Vi phạm hành chính về hạ tầng giao thông: Cần xử phạt nghiêm

Thứ hai, 23/07/2012 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mặc dù tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng của TPHCM cũng đã phát hiện, xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm hành chính, chủ yếu trong lãnh vực giao thông đường bộ.
Mặc dù tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng của TPHCM cũng đã phát hiện, xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm hành chính, chủ yếu trong lãnh vực giao thông đường bộ.

17.500 trường hợp vi phạm

...Qua nhiều tuyến đường, kể cả ở trung tâm TPHCM cho đến các vùng ngoại ô, người ta vẫn bắt gặp đây đó những sợi cáp viễn thông, dây điện lực các loại treo lủng lẳng, bùng nhùng tại hàng loạt vị trí. Ngoài mặt tiền đường đã vậy, đi vào các con hẻm nhỏ quanh co ở khắp TP thì sẽ thấy các “mạng nhện” hạ tầng kỹ thuật này còn rối hơn.

Tình trạng đủ loại dây cáp - có tên lẫn không tên - treo mắc không đúng nơi đúng chỗ hoặc không đảm bảo tĩnh không theo quy định vừa làm mất mỹ quan đô thị lại vừa thiếu an toàn giao thông.

Đó là trên cao, còn ở dưới đất cũng có nhiều “bệnh” kiểu khác: dự án nhưng không bố trí rào chắn, biển báo; không treo biển thông tin công trình; không bố trí người điều khiển giao thông theo đúng quy định; nhà thầu thi công hạng mục dự án đầu tư nhưng xâm phạm và gây thiệt hại đối với hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hoặc đèn tín hiệu giao thông…

Rào chắn bên ngoài tại công trình thi công ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.Ảnh: KIM NGÂN

Những hành vi xâm phạm mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đô thị vẫn còn xảy ra, như tình trạng đấu nối trái phép vào hệ thống thoát nước, đổ trộm phân hầm cầu vào hố ga thoát nước, tính thừa khối lượng trong dự toán, nhà thầu tư vấn giám sát không thực hiện đúng việc giám sát thi công như đã ký kết trong hợp đồng, nhà thầu thi công xây dựng sai thiết kế đã được thẩm định phê duyệt…

Chỉ tính riêng số liệu thống kê của Thanh tra GTVT TPHCM, từ đầu năm đến nay, thông qua các cuộc phối hợp kiểm tra liên ngành, kiểm tra chuyên đề và công tác kiểm tra thường xuyên trên địa bàn TP, lực lượng này đã phát hiện và lập biên bản xử lý gần 17.500 trường hợp vi phạm. Hầu hết là các hành vi vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ và giao thông đường thủy nội địa.

Thanh tra GTVT đã ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền bằng hình thức phạt tiền các trường hợp này, thu về ngân sách hơn 27,2 tỷ đồng.

Tăng cường cưỡng chế

Nhìn chung các cơ quan chức năng tại TPHCM càng lúc càng mạnh tay hơn đối với những hành vi vi phạm nêu trên.

Tiêu biểu và gần đây nhất là trường hợp Chánh thanh tra Sở GTVT TPHCM giữa tháng 7 vừa qua đã ra quyết định đình chỉ thi công dự án sửa chữa, nâng cấp mặt đường và xây dựng hệ thống thoát nước trên đường An Phú Tây, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, đoạn từ quốc lộ 1A đến hương lộ 11. Đoạn thi công này vốn dĩ thuộc về gói thầu số 2, từ Km 1+640 đến Km 2+620 do Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Xây dựng Phúc Nguyên.

Lý do: thi công công trình trên đường bộ đang khai thác nhưng nhà thầu không bố trí rào chắn theo quy định. Sau nhiều lần bị lực lượng chức năng nhắc nhở lẫn xử phạt, sai phạm vẫn không được nhà thầu khắc phục để rồi quyết định đình chỉ thi công được Chánh thanh tra GTVT đưa ra. Chưa đầy một tuần lễ sau đó, nhà thầu thi công đã vội vàng khắc phục các sai phạm và rồi ngày 19-7 lệnh đình chỉ thi công đã được dỡ bỏ.

Cũng trong thượng tuần tháng 7 này, Thanh tra Sở GTVT đã có công văn gửi hàng loạt cơ quan thông báo và đề nghị hợp tác trong việc không cấp phép thi công, không gia hạn giấy phép thi công đối với hơn 400 đơn vị. Nằm trong danh sách này có cả những đơn vị lớn, quen thuộc lẫn những đơn vị nhỏ ít tên tuổi. Có thể nhắc đến Công ty TNHH Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, nhà thầu Obayashi, liên doanh Hud-Cowealmic, Công ty Đầu tư phát triển GTVT Tracodi…

Lý do là các đơn vị này đã có hành vi vi phạm hành chính trong quá trình thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên đường bộ nhưng đến nay vẫn chưa chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan chức năng.

Trong công văn, Thanh tra Sở GTVT nhấn mạnh đề nghị UBND các quận huyện, tổ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thuộc văn phòng Sở GTVT từ chối tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép thi công hoặc xin gia hạn giấy phép thi công, trong khi các khu quản lý giao thông đô thị được yêu cầu từ chối tiếp nhận hồ sơ để khảo sát hoặc đề xuất cấp phép thi công cho các chủ đầu tư có nhà thầu vi phạm được nêu tên trong bảng “phong thần” ấy.

Mọi tháo gỡ chỉ được thực hiện khi nào nhà thầu chấp hành xong việc nộp phạt, có xác nhận bằng văn bản của Thanh tra GTVT.

Theo báo SGGP

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)