TP HCM loay hoay với giải pháp chống kẹt xe

Thứ ba, 25/11/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hai giải pháp chống ùn tắc thì một phá sản, một bị phản đối. Lời giải cho xe tự chế gần một năm chưa có hồi kết. Bài toán vỉa hè "duy ý chí", gây rối cho các quận huyện... Người Sài Gòn đang bị "xoay như chong chóng" bởi những quyết định của cơ quan chức năng.

Hai giải pháp chống ùn tắc thì một phá sản, một bị phản đối. Lời giải cho xe tự chế gần một năm chưa có hồi kết. Bài toán vỉa hè "duy ý chí", gây rối cho các quận huyện... Người Sài Gòn đang bị "xoay như chong chóng" bởi những quyết định của cơ quan chức năng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia và của chính các đơn vị chức năng, những quyết định liên quan đến giao thông của TP HCM áp dụng trong năm nay đều có chung đặc điểm là không thành công. Giao thông thành phố càng đến thời điểm cuối năm càng "rối như tơ vò". Cuộc họp Hội đồng nhân dân cuối năm, khai mạc vào ngày 2/12 tới đây, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ bớt phần nào khó khăn hiện nay.
Chắc chắn nhiều người dân Sài Gòn vẫn không quên Kế hoạch 6650 thực hiện gói giải pháp chống ùn tắc cấp bách được ban hành tháng 10 năm ngoái. Với 8 giải pháp như: lệch ca lệch giờ, phân luồng, đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm, rà soát chấn chỉnh mạng lưới xe buýt... kế hoạch này đã phá sản vào quý 1 năm nay.
6 tháng sau, vào đầu tháng 10, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài ký đề xuất trình Bộ Tài Chính giảm ùn tắc bằng cách thu phí xe cá nhân với mức 500 nghìn đồng một xe gắn máy, đồng thời tăng phí trước bạ một cách chóng mặt.

Chưa một biện pháp hạn chế kẹt xe nào tỏ ra khả thi trong năm nay

Ngay lập tức, ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch mặt trận tổ quốc TP HCM phản đối việc áp dụng các mức thu nói trên vì nhu cầu người dân vẫn buộc phải đóng phí để có xe đi. Bộ Tài chính cũng cho rằng nếu xét dưới cơ sở pháp lý và thực tế ở VN thì phương án thu phí lưu thông rất khó khả thi.
Trong khi còn nhiều tranh cãi thì liền sau đó, TP HCM tiếp tục đưa ra phương án ôtô đi vào đường thường xuyên ùn tắc phải trả phí. Trả lời báo chí ngay hôm sau, Bộ Giao thông vận tải khẳng định việc này không dễ thực hiện.
Vậy là cả 2 liều thuốc nhằm chữa căn bệnh ùn tắc "kinh niên" của thành phố đều vô hiệu.
Không khác biệt mấy, lời giải cho bài toán vỉa hè cũng không có đáp số cuối cùng. Ngày 5/10/2007, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân tuyên bố vỉa hè phải giải tỏa trắng trong 10 ngày sau đó, chủ tịch các quận huyện sẽ phải chịu trách nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
"Trái banh" liên tục được đá qua, đá lại giữa quận và thành phố rồi rốt cuộc đâu vẫn vào đấy. Khi đó, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng đây là một quyết định "duy ý chí". "Bài toán vỉa hè 15 năm sao có thể giải quyết trong 10 ngày", một cán bộ Sở Giao thông nhận xét.
Hơn một năm sau, ngày 23/10, sau bài học thấm thía, TP HCM đã cho ra đời Quy định quản lý sử dụng tạm thời một phần lòng đường vỉa hè. Dù có nhiều thời gian nghiên cứu kỹ, nhưng quy định này bộc lộ nghịch lý về lộ trình thực hiện. Nhiều địa phương vẫn không biết xử lý thế nào khi vỉa hè dưới 3 m vẫn buộc phải giải tỏa trắng.
TP HCM một lần nữa lại thể hiện sự không nhất quán trong cách giải quyết của mình về chuyển đổi xe tự chế. Theo nghị quyết 32 của Chính phú thì từ đầu năm 2008 loại xe 3-4 bánh tự chế phải bị buộc khai tử hoàn toàn. Nhưng sau đó, Bộ Giao thông vận tải gia hạn thời gian cấm đến hết tháng 6 năm nay để các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ cho các chủ xe.
Lúc đó thành phố "mạnh dạn" đề nghị xe không có biển đăng ký như cơ giới, đẩy tay chỉ được phép lưu hành đến hết ngày 29/2. Tuy nhiên, đến thời hạn này, thành phố lại xin hoãn tới ngày 30/6 do chưa chuẩn bị kịp.
Ngày 30/6, UBND TP HCM lại vội vàng ký tờ trình Hội đồng nhân dân xem xét hoãn lệnh cấm đến sang năm. Lý do, qua 5 lần dự thảo cùng hàng chục cuộc họp bàn bạc, số tiền ban đầu 600 tỷ do Ban xây dựng đề án chuyển đổi xe tự chế đưa ra bị bác và đóng khung trong khoảng 50-83 tỷ đồng. Việc xây dựng đề án phải làm lại từ đầu, hàng nghìn chủ phương tiện xe tự chế một phen toát mồ hôi hột.
Cuối tháng 10 tức còn 2 tháng là tới lệnh cấm, ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng quản lý vận tải công nghiệp Sở Giao thông vận tải (một thành viên Ban xây dựng đề án chuyển đổi) thừa nhận đề án "không khả thi và làm cho có".
Không có tiền, đề án bế tắc, người dân như ngồi trên "đống lửa". Việc đưa ra lộ trình hạn chế xe trong khu vực nội đô như phương thức duy nhất hòng tìm ra lời kết của UBND TP HCM cũng bị Ủy ban Mặt trận tổ quốc gửi văn bản kiến nghị chưa nên áp dụng. Người dân tiếp tục thắc thỏm trong khi đến thời điểm này các cơ quan chứ năng vẫn im hơi lặng tiếng.

 nguồn Vnexpress.net

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)