Tờ New York Times đưa tin Boeing đang lên kế hoạch sửa lại những vấn đề liên quan đến tấm pin của mẫu máy bay 787 Dreamliner.
Tờ New York Times đưa tin Boeing đang lên kế hoạch sửa lại những vấn đề liên quan đến tấm pin của mẫu máy bay 787 Dreamliner.
Các điều tra viên sẽ tới các nhà máy sản xuất pin cho chiếc Boeing 787 Dreamliner của hãng Boeing liên tục gặp sự cố thời gian gần đây.
Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing Corp cho biết đại diện của hãng này sẽ gặp giới hữu trách của Cơ quan Hàng không dân dụng liên bang (FAA) và Bộ Giao thông vận tải Mỹ để đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục sự cố dẫn tới ngừng toàn bộ hoạt động của các máy bay Boeing 787 Dreamliner trong gần hai tháng qua.
Với các giải pháp này, nếu được chấp thuận, máy bay Boeing 787 có thể trở lại các đường bay, sớm nhất là trong tháng Tư tới.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn nguồn tin từ trụ sở chính của Boeing Corp ở thành phố Chicago, bang Illinois cho biết, trong cuộc gặp dự kiến trong ngày 22/2 với người đứng đầu FAA Michael Huerta, Giám đốc điều hành của bộ phận máy bay thương mại của Boeing, ông Ray Conner, sẽ trình bày kế hoạch 10 điểm để khắc phục sự cố liên tục xảy ra các vụ chập cháy bình điện gần đây của các máy bay Dreamliner 787.
Trong số các giải pháp của Boeing có việc lắp thêm một chiếc hộp chống cháy đặc biệt để khống chế mọi sự cháy chập có thể xảy ra trong bình ắc quy lithium của loại máy bay này. Cháy chập bình điện là sự cố đã liên tiếp xảy ra đối với các máy bay Dreamliner 787 đang hoạt động trong các hãng hàng không của Nhật Bản và Mỹ.
Giải pháp thứ hai nới rộng khoảng cách giữa các tấm pin, nơi được xác định có thể là căn nguyên dẫn tới sự chập cháy các bình điện. Tuy nhiên, cho tới nay, giới chức cấp cao của FAA vẫn còn hoài nghi về khả năng nhóm điều tra quốc tế sẽ sớm tìm ra chính xác nguồn gốc của lỗi kỹ thuật mới nhất này đối với loại máy bay vẫn đang được Boeing quảng cáo là siêu hạng này.
Chập cháy bình ắcquy lần đầu tiên xảy ra đối với máy bay Dreamliner là ngày 7/1/2013, buộc máy bay của hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản phải cho hạ cánh xuống sân bay Logan International Airport ở thành phố Boston, bang Massachusett, Mỹ, và sau đó một ngày, một máy bay Boeing 787 khác cũng của Japan Airlines bị phát hiện rò rỉ nhiên liệu.
Ngay sau các sự cố này, FAA đã ra lệnh tiến hành kiểm tra toàn diện loại máy bay Dreamliner 787 từ khâu thiết kế, chế tạo tới khâu lắp ráp các hệ thống máy. Toàn bộ 50 máy bay loại đầu tiên thuộc loại này đang hoạt động trong các hãnh hàng không quốc tế đã được lệnh ngừng các chuyến bay.
Các vụ chập cháy liên tục xảy ra không chỉ làm mất uy tín mà còn gây thiệt hại lớn cho tập đoàn Boeing. Mới nhất, ngày 20/2, hãng Qantas Airlines của Australia thông báo đã nhận được khoản tiền bồi thường 125 triệu USD từ Boeing do chậm chuyển giao các máy bay Dreamliner.
Theo dự tính của các chuyên gia, với sự cố trên đây, trung bình mỗi tháng hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới này phải chi trả khoảng 200 triệu USD bồi thường do không chuyển giao đúng hạn các máy bay Dreanliner, chưa kể 1 tỷ USD mỗi tháng để giữ cho dây chuyền sản xuất của Boeing hoạt động.
Boeing 787 thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên tháng 11/2011 và đến nay tập đoàn Boeing đã chuyển giao 49 chiếc Dreamliner 787 đầu tiên cho 6 hãng hàng không trên thế giới. Đến khi ngừng các chuyến bay, tổng số đơn đặt hàng mua Boeing 787 Dreamliner đã đạt hơn 800 chiếc.
Với tầm bay khoảng 15.000km, đây được coi là thế hệ máy bay lý tưởng cho các chuyến bay quốc tế đường dài. Boeing 787 Dreanliner là đối thủ cạnh tranh quyết liệt với loại máy bay khổng lồ Airbus A380 của châu Âu với sức chuyên chở 500 hành khách./.
TTXVN