TP.Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2020, hệ thống vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 25-30% nhu cầu đi lại của người dân, và thậm chí thành phố còn hướng đến mục tiêu xa hơn là 50%. Tuy nhiên, với sự phát triển một cách èo uột và thiếu bền vững như hiện nay, để đạt được mục tiêu trên là chuyện xa vời.
Sau 7 năm thành phố ưu tiên đầu tư phát triển, đến nay xe buýt TPHCM cũng mới vận chuyển được khoảng hơn 5% nhu cầu đi lại của người dân. Với gần 60% tuyến bị trùng lắp, chất lượng dịch vụ kém, cơ sở hạ tầng yếu kém...; xe buýt TPHCM vẫn chưa thật sự là một cú hích đối với người dân.
Người dân chưa mặn mà với xe buýt
Sau một thời gian dài bỏ mặc, từ năm 2002, hệ thống xe buýt TPHCM bắt đầu hồi sinh khi 8 tuyến xe buýt mẫu đầu tiên đi vào hoạt động. Để lấy lòng tin của người dân đối với xe buýt, thành phố phải sử dụng tiền ngân sách trợ giá vé cho tất cả hành khách đi xe buýt.
Liên tiếp những năm tiếp theo, hàng loạt tuyến xe buýt mẫu khác cũng lần lượt ra đời. Đến nay, trên địa bàn TPHCM đã có đến 115 tuyến xe buýt mẫu được trợ giá. Tuy suốt 7 năm qua, thành phố đã chi một khoản tiền không nhỏ đầu tư phát triển xe buýt, song số lượng người dân đến với xe buýt vẫn khá khiêm tốn (5,4% nhu cầu đi lại).
Để làm gương cho người dân, năm 2008, thành phố phát động tất cả cán bộ, công chức trên địa bàn "nào ta cùng lên buýt", thậm chí có đơn vị còn xem việc đi xe buýt như là tiêu chí để bình xét thi đua cá nhân cuối năm. Nhưng rồi, đợt phát động này cũng sớm phá sản khi rất ít công chức hưởng ứng. Hầu hết các cán bộ, công chức đang làm việc tại các sở, ngành thuộc UBND TP đều lựa chọn xe cá nhân - thay vì xe buýt.
Tại một số đơn vị, không ít cán bộ, nhân viên đối phó bằng cách gửi xe gắn máy bên ngoài trụ sở rồi cuốc bộ vào cơ quan. Theo khảo sát của tiến sĩ Phạm Xuân Mai (giảng viên ĐH Bách khoa TPHCM), thành phố có khoảng 3.225 xe buýt các loại đang hoạt động trên 151 tuyến (có trợ giá và không trợ giá), nhưng hệ số khai thác đầy khách trung bình của toàn mạng chỉ đạt khoảng 30% công suất - tức khoảng 70% công suất vẫn còn bỏ trống.
Và trong số những người đi xe buýt thì tỉ lệ người dân có thu nhập thấp, học sinh - sinh viên chiếm đến 50%, còn tỉ lệ cán bộ, công chức chiếm chưa đến 20%.
Chất lượng dịch vụ kém
|
Xe buýt TPHCM chưa tiện lợi cho người khuyết tật, người già. Ảnh: Trần Phan
|
Theo tiến sĩ Phạm Xuân Mai, hiện 60% số tuyến xe buýt trên địa bàn TPHCM bị trùng lắp, tạo ra sự chồng chéo, gây lãng phí và dẫn đến ùn tắc giao thông do xe buýt. Không ít trục đường có nhiều tuyến xe buýt chồng lấn lên nhau. Điển hình như đường CMT8 - Trường Chinh, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai... có 5-7 tuyến xe buýt chạy trên cùng trục đường.
Hậu quả của sự trùng lắp tuyến là tình trạng xe buýt chạy trên cùng tuyến tranh giành khách lẫn nhau, chạy ẩu dẫn đến tai nạn và gây ách tắc giao thông. Đây chính là hậu quả của sự phát triển luồng tuyến ồ ạt, thiếu tính toán một cách tổng thể và khoa học của những năm trước đây.
Thạc sĩ Lê Trung Tính - Trưởng phòng Vận tải công nghiệp - Sở GTVT cho rằng, lâu nay, thành phố chưa có một quy hoạch chi tiết về giao thông vận tải công cộng, do đó việc phát triển, mở luồng tuyến xe buýt trong những năm qua chủ yếu là làm theo kiểu "mò mẫm" nên còn nhiều tồn tại, bất cập.
Tình trạng đường sá bị chiếm dụng bởi hàng trăm "lô cốt" đào đường trong 2 năm trở lại đây cũng làm cho hoạt động xe buýt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả khảo sát của tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hằng (Trường ĐH GTVT cơ sở II) cho thấy, có đến 33% hành khách phàn nàn tình trạng xe buýt vướng "lô cốt", kẹt xe nên không chạy đúng biểu giờ, bắt hành khách phải chờ đợi lâu.
Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, năm 2008 đã phải điều chỉnh luồng tuyến do vướng "lô cốt" tổng cộng 150 đợt. Và từ đầu năm 2009 đến nay, trung tâm cũng điều chỉnh khoảng 70 lộ trình của hàng chục tuyến xe buýt. Việc điều chỉnh luồng tuyến đã và đang làm xáo trộn lộ trình đi lại của người dân - vốn đã được định hình lâu nay.
Ngoài những bất cập về cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ xe buýt hiện nay thấp đã làm mất dần thiện cảm và sự tin cậy của hành khách đối với xe buýt. Điều này có thể được chứng minh qua một vài con số thống kê của các nhà nghiên cứu như sau: Chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ xe buýt giảm từ 78,9% (năm 2006) xuống chỉ còn 49,5% (năm 2008) - tức giảm 29,4%; có đến 29% hành khách đi xe buýt than phiền các chuyến xe buýt quá chật chội, ngột ngạt mùi xăng; 18% hành khách phản ánh bị phân biệt đối xử; 11% hành khách lo lắng bị móc túi, lừa đảo...
Theo Báo Lao Động