Ngày 10/8, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thể đã ký Công văn số 132/CV-UBATGTQG về việc thực hiện giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.
Ảnh minh họa
Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, trên cả nước diễn ra nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên toàn quốc tiếp tục được cải thiện, cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) đều giảm so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể: giảm 589 vụ (-10,74%), giảm 156 người chết (-4,12%) và giảm 866 người bị thương (-14,8%).
Tuy nhiên mức độ giảm TNGT chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng; còn tồn tại một số hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT (lái xe sau khi sử dụng rượu bia), tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp; tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ vẫn diễn ra tại một số địa phương, nhất là nơi có mỏ vật liệu, khoáng sản, công trình xây dựng; xuất hiện tình trạng đua xe trái phép và vi phạm về tốc độ do lưu lượng giao thông giảm, đường vắng; tình trạng ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát COVID-19 của một số địa phương.
Để thực hiện nghiêm mục tiêu kép vừa bảo đảm phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa phát triển kinh tế xã hội, thời gian tới, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Duy trì các hoạt động tuyên truyền, phổ biến vận động nhân dân, yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước nêu gương tự giác chấp hành quy định pháp luật về bảo đảm TTATGT và phòng chống dịch COVID-19; chú trọng tuyên truyền, thông tin đầy đủ, kịp thời đến người dân, doanh nghiệp về nội dung yêu cầu kiểm tra về phòng chống dịch COVID-19 đối với người tham gia giao thông, vị trí và tổ chức giao thông tại khu vực các chốt kiểm soát dịch bệnh, phương án phân luồng từ xa đối với các hoạt động giao thông đường dài; vai trò, trách nhiệm của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT và phòng chống dịch bệnh, để người dân hiểu, tuân thủ quy định và ủng hộ lực lượng chức năng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT và phòng chống dịch COVID-19.
Tiếp tục duy trì hoạt động tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về bảo đảm TTATGT gắn với phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt chú trọng xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý, tốc độ khi điều khiển phương tiện; siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông theo Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ; công bố công khai các tuyến đường chuyên dụng phục vụ thi công và khai thác vật liệu xây dựng, xử lý nghiêm hành vi vi phạm tải trọng phương tiện trên các tuyến đường vừa phục vụ thi công vừa phục vụ dân sinh.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1015/TTg-CN ngày 25/7/2021 và công văn số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 của Văn phòng Chính phủ về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19; tại các chốt kiểm dịch thực hiện quét nhanh QR Code để xác minh thông tin về thời hạn của Giấy nhận diện và yêu cầu phòng chống dịch đối với người trên phương tiện có Giấy nhận diện phương tiện do ngành Giao thông vận tải (GTVT) cấp, chỉ dừng xe thực hiện kiểm tra những phương tiện không có Giấy nhận diện hoặc có nhưng hết thời hạn hoặc thông tin về yêu cầu phòng chống dịch của người trên xe không đúng quy định; xử lý nghiêm hành vi lợi dụng Giấy nhận diện phương tiện để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Y tế và các địa phương có liên quan xây dựng các phương án bố trí chốt kiểm soát dịch, tổ chức phân luồng bảo đảm an toàn giao thông, tổ chức vận tải người và hàng hóa tương ứng với các cấp độ phòng chống dịch COVID-19 phục vụ hiệu quả mục tiêu kiểm soát phòng chống dịch bệnh, bảo đảm đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội đồng thời phù hợp quy định pháp luật về bảo đảm TTATGT.
Thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình về TTATGT tại các chốt kiểm dịch trên địa bàn, kịp thời có phương án điều chỉnh biện pháp kiểm soát, phương án tổ chức giao thông để đảm bảo không xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, dẫn đến nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh ngay tại các chốt kiểm soát cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến cung ứng hàng hóa phục vụ phòng chống dịch bệnh, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Công bố đường dây nóng về TTATGT trên trang Thông tin điện tử của UBND tỉnh, thành phố để tiếp nhận và xử lý các vấn đề về TTATGT và ùn tắc giao thông cũng như các vấn đề cản trở hoạt động vận tải thông suốt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 (đối với các tỉnh, thành phố chưa thực hiện).
"Tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những bất cập về quy định pháp luật trong bảo đảm TTATGT tại địa phương, đặc biệt trong công tác kiểm tra tải trọng phương tiện, quy trình xử lý hành vi chống người thi hành công vụ trong kiểm soát tải trọng xe, kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Sau khi có văn bản của Ủy ban ATGT Quốc gia, khẩn trương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021, có báo cáo gửi về Ủy ban ATGT Quốc gia để tổng hợp" - văn bản nêu rõ.
Xuân Nguyên