7 (Hệ thống hải quan quá cảnh).
Ban Điều phối Vận tải Quá cảnh ASEAN đã nhóm họp lần đầu tiên vào tháng 10/2009 để điều phối và giám sát việc thực hiện các hiệp định nêu trên. Kế hoạch làm việc tổng thể của Ban điều phối đang được xây dựng và sẽ được chính thức thông qua tại cuộc họp lần thứ hai của Ban điều phối vào tháng 10/2010. Bản kế hoạch này được coi như tài liệu chung cho các thành viên ASEAN nhằm thực hiện đầy đủ ba hiệp định vận tải quá cảnh nêu trên.
Để định hướng các hoạt động GTVT trong thời gian tới, Kế hoạch Chiến lược GTVT ASEAN (ASTP) giai đoạn 2011-2015 đang được hoàn tất, dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị ATM 16 vào tháng 11/2010. ATSP 2011-2015 sẽ tập trung vào việc tăng cường hợp tác GTVT nhằm đẩy mạnh kết nối khu vực và đẩy nhanh tiến trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.
Bên cạnh các hiệp định hợp tác chuyên ngành với các đối tác đối thoại như nêu trên, ASEAN còn xây dựng một số chương trình hợp tác quan trọng với các đối tác như Kế hoạch Chiến lược về Hợp tác GTVT ASEAN-Trung Quốc, Kế hoạch hành động Manila nhằm thực hiện Chương trình Hợp tác GTVT ASEAN-Nhật Bản và Lộ trình Hợp tác GTVT ASEAN-Hàn Quốc.
Ngoài ra, lĩnh vực Giao thông vận tải trong ASEAN đang phải đối mặt với hai thách thức cơ bản sau.
Thứ nhất, việc hoàn tất thủ tục phê duyệt và triển khai tích cực các Thỏa thuận và Nghị định thư đã ký kết, theo đó các nước thành viên ASEAN cần phê duyệt/phê chuẩn đúng thời hạn các thỏa thuận đã ký để triển khai thực hiện. Ngoài ra, các nước thành viên ASEAN cũng cần tự đánh giá hệ thống pháp luật và những vấn đề tồn tại của quốc gia có thể gây cản trở việc thực hiện các cam kết khu vực cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục những cản trở này, đặc biệt là trong quá trình triển khai đối với ba hiệp định về vận tải quá cảnh, các nghị định thư liên quan, cũng như đối với việc tiến tới một Thị trường Hàng không Thống nhất trong ASEAN và một Hệ thống vận tải biển hiệu quả và cạnh tranh trong khu vực.
Thứ hai là việc thực hiện các dự án và chương trình hợp tác chuyên ngành trong Lộ trình Tổng thể Xây dựng AEC. Khó khăn lớn nhất là khả năng huy động đầy đủ các nguồn lực và sự hỗ trợ trong nước cũng như từ bên ngoài, đặc biệt là việc huy động vốn để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng. Các nước ASEAN cần có các biện pháp cụ thể và mạnh bạo hơn nhằm đẩy mạnh việc huy động nguồn lực tài chính cần thiết để thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên của ASEAN như dự án Đường bộ ASEAN, dự án Đường sắt Singapore – Côn Minh và Dự án nâng cấp, cải thiện mạng lưới 47 cảng biển trong khu vực.
 Kính thưa các ngài Bộ trưởng,
Với tư cách là Chủ tịch của Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN hiện nay, tôi rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong việc triển khai các chương trình, dự án hợp tác GTVT ASEAN và các biện pháp vượt qua các thách thức trên nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và góp phần đưa ASEAN hội nhập toàn diện với nền kinh tế toàn cầu.
Cuối cùng, trước khi dừng lời, tôi xin chúc các quí vị đại biểu sức khỏe và thành đạt!
Chúc Hội nghị thành công rực rỡ!
Xin trân trọng cám ơn.