Tuyến đường sắt tốc độ cao của Indonesia do Trung Quốc xây dựng đã bắt đầu đi vào chạy thử nghiệm từ ngày 7/9.
Tuyến đường sắt dài 142 km từ thủ đô Jakarta đến Bandung – thủ phủ tỉnh Tây Java, sẽ giúp cắt giảm thời gian hành trình từ 3,5 giờ xuống còn 40 phút.
Tuyến đường này có tốc độ tối đa nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á (350km/h), vượt tuyến đường sắt nhanh nhất trước đó là tuyến Lào – Trung Quốc với tốc độ tối đa 160km/h.
Theo kế hoạch thử nghiệm, 8 tàu chở khách sẽ chạy từ ga Halim (Jakarta) đến ga Dekalur (Bandung) mỗi ngày, mở cửa miễn phí cho hành khách trước khi chính thức đi vào phục vụ thương mại trong tháng sau.
Tuyến đường sắt Jakarta - Bandung tốc độ tối đa 350km/h (Ảnh: Xinhua).
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Bộ trưởng Bộ Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan vừa đi thử một chặng dài 41km trên tuyến này.
Ông Luhut khẳng định, hai quốc gia đã đàm phán về khả năng mở rộng tuyến đường sắt này tới Surabaya – thành phố lớn thứ hai tại Java.
Tuyến đường đi xuyên qua 4 tỉnh trên đảo Java – đảo đông dân nhất của Indonesia và có tổng cộng 13 hầm, 56 cầu.
Sự kiện chạy thử này được đánh giá là bước ngoặt quan trọng sau nhiều năm dự án bị chậm kế hoạch và đội vốn.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung bắt đầu thực hiện từ năm 2015, ban đầu dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2019 nhưng nhiều lần bị hoãn vì vấn đề giải phóng mặt bằng, sau đó là dịch bệnh Covid-19.
Tổng vốn đầu tư của dự án cũng bị "đội" từ 66,7 nghìn tỉ rupiah (khoảng 4,3 tỉ USD) lên 113 nghìn tỉ rupiah (khoảng 7,3 tỉ USD).
Tuy nhiên, China Railway – một đơn vị trong nhóm các doanh nghiệp thực hiện dự án này – cho biết tuyến đường này đã tránh được địa hình không thuận lợi như núi lửa và được củng cố để phù hợp với thời tiết nhiệt đới gió mùa của Indonesia đồng thời được trang bị hệ thống an toàn có thể phản ứng trong trường hợp xảy ra động đất, lũ lụt và các điều kiện khẩn cấp khác.
Tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung cũng được đánh giá là dấ mốc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác thiết thực giữa Trung Quốc và Indonesia khi Indonesia chấp nhận công nghệ của Trung Quốc và tuân thủ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của đất nước tỷ dân.
Trong dự án này, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho vay 75% vốn đầu tư dự án, nhưng nguyên liệu thô phục vụ cho dự án phần lớn được sản xuất tại Indonesia, tạo 51.000 việc làm cho quốc gia này, theo Công ty China Railway.