Đà Nẵng: Cần tổ chức lại giao thông một số trục đường chính

Thứ hai, 15/04/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Từ ngày 29/3, cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý đưa vào sử dụng đã tạo nên mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh giữa đôi bờ sông Hàn. Tuy nhiên, để mạng lưới giao thông này thực sự phát huy hiệu quả, cần tổ chức lại giao thông ở một số tuyến đường chính cũng như các nút giao thông ở một số đầu cầu.
Từ ngày 29/3, cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý đưa vào sử dụng đã tạo nên mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh giữa đôi bờ sông Hàn. Tuy nhiên, để mạng lưới giao thông này thực sự phát huy hiệu quả, cần tổ chức lại giao thông ở một số tuyến đường chính cũng như các nút giao thông ở một số đầu cầu.

Trước hết cần ưu tiên xử lý sớm nút giao thông bờ Tây cầu Rồng. Hiện tại, vị trí này đã trở thành ngã 5 với 8 luồng xe riêng biệt theo những hướng khác nhau. Chính vì vậy, tại đây vào lúc cao điểm giao thông rất dễ rối, gây ùn tắc, thậm chí xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) vì các hướng di chuyển đối đầu lẫn nhau.

Ví dụ từ đường Trần Phú đi qua nút giao thông này để qua đường Bạch Đằng sẽ gặp nhiều điểm cắt rất khó đi. Đầu tiên là điểm giao cắt với hướng di chuyển từ cầu Rồng về đường Nguyễn Văn Linh, tiếp đó là giao nhau với hướng di chuyển từ đường Nguyễn Văn Linh hướng về cầu Rồng, rồi sau đó lại giao nhau với hướng di chuyển từ đường Trưng Nữ Vương đi vào nút và tiếp theo giao nhau với hướng di chuyển của đường 2 tháng 9, cuối cùng là giao nhau với hướng từ cầu Rồng đi về đường Nguyễn Văn Linh. Như vậy, phải vượt qua 5 điểm giao cắt mới chuyển qua được đường Bạch Đằng.

Thực tế, trong những lúc gia tăng phương tiện, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) thực hiện việc chuyển dòng di chuyển từ hướng cầu Rồng xuống yêu cầu tất cả phương tiện đều phải quẹo phải đi vào đường Bạch Đằng, nhằm giải tỏa bớt áp lực phương tiện tại đây. Theo chúng tôi, trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải (GTVT) cần sớm lắp đặt cụm đèn tín hiệu giao thông tại đây, để điều tiết các phương tiện khi lưu thông qua nút giao thông này. Đây là việc làm tương đối thuận lợi, bởi lẽ, hiện nay tại vị trí này đã có lắp đặt sẵn hệ thống cáp đèn tín hiệu, công việc còn lại là tính toán một cách khoa học về thời gian chuyển đèn để điều tiết lưu thông nhằm giảm thiểu tình trạng đối đầu các luồng di chuyển.

Trong khi đó, nút giao thông bờ Đông cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Sông Hàn đều gặp vấn đề hết sức nan giải khó giải quyết vì sự tồn tại các đường gom hai chiều trên đường Ngô Quyền và đường Ngũ Hành Sơn. Do các đường gom này được phép đi hai chiều nên đến vị trí nút giao thông đầu cầu, nhiều phương tiện (chủ yếu là mô-tô và xe đạp) đi ngược chiều một đoạn ngắn trước khi vào nút khiến cho tầm nhìn gần của các phương tiện có tải trọng lớn bị hạn chế rất dễ xảy ra TNGT. Để xử lý vấn đề này, thành phố đã kiến nghị với Bộ GTVT và đã được phép dẹp bỏ dải phân cách, tổ chức giao thông cho tuyến đường gom này thành một chiều giống như trục đường Lê Văn Hiến-Trần Đại Nghĩa. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là chưa có kinh phí nên giao thông trên trục đường này và tại nút giao thông ở đầu cầu vẫn còn rất rối rắm và dễ xảy ra tai nạn.

Tương tự, nút giao thông đầu phía Tây cầu Tiên Sơn bao gồm các đường 2 tháng 9-Xô Viết Nghệ Tĩnh-cầu Tiên Sơn và 2 đường gom phụ dọc theo đường lên cầu Tiên Sơn lâu nay đã trở thành “điểm đen” về TNGT vì có quá nhiều điểm giao cắt khi các phương tiện vào nút. Bất hợp lý lớn nhất ở đây là đường gom Quy Mỹ (chạy song song với đường dẫn lên cầu Tiên Sơn) khi đi vào nút thường xuyên xung đột với hướng di chuyển đường 2 tháng 9 khi qua cầu Tiên Sơn. Để xử lý tồn tại này, trước hết cần tổ chức lại lưu thông cho đường Quy Mỹ một chiều theo hướng từ nút giao thông đi về hướng sân tập của CLB SHB Đà Nẵng để tránh xung đột hướng di chuyển các phương tiện.

Với việc đưa thêm hai cây cầu mới là cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý vào sử dụng, thành phố không những mở rộng được không gian về phía Đông mà còn phát triển được mạng lưới giao thông giữa đôi bờ sông Hàn. Tuy nhiên, một thực tế là mặc dù hạ tầng giao thông phía bờ Đông phát triển nhưng vẫn chưa thể giải quyết tốt lưu lượng phương tiện cho phía bờ Tây, mà nguyên nhân là do người tham gia giao thông không có thông tin nên đi lung tung.

Một ví dụ là đến nay trục đường Nguyễn Tất Thành - cầu Thuận Phước - cầu Mân Quang - đường Lê Đức Thọ - Hoàng Sa - Trường Sa đã hoàn toàn thông suốt nối tận đến Hội An. Tuy nhiên, tại các cửa ngõ dẫn vào thành phố ở đường Nguyễn Tất Thành, Trường Sa không có các biển chỉ dẫn cho người điều khiển phương tiện biết. Vì vậy mới có tình trạng không có nhu cầu vào thành phố nhưng nhiều người vẫn phải đi vào trục đường trung tâm khiến những trục đường này thường xuyên quá tải.

Vì vậy, tại các cửa ngõ của thành phố như đường Trường Sa, Trần Đại Nghĩa ở vị trí giáp với tỉnh Quảng Nam, hoặc tại ngã ba Huế, vị trí cầu vượt Hòa Cầm... rất cần những tấm biển chỉ dẫn to và rõ, đặt ở vị trí dễ nhìn thấy, chỉ dẫn các trục đường chính để khách từ xa dễ dàng biết đường nhằm tránh tình trạng tất cả đều vào trung tâm rồi mới đi tiếp đến các khu vực khác.

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)