Diễn văn của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống (28/8/1945 - 28/8/2010) và Đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT (2005-2010)(Thứ ba, 24/08/2010 20:33 GMT+7)
Trong niềm vui chung cùng cả nước hướng tới Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Quốc khánh 2/9 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ngày 24/8/2010, Bộ GTVT đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống (28/8/1945-28/8/2010) và Đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT (2005-2010). Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã đọc Diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Sau đây là toàn văn Bài diễn văn của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng
Trong niềm vui chung cùng cả nước hướng tới Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Quốc khánh 2/9 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ngày 24/8/2010, Bộ GTVT đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống (28/8/1945 - 28/8/2010) và Đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT (2005-2010). Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã đọc Diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Sau đây là toàn văn Bài diễn văn của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm
Kính thưa đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Thưa các vị khách quý,
Thưa quý vị đại biểu,
Giữa những ngày mùa thu Tháng Tám lịch sử, tại Thủ đô “Ngàn năm Văn hiến” – “Thành phố vì Hoà bình”, trong niềm vui chung cùng cả nước hướng tới Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Quốc khánh 2/9 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Bộ GTVT tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm truyền ngày thống Ngành GTVT Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2010) và Đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT (2005-2010). Thay mặt Lãnh đạo Bộ GTVT và cán bộ công nhân viên toàn ngành, tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng nhất tới Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành trung ương và các tỉnh, thành phố; các vị khách quốc tế và toàn thể quý vị đại biểu đã dành thời gian đến chia vui cùng cán bộ, công nhân, viên chức, lao động Ngành GTVT. Sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ và quý vị đại biểu thực sự là món quà tinh thần vô giá, là nguồn động viên to lớn đối với Ngành GTVT.
Đến dự Lễ kỷ niệm hôm nay, chúng tôi cũng vô cùng phấn khởi được đón tiếp các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Ngành GTVT, các đồng chí cán bộ đã nghỉ hưu - những người mà trong 65 năm qua, ở những cương vị và thời gian khác nhau - đã đóng góp rất nhiều công sức, xây dựng Ngành GTVT Việt Nam. Thay mặt thế hệ cán bộ GTVT được kế tục sự nghiệp của các thế hệ đi trước, tôi xin gửi tới các bác, các anh, các chị lời cảm ơn chân thành nhất.
Thưa quý vị đại biểu,
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định thành lập Bộ Giao thông Công chính thuộc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Năm 1946, trong chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ” của chính quyền mới, Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh sự cần thiết của công tác GTVT: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”.
Thấm nhuần lời Bác dạy, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Ngành GTVT non trẻ đã xây dựng, bảo vệ nhiều cung đường, phục vụ kịp thời việc vận chuyển quân, lương cho các chiến dịch; giữ cho giao thông liên lạc thông suốt. Chiến thắng của cả nước trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước có phần đóng góp rất lớn của những con đường, những cây cầu, chuyến phà, chuyến tàu và các đơn vị vận tải, giao liên của Ngành GTVT. Đường qua miền Tây Bắc cho xe, pháo tới Điện Biên Phủ; đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ vượt dãy Trường Sơn hay đường Hồ Chí Minh trên biển Đông là những bản anh hùng ca bất hủ về chiến công của những cán bộ, kỹ sư, công nhân viên, thanh niên xung phong Ngành GTVT.
Lịch sử Ngành GTVT nói riêng và lịch sử đất nước nói chung sẽ không bao giờ quên những tấm gương hy sinh quên mình vì sự thông suốt của những tuyến đường ra tiền tuyến với những phong trào như “xe chưa qua nhà không tiếc”, “qua sông không cầu, chạy tàu không ga”, “địch phá, ta sửa, ta đi” rồi “địch phá ta cứ đi”... Hình ảnh 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn rất trẻ tại Ngã ba Đồng Lộc và rất nhiều các đồng chí thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, lái xe... đã ngã xuống dưới mưa bom, bão đạn ác liệt của kẻ thù mãi mãi khắc sâu trong tâm trí các thế hệ chúng ta ngày hôm nay. Họ chính là hiện thân của truyền thống “Dũng cảm, Thông minh, Sáng tạo” của Ngành GTVT trong những năm tháng chiến đấu hào hùng.
Thưa quý vị đại biểu,
Chiến tranh đã tàn phá nghiêm trọng hạ tầng giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, công cuộc xây dựng đất nước đã đặt ra cho Ngành GTVT những nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Một lần nữa, tinh thần “Dũng cảm, Thông minh, Sáng tạo” của các thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, các cán bộ, công nhân viên Ngành GTVT trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đã được kế thừa và phát triển trong giai đoạn xây dựng đất nước.
Toàn ngành Giao thông vận tải đã khẩn trương thực hiện nhiệm vụ khôi phục, cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông. Một trong những thành quả đó là tổ chức thông xe tuyến đường sắt Thống Nhất dài trên 1700 km chỉ sau 14 tháng thi công. Qua 10 năm khôi phục hạ tầng giao thông sau chiến tranh, mạng lưới đường bộ được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới một bước. Năm 1985 đã hoàn thành xây dựng cầu Thăng Long - công trình của tình hữu nghị và cầu Chương Dương - công trình của ý chí chí tự lực, tự cường.
Từ khi đất nước bắt đầu công cuộc “Đổi mới”, Ngành GTVT đã luôn thể hiện vai trò ngành kinh tế quan trọng, luôn đi trước “mở đường”. Cán bộ, công nhân viên Ngành GTVT tiếp tục phấn đấu và cống hiến trên nhiều công trình giao thông qui mô lớn, tầm cỡ khu vực như: Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân; cầu Bãi Cháy, cầu Mỹ Thuận; cảng nước sâu Cái Lân, nhà ga T1 cảng hàng không Nội Bài; Cầu Hàm Luông; cầu Cần Thơ; cầu Pá Uôn; đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương; đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình...
Các tuyến đường bộ, cây cầu, sân bay, bến cảng… tiếp tục được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới trên khắp mọi miền để tạo nên những “mạch máu” giao thông ngày càng hoàn chỉnh. Mạng lưới đường giao thông nông thôn vươn tới các vùng sâu, vùng xa, cải thiện đáng kể cuộc sống của nhân dân, góp phần đặc biệt quan trọng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo. Cảnh “nắng bụi”, “mưa lầy”, “cầu khỉ” hay ách tắc thường xuyên trên nhiều tuyến đường nay đã giảm hẳn. Các con đường rộng rãi, êm thuận, những cây cầu mới vượt sông giờ đây đã giúp người dân nhiều địa phương đi lại thuận tiện, nhanh chóng và an toàn hơn.
Trên Quốc lộ 1, cây cầu lớn cuối cùng trên tuyến là cầu Cần Thơ đã được đưa vào khai thác vào tháng 4 năm nay. Đồng thời, một trục đường bộ xuyên Việt thứ hai của đất nước - đường Hồ Chí Minh, con đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh và quốc phòng của đất nước - đã cơ bản hoàn thành giai đoạn I từ Thạch Quảng (Thanh Hoá) đến Ngọc Hồi (Kon Tum). Hiện nay, đường Hồ Chí Minh đang triển khai giai đoạn II để nối thông toàn tuyến từ Pắc Pó (Cao Bằng) đến đất mũi Cà Mau vào năm 2013.
Nhiều công trình hạ tầng giao thông được đưa vào khai thác một cách đồng bộ đã tạo điều kiện để phát triển các dịch vụ vận tải. Tăng trưởng bình quân hàng năm về vận tải hành khách và hàng hoá trong giai đoạn vừa qua là 8,5%/năm, cho thấy Ngành GTVT đã và đang tích cực đóng góp vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế đất nước.
Không chỉ tăng trưởng về số lượng mà chất lượng dịch vụ vận tải cũng ngày càng được nâng cao với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Vận tải đa phương thức, vận tải container có bước phát triển mạnh. Vận tải hành khách công cộng tại các thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, tiếp tục phát triển, góp phần quan trọng làm giảm ùn tắc giao thông đô thị.
Song song với việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, để có thể phát triển một cách bền vững, Ngành GTVT đã xác định phải tập trung xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chiến lược và quy hoạch phát triển của toàn ngành và từng chuyên ngành vận tải.
Năm 1990 là năm đầu tiên ngành GTVT chính thức được điều chỉnh bởi 1 bộ luật, đó là Bộ luật Hàng hải do Quốc hội thông qua ngày 30/6/1990. Đến năm 2006, với việc 4 Luật chuyên ngành giao thông vận tải khác lần lượt được ban hành, có thể nói đây là thời điểm Ngành GTVT đã có đủ 5 Luật/Bộ luật điều chỉnh 5 lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sông, đường sắt, hàng hải và hàng không. Các Luật/Bộ luật này tiếp tục được bổ sung, sửa đổi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành GTVT.
Việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch; đi đôi với việc định kỳ cập nhật, bổ sung các chiến lược và quy hoạch đã được phê duyệt cho phù hợp với thực tế là nhiệm vụ quan trọng được Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo thực hiện. Chất lượng lập quy hoạch đã được nâng cao lên một bước sát với thực tế, khả thi hơn, với tầm nhìn xa hơn làm cơ sở để cân đối sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải một cách đồng bộ và hiệu quả nhất. Liên quan đến công tác xây dựng và thực hiện các chiến lược và quy hoạch, Bộ GTVT đã đặc biệt chú trọng công tác phối hợp với các các tỉnh/thành phố trên cả nước trong việc định hướng phát triển giao thông vận tải địa phương phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển GTVT chung của toàn ngành với mục tiêu hình thành mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn trên phạm vi toàn quốc, trong đó chú trọng liên kết vận tải giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.
Tăng trưởng kinh tế cao và tăng trưởng nhanh chóng về khối lượng vận tải và số lượng phương tiện vận tải cũng đặt ra những thách thức mới mà ngành GTVT phải đối mặt – đó là cuộc chiến lâu dài nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Sau nhiều năm TNGT liên tục tăng cao, năm 2008 là năm ngành GTVT đạt được kết quả đáng khích lệ: TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, qua việc triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như tập trung xoá bỏ các “điểm đen” về TNGT; kiểm soát chặt chẽ phương tiện, từng bước loại bỏ các phương tiện cũ nát; tăng cường giám sát chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp phép người lái, công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ; công tác bảo dưỡng, duy tu đường bộ và cầu yếu; và quản lý vận tải khách liên tỉnh; thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy... Liên tục trong 3 năm qua, số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương đã bước đầu được kiềm chế, thể hiện một cố gắng to lớn của toàn xã hội, trong đó có Ngành GTVT, xét trong bối cảnh kết cấu hạ tầng được cải tạo nâng cấp chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của phương tiện vận tải.
Thưa quý vị đại biểu,
Nhìn lại chặng đường 65 năm qua, mỗi cán bộ, kỹ sư, công nhân viên Ngành GTVT đều có quyền tự hào: Ngành GTVT đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của cả dân tộc. Trong mỗi bước tiến của đất nước Việt Nam thân yêu đều có sự đóng góp của những con đường, cây cầu, sân bay, bến cảng…; đều có sự góp công của những bàn tay, khối óc của đội ngũ những người lao động Ngành GTVT Việt Nam.
Đóng góp của các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức và người lao động Ngành GTVT đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao qua việc được tặng thưởng những danh hiệu thi đua cao quý: Huân chương Sao Vàng năm 1995; Huân chương Hồ Chí Minh năm 1990. Các phần thưởng cao quý khác như Huân chương Hồ Chí Minh; Anh hùng lao động; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Độc lập ; Huân chương lao động... đã được trao tặng cho nhiều tập thể và cá nhân ưu tú ngành GTVT.
Ngành GTVT được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên dương: “Ngành Giao thông vận tải đã dũng cảm, thông minh, sáng tạo lập nhiều thành tích xuất sắc trên mặt trận giao thông vận tải”.
Các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động Ngành GTVT hôm nay nhận thức sâu sắc rằng: Có được những thành tích trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, giúp đỡ của các Bộ, Ngành trung ương và địa phương và truyền thống “anh dũng, thông minh, sáng tạo”, những bài học kinh nghiệm của thế hệ cha anh.
Nhân dịp Lễ kỷ niệm ngày hôm nay, cho phép tôi thay mặt toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, lao động Ngành GTVT xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc nhất đối với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội; sự phối hợp, hỗ trợ các Bộ, ngành, chính quyền và nhân dân các địa phương. Đối với các thế hệ cha anh, thay mặt thế hệ đi sau, tôi xin bày tỏ tình cảm “uống nước nhớ nguồn”, thái độ trân trọng đối với các anh hùng liệt sĩ Ngành GTVT và những đóng góp không mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Ngành GTVT các thời kỳ. Đối với chúng tôi, những gì các thế hệ cha anh đã xây dựng trong suốt 65 năm qua sẽ luôn là “bệ phóng” vững chắc để Ngành GTVT vươn cao, vươn xa hơn trong tương lai.
Thưa quý vị đại biểu,
Truyền thống 65 năm “Dũng cảm, thông minh, sáng tạo” là điểm tựa lịch sử nhưng đồng thời cũng đặt lên vai các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động Ngành GTVT hôm nay trọng trách nặng nề. Đó là phải làm sao cho xứng đáng với truyền thống cha anh.
Thời kỳ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng đã và đang đặt ra cho Ngành GTVT những nhiệm vụ hết sức to lớn; đòi hỏi Ngành GTVT không những phải tiến bước cùng đất nước, mà còn phải “đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và với những bước phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng GTVT trong những năm tới.
Rõ ràng, cả quá khứ và tương lai đang đòi hỏi Ngành GTVT phải nỗ lực hơn nữa, “Dũng cảm, Thông minh, Sáng tạo” hơn nữa. Một số định hướng phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 mà ngành GTVT quyết tâm thực hiện trong thời gian tới là:
- Đến năm 2020, hệ thống giao thông vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải đa dạng của xã hội, đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý; kiềm chế tiến tới giảm sự gia tăng tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường. Về tổng thể, hình thành được một hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải và các hành lang vận tải chủ yếu.
- Đến năm 2030 sẽ cơ bản hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải trong cả nước cũng như các hành lang giao thông đối ngoại. Chất lượng vận tải đảm bảo đạt tiêu chuẩn quốc tế và kết nối hợp lý giữa các phương thức vận tải, giữa vận tải hành khách đường dài với vận tải hành khách đô thị.
Những nhiệm vụ cụ thể của Ngành GTVT là:
- Mở rộng và xây dựng mới các quốc lộ có nhu cầu vận tải lớn; xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc; các tuyến đường bộ đối ngoại.
- Cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện có; xây dựng mới các tuyến đường sắt cao tốc và đường sắt tốc độ cao; phát triển giao thông vận tải bánh sắt tại các đô thị, đường sắt nội - ngoại ô, làm nòng cốt trong vận tải hành khách công cộng.
- Phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, bao gồm cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong, các cảng cửa ngõ quốc tế, các bến cảng nước sâu tại ba vùng kinh tế trọng điểm; đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông đến cảng và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng; gắn kết với hệ thống trung tâm phân phối hàng hóa, đảm bảo tạo thành mạng lưới cơ sở hạ tầng logistics hiện đại, hiệu quả.
- Nâng cấp các tuyến thủy nội địa chính; tập trung cải tạo, chỉnh trị một số đoạn tuyến quan trọng.
- Hoàn thành nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các cảng hàng không đạt tiêu chuẩn quốc tế; tập trung đầu tư các cảng hàng không quốc tế trong khu vực Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; đầu tư các cảng hàng không quốc tế mới với quy mô và chất lượng phục vụ cạnh tranh quốc tế.
- Phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và vận tải công cộng; phát triển mạnh hệ thống xe buýt tại các thành phố lớn; đầu tư xây dựng các tuyến vận tải bánh sắt công cộng khối lượng lớn tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
- Phát triển đường giao thông nông thôn cho phương tiện giao thông cơ giới tới tất cả trung tâm xã, đảm bảo thông suốt quanh năm; Phát triển giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thưa quý vị đại biểu,
Đạt được những mục tiêu cụ thể trên đây thực sự là một thách thức to lớn đối với toàn ngành GTVT, trong bối cảnh nguồn lực tài chính hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực ngành GTVT cần được nâng cao, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành GTVT cần được cải thiện...
Với nền tảng là bề dày truyền thống 65 năm; được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, giúp đỡ của các Bộ, ngành trung ương và địa phương; với tinh thần “Dũng cảm, thông minh, sáng tạo”, với khả năng tiếp thu những kinh nghiệm quản lý tiên tiến, khả năng học hỏi và làm chủ các công nghệ - kỹ thuật hiện đại, toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động ngành GTVT hoàn toàn tin tưởng rằng sẽ hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng, Chính phủ và nhân dân tin cậy, giao phó.
Thưa toàn thể quý vị,
Dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của ngành GTVT là lúc toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, lao động Ngành GTVT nhìn lại chặng đường đã qua, tự hào về truyền thống đoàn kết, phấn đấu và cố gắng không mệt mỏi của thế hệ đi trước để quyết tâm phấn đấu vượt qua những thách thức mới, đạt được những mục tiêu đã đặt ra.
Với tinh thần đó, nhân dịp Lễ kỷ niệm ngày hôm nay, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, lao động Ngành GTVT cùng đoàn kết, phát huy mạnh mẽ truyền thống 65 năm “Dũng cảm, Thông minh, Sáng tạo”, hăng hái thi đua, chung sức xây dựng Ngành GTVT phát triển bền vững, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đất nước.
Cuối cùng, cho phép tôi một lần nữa chân thành cảm ơn đồng chí Thủ tướng Chính phủ vì sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo quý giá đối với ngành GTVT trong thời gian qua; Xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đoàn đại biểu Bộ Công chính - Vương quốc Campuchia và Bộ Công chính và Vận tải - Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, các vị khách quý và quý vị đại biểu đã đến dự buổi lễ long trọng ngày hôm nay. Xin chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn./.